Nghị lực của nữ sinh có khuôn mặt 'đặc biệt'

GD&TĐ - Cô học trò Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Hậu Giang) dù có khuôn mặt dị thường nhưng vượt lên mặc cảm theo đuổi ước mơ mở cánh cửa Trường ĐH Luật TPHCM.

Huyền phụ bà chăm sóc em nhỏ.
Huyền phụ bà chăm sóc em nhỏ.

Chiến thắng sự xấu hổ và yếu đuối

Hầu hết học sinh Trường THPT Chiêm Thành Tấn (TP Vị Thanh, Hậu Giang) đều biết Nguyễn Thị Ngọc Huyền (18 tuổi, lớp 11XH2) vì nhân diện đặc biệt và khả năng vượt khó học tốt của em. Ngôi nhà của gia đình em là nhà tình thương được địa phương hỗ trợ từ năm 2005, nằm ven con đường nhỏ sâu hút ở vùng ven thành phố Vị Thanh. Hiện em sống cùng bà đã 75 tuổi và 3 em nhỏ.

Khuôn mặt đượm buồn mang nhiều nét ưu tư, nữ sinh cho biết, ngay từ khi rời bụng mẹ em đã phải gánh số phận trớ trêu. Là đứa trẻ được sinh non, cơ thể em còm cõi suy dinh dưỡng với hai vết thương hở trên mặt. Bé nhỏ, yếu ớt như thế nhưng Huyền đã phải trải qua hai cuộc phẫu thuật gương mặt em mới được như hiện nay.

Từ khi Huyền chưa biết đi thì cha mẹ đã gửi em cho bà nội trông coi để lên Tây Ninh làm thuê. Gia đình bà nội trước nay cũng thuộc hộ nghèo, không có vườn tược, đất đai để trồng cấy mưu sinh, nên em đã sớm quen với nỗi cơ cực, thường cùng bà nội mò cua bắt ốc để trang trải cuộc sống qua ngày.

Trước đây, Huyền rất sợ đám đông, cô bé luôn hoảng hốt, đã nhiều lần không che giấu được cảm xúc khi bị ai đó đùa cợt, chê bai là xấu như “Thị Nở”. Thậm chí, có người còn dè dặt, lảng tránh không muốn Huyền đến nhà chơi vì sợ gương mặt biến dạng của em sẽ làm con nít sợ hãi.

Lên lớp 6, Huyền ngày càng ngậm ngùi và mặc cảm về vẻ ngoài “dị thường” của mình, nhiều lúc em xấu hổ vì bị bạn bè gọi là “Võ sư một mắt”. Càng ý thức được nỗi thiệt thòi, khiếm khuyết của bản thân, Huyền càng sợ những lời lẽ khiếm nhã, chê bai. Lâu dần Huyền đâm ra ghét bản thân, rất sợ soi gương. Có lần Huyền được bà nội cho xem lại tấm ảnh thuở bé thì em “giật mình”, ám ảnh không dám coi lại lần hai.

Được sự động viên của những người yêu thương, quan tâm chia sẻ, Huyền cũng được đến trường, nhưng hành trình đi học của em đã gian nan lại càng thêm khó khăn bởi sự mặc cảm lấn át khiến em rất ngại tiếp xúc, giao tiếp với mọi người.

Ngoài giờ lên lớp, giờ rảnh Huyền tìm đến sách như một người bạn để nâng cao kiến thức và tìm niềm vui. Cứ âm thầm nỗ lực và lặng lẽ quyết tâm học tập để không bị các bạn coi thường, như mưa dầm thấm đất, cô nữ sinh đã có 3 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp THCS.

Ngọc Huyền vượt qua nỗi tự ti, mặc cảm để đến trường.

Ngọc Huyền vượt qua nỗi tự ti, mặc cảm để đến trường.

Thế nhưng vào năm học lớp 9, thành tích học tập của Huyền dần sa sút, do những mặc cảm tiếp tục bủa vây, khiến em mất đi động lực học tập. “Thời điểm ấy em quyết định nghỉ học để đi làm. Một số nơi em xin việc chủ rất đồng cảm nhưng cũng không nhận, họ bảo sẽ thông báo sau, nhưng thực ra đó là cách từ chối khéo và câu trả lời lại chìm vào im lặng.

