Nữ sinh dân tộc Thái miền sơn cước trúng tuyển trường đại học Luật

GD&TĐ - Hà Thị Tuyến - nữ sinh người Thái hiếm hoi của xã vùng biên Thanh Hóa trúng tuyển vào Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của Tuyến có nguy cơ "đứt gãy".

Hà Thị Tuyến - nữ sinh Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đang học trực tuyến tại nhà.
Hà Thị Tuyến - nữ sinh Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đang học trực tuyến tại nhà.

Trúng tuyển với số điểm 31,25

Hà Thị Tuyến là nữ sinh người Thái hiếm hoi của xã vùng biên Tam Lư (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) trúng tuyển vào trường đại học tốp đầu.

Tổng điểm xét tuyển khối C00 vào Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh của Tuyến là 31,25 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên). Trong đó, Ngữ văn được 9,25 điểm, Lịch sử: 9,25 và 10 điểm môn Địa lý.

Chia sẻ lý do chọn trường Luật, nữ sinh hồ hởi: “Em chọn Luật vì đam mê thôi thúc. Hơn nữa, đây cũng là ngành học phù hợp với tính cách của em. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh nổi tiếng bởi sự năng động, nơi đây sẽ là môi trường tốt để em phát triển bản thân”.

Việc phải sống xa nhà với Tuyến không còn là sự trở ngại. Bởi, suốt 3 năm học tại Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa, em sống trong khu kí túc xá của trường, cách nhà hơn 140 km. Không có bố, mẹ ở bên săn sóc, nữ sinh luôn phải tự lo cho mình.

Đã bước sang tuần thứ 5, Hà Thị Tuyến (cựu học sinh lớp 12C, Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa) được trải nghiệm hình thức học trực tuyến của Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên nữ sinh không thể vào nhập học như dự kiến.

“Thời gian đầu ở trường nội trú, em cũng không quen lắm vì phải sống xa nhà. Thật may là các bạn rất thân thiện, thầy cô ngoài chuyên môn giỏi cũng thường xuyên quan tâm, động viên. Vì vậy, em không mất nhiều thời gian để làm quen”, Tuyến chia sẻ.

Với thái độ học tập nghiêm túc, chịu khó, nên suốt những năm cấp 3, Tuyến đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đặc biệt là năm học cuối cấp, em đoạt giải Ba môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Một trong những bí quyết đạt điểm cao của cựu học sinh lớp 12C đó là học theo sơ đồ tư duy. Phương pháp này, vừa giúp Tuyến hệ thống kiến thức vừa dễ hiểu và ghi nhớ lâu. Ngoài ra, nữ sinh cũng dành thời gian tự học và chia sẻ kiến thức với bạn bè.

Nói về học trò của mình, cô Lê Thị Huế (giáo viên chủ nhiệm lớp 12C), cho biết Tuyến là học sinh chăm chỉ, khả năng tự học rất tốt. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Tuyến rất nỗ lực, tính cách cũng hòa đồng, thân thiện.

Sau giờ học, Tuyến phụ giúp cha mẹ công việc ở nhà.
Sau giờ học, Tuyến phụ giúp cha mẹ công việc ở nhà.

“Ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Tuyến gần như là người “thắp lửa” cho các bạn khác. Ngoài sức học tốt, em còn có tinh thần giúp đỡ bạn bè”, cô Huế chia sẻ.

Theo cô Huế, năm 2021 lớp 12C có tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học trên 90%, trong đó có nhiều trường tốp đầu. Hà Thị Tuyến là học sinh có điểm trần cao nhất lớp.

Lo sợ chuyện học hành phải dang dở

Tuyến là con út trong gia đình có hai chị em ở bản Sại (xã Tam Lư, huyện Quan Sơn). Bố, mẹ em đều làm ruộng, nên hiện tại gia đình vẫn thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương.

“Đến giờ em vẫn còn nhớ thời điểm em học cấp 1 rồi cấp 2, khi đó gia đình quá khó khăn. Nhiều lần bố, mẹ phải vay mượn khắp nơi để đong gạo. Các khoản đóng góp của em hầu như phải nộp chậm vì không có sẵn tiền”, nữ sinh tâm sự.

Nữ sinh Hà Thị Tuyến phơi thóc giúp mẹ.
Nữ sinh Hà Thị Tuyến phơi thóc giúp mẹ.

Nghĩ đến gia cảnh khốn khó, Tuyến từng có dự định lựa chọn học sư phạm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, càng về những năm học cuối cấp, nữ sinh càng cảm thấy không phù hợp.

“Khi lên lớp 12, em nhận ra mình thực sự không có niềm đam mê, hứng thú với sư phạm. Nếu tiếp tục với lựa chọn này, em sợ bản thân sẽ không thể theo đuổi một cách trọn vẹn”, Tuyến nói.

Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình khốn khó nên trông Tuyến có phần mạnh mẽ và “gai góc”.

“Là con gái nhưng em cảm giác mình khá nóng tính, mạnh mẽ và có phần cá tính nữa. Em nghĩ rằng, tính cách này có lẽ một phần ảnh hưởng từ gia đình, môi trường sống. Tuy khá vui vẻ với điều đó, nhưng đôi lúc em cũng cảm thấy phiền phức và khó chịu”, nữ sinh trải lòng.

Mặc dù trúng tuyển ngành học mơ ước, nhưng Tuyến vô cùng lo lắng cho chặng đường sắp tới của mình. Nhất là vào đại học, các khoản chi tiêu cũng tăng lên trong khi bố, mẹ chỉ làm nông nghiệp và ngày càng già yếu.

Vui mừng trước tin con gái trúng tuyển vào trường đại học tốp đầu, nhưng ông Hà Văn Duy (bố Tuyến) cũng không khỏi lo nghĩ.

Nỗi lo lắng hằn trên nét mặt của ông Hà Văn Duy (bố Tuyến) khi con gái thi đậu vào Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.
Nỗi lo lắng hằn trên nét mặt của ông Hà Văn Duy (bố Tuyến) khi con gái thi đậu vào Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.

“Biết tin con gái đậu đại học, gia đình tôi vui lắm nhưng cũng rất lo lắng. Bởi vì, không biết phải xoay sở ra sao để có khoản tiền khoảng hơn trăm triệu đồng cho 4 năm con gái theo học”, ông Duy nói.

Ông Hà Văn Khánh – Trưởng bản Sại (xã Tam Lư) cho biết: Gia đình ông Duy thuộc hộ nghèo ở địa phương. Thu nhập của gia đình chủ yếu từ nông nghiệp.

“Biết tin em Tuyến đậu đại học, người trong bản đều rất vui mừng. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình em cũng khá khó khăn, không biết em ấy có tiếp tục theo đuổi ước mơ”, ông Khánh cho hay.

Theo dữ liệu từ Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa, năm học 2020 – 2021, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trên 99%. Nhiều em đạt điểm xét tuyển vào đại học đạt từ 24 điểm trở lên. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhà trường có 25 em đạt từ 27 điểm trở lên. Đáng chú ý, điểm trung bình xét tuyển đại học năm học vừa qua của trường đạt 24,08 điểm (không tính điểm ưu tiên). Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đỗ nguyện vọng 1 (NV1) vào các trường đại học đạt 91,6%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