Phạm Thảo Phương, học sinh lớp 7A4, Trường THCS Trần Phú, TP Thái Bình (Thái Bình) đã xuất sắc giành giải Đặc biệt của Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ” năm học 2023 - 2024.
Tích cực học tập và làm theo lời Bác
Trở về sau lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/5 vừa qua, Phạm Thảo Phương mang niềm vui trở lại với nhịp điệu học tập, sinh hoạt bình thường.
Khi được hỏi về cuộc thi, Thảo Phương cho biết, là một trong hơn 53.000 thí sinh tham dự cuộc thi, với em đó là một vinh dự lớn. Để trở thành chủ nhân của giải thưởng đặc biệt em đã phải trải qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng. Em cảm thấy may mắn khi bài viết với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam vâng lời Bác Hồ dạy” của mình đoạt giải đặc biệt. Đây là trải nghiệm quý giá với cô học trò quê lúa Thái Bình.
Đây cũng là lần đầu tiên Thảo Phương tham gia hoạt động có quy mô lớn, với sự góp mặt của rất nhiều thí sinh xuất sắc đến từ các trường tiểu học và THCS thuộc 55 tỉnh, thành trong cả nước.
Trước khi tham gia cuộc thi, Thảo Phương đã tìm hiểu rất nhiều câu chuyện xúc động về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ. Đặc biệt, từ nhỏ em đã được nghe nhiều những câu chuyện thú vị về Bác qua lời kể của bố. Em dần hiểu được tình yêu bao la, to lớn của Người dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó Thảo ra sức phấn đấu học tập thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Với những nỗ lực, cố gắng trong học tập, 6 năm liền Thảo Phương luôn đạt học sinh giỏi, xuất sắc, luôn là một trong những học sinh nằm trong tốp đầu của trường, lớp, được thầy cô tin tưởng, bạn bè quý mến.
Ngoài những nỗ lực trong học tập, em còn năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh do nhà trường và thành phố tổ chức.
Đối với Thảo Phương khi đã nhận nhiệm vụ, em luôn cố gắng phát huy tốt nhất các khả năng của mình để hoàn thành. Trong quá trình triển khai công việc, em luôn lắng nghe, luôn gương mẫu, dẫn đầu trong các phong trào, nhiệt tình hỗ trợ các bạn trong học tập cũng như trong hoạt động Đội.
Bên cạnh đó, Thảo Phương còn thể hiện năng khiếu về ca hát, kể chuyện, làm thơ, dẫn chương trình… trong nhiều hoạt động văn hóa thể thao của lớp, của trường.
Phạm Thảo Phương bên gia đình và thầy cô. Ảnh: M.C |
“Công trình” công phu và tâm huyết
Sở dĩ mọi người gọi tác phẩm gửi tham dự cuộc thi của Phạm Thảo Phương là “công trình” bởi tác phẩm có độ dày hơn 200 trang, được trình bày công phu, sáng tạo, logic và được đóng thành quyển sách.
Nhiều bài viết tìm hiểu về Bác Hồ, những bộ sưu tập hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi, các bài thơ, bài văn đặc sắc thiếu nhi viết về Bác đều chứa đựng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Thảo Phương truyền tải tới thế hệ thiếu niên, nhi đồng ngày nay.
Thảo Phương cho biết, trong quá trình tìm hiểu tư liệu tham gia cuộc thi, em luôn tâm niệm về lời dạy của Bác, mỗi bài nói, bài viết của Bác, mỗi tác phẩm của Bác, hay mỗi mẩu chuyện kể về Bác... đều chứa đựng trong đó những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, chắt lọc những tư liệu quý giá về Bác, trong bài dự thi của mình, Phương Thảo đưa vào minh họa thêm rất nhiều hình ảnh, câu chuyện của bản thân, gia đình, nhà trường và những việc làm, hành động tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, còn có cả những bài thơ ngắn do em sáng tác từ năm lớp 2 nói về công ơn của cha mẹ, thầy cô cũng được đưa vào bài dự thi như một minh chứng cho việc học và làm theo Bác.
Ngoài sưu tập những câu chuyện, bài viết về Bác Hồ, tác phẩm còn kèm theo hình ảnh hoạt động cũng như bản ký cam kết của hơn 1.300 học sinh Trường THCS Trần Phú: Quyết tâm ra sức thi đua phấn đấu thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy” và lời nhắn gửi của Bác Hồ tới thiếu niên, nhi đồng.
Là người theo sát con gái ngay từ những ngày đầu cuộc thi phát động, nhưng ông Phạm Đức Diệu, bố của Phạm Thảo Phương vẫn không khỏi bất ngờ về sự trưởng thành trong suy nghĩ và trong hành động của con. Ông cảm nhận: “Công trình nhỏ của Thảo rất hợp lý và có chất lượng, từ việc sắp xếp bố cục tác phẩm đến lựa chọn những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện đều phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng”.
Thành tích của Thảo Phương không chỉ là thành công của một cá nhân mà còn mang lại niềm tự hào, phấn chấn và sự động viên tinh thần rất lớn cho nhà trường và gia đình. Còn Phương, sau những lần tích cực tham gia các hoạt động phong trào do nhà trường phát động, em được kích hoạt khả năng tìm tòi học hỏi, có thêm nhiều trải nghiệm hữu ích và có cơ hội rèn luyện bản thân.
Cô Nguyễn Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho biết, cuộc thi là sân chơi bổ ích, thiết thực, đối với mỗi em học sinh. Qua đó, giúp các em có những định hướng học tập đúng đắn, sống có lý tưởng đẹp, có hoài bão và khát khao được cống hiến.
Thời gian tới, nhà trường sẽ in tác phẩm của Phạm Thảo Phương để ở thư viện trường và mỗi lớp học để giúp học sinh toàn trường có hiểu biết sâu rộng về tình yêu thương, sự quan tâm, chăm lo ân cần của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng, đồng thời thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn của các em đối với Bác Hồ.
Đây cũng là suy nghĩ của Phương. Em mong muốn tác phẩm của mình không chỉ dừng lại khi cuộc thi khép lại cùng giải thưởng mà sẽ được lan tỏa đến mọi người, trước hết và bắt đầu ngay tại chính lớp học, ngôi trường thân yêu, trong gia đình và nơi mình sống.
Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ”, năm học 2023 - 2024 do Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp cùng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức lần thứ tư tại Hà Nội.
Đối tượng là các em học sinh cấp Tiểu học và THCS. Cuộc thi được tổ chức với hai nội dung dành cho cá nhân và tập thể với hình thức thi bao gồm viết, vẽ và video clip. Ban tổ chức đã trao 16 giải tập thể (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích) và 23 giải cá nhân (gồm 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 15 giải Khuyến khích).