Điều đó khiến em trễ học 1 năm, nhưng đây cũng là khoảng thời gian cần thiết giúp Huyền nhìn nhận rõ ràng về năng lực của bản thân và hiểu thấm thía rằng chỉ có việc học mới có thể giúp em thay đổi được tương lai và cách nhìn nhận của mọi người dành cho mình”, Huyền tâm sự.

Huyền quyết tâm bước vào giảng đường đại học.
Huyền quyết tâm bước vào giảng đường đại học.

Khát vọng trở thành… người bình thường

Với quyết tâm học tập để thay đổi số phận, Huyền lấy lại tự tin, tiếp tục trở lại trường học và bắt nhịp nhanh với bài vở. Năm lớp 10 kết thúc em đạt danh hiệu học sinh giỏi, đồng thời được chọn là 1 trong 3 học sinh của trường dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023 - 2024.

Giờ đây, Huyền đã mạnh dạn tháo bỏ lớp khẩu trang bao năm bám chặt khuôn mặt không rời, tháo bỏ sự che chắn suốt bao năm em nhờ cậy, chủ động hòa nhập với bạn bè. Huyền luôn tự nhủ để trấn an bản thân, em cần phải thay đổi suy nghĩ.

Chính vì biết bỏ ngoài tai những điều bận tâm không hay, dám mở lòng đón nhận tình cảm yêu thương và đồng cảm, chia sẻ của mọi người dành cho mình nên Huyền đã bớt tự ti, ngại ngùng. Giờ đây, đọng lại trong ánh mắt, trong trái tim bạn bè, thầy cô, Huyền có một vẻ đẹp riêng đáng được trân trọng và yêu thương, bởi em luôn sống lạc quan, dũng cảm đối mặt với nghịch cảnh, nỗ lực phấn đấu theo đuổi ước mơ.

Huyền bộc bạch: “Em mơ ước ngày nào đó có thể thay đổi được diện mạo bên ngoài, cải thiện được khuôn mặt dị thường của mình. Không cần xinh đẹp mà chỉ cần bình thường như mọi người là em hạnh phúc rồi. Nếu có tiền phẫu thuật thẩm mỹ, em mong tác động được đến đôi mắt, vì nó là cửa sổ tâm hồn”, Huyền xúc động nói.

Cô Lê Thị Minh Liễu, giáo viên chủ nhiệm lớp 11XH2 Trường THPT Chiêm Thành Tấn cho biết: Thời gian đầu cấp, Huyền còn hơi rụt rè, thụ động trong giao tiếp song với việc học tập thì em đặc biệt chăm chỉ, ngày càng tự tin và thể hiện được khả năng. Trong lớp học Huyền rất hoà đồng, dễ thương, biết giúp đỡ bạn bè.

“Tôi mong muốn sẽ có những vòng tay nhân ái hỗ trợ Huyền trong học tập, cũng như giúp em phẫu thuật để khuôn mặt bớt đi những nét ‘dị thường’, để em có sự tự tin vào dung mạo và có tương lai tốt hơn. Tôi cũng mong em sẽ chạm đến ước mơ của cuộc đời mình là bước vào ngưỡng cửa đại học và sau này có một công việc phù hợp”, cô Liễu tâm sự.

Bà Võ Hồng Nga (75 tuổi) bà nội của Huyền trầm giọng giãi bày: “Huyền sinh ra không được lành lặn nên cha mẹ cháu rất quyết tâm chăm lo, bù đắp cho con, họ xác định dù có làm việc vất vả thế nào cũng mong con được đến lớp, được học lên đại học”.

Hiện nay, ngoài giờ học, Huyền luôn phụ bà việc nhà, chăm sóc 3 em nhỏ. Những khi bà ốm bệnh, phải nằm viện điều trị, Huyền như một cô hộ lý tận tình chăm sóc, nâng giấc bà rất chu đáo. Bà chỉ ước ao cháu gái có khuôn mặt bình thường như mọi người, để tương lai cháu bớt gian nan...

“Cho dù hoàn cảnh thế nào, chính mình phải biết trân trọng và yêu thương bản thân. Đó luôn là ‘liều thuốc’ hiệu quả nhất để làm vơi đi những muộn phiền. Em lấy điều này làm phương châm sống để vững vàng hơn trên hành trình chinh phục ước mơ trở thành sinh viên đại học. Em hy vọng sẽ trở thành một luật sư trong tương lai, để tự mình tạo ra những giá trị, giúp đỡ được mọi người và khiến người thân và gia đình cảm thấy tự hào” - Nguyễn Thị Ngọc Huyền cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.