Nữ nhà giáo xứ Thanh tâm huyết tìm tòi phương pháp luyện đọc

GD&TĐ - Với mong muốn học trò thân yêu của mình kỹ năng đọc lưu loát, chuẩn âm, đúng chính tả, biểu cảm... nữ nhà giáo dạy Tiểu học ở TP Thanh Hóa đã dành tâm huyết của mình, để ‘rèn’ cho các em.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà cùng học sinh của mình ở TRường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, TP Thanh Hóa.
Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà cùng học sinh của mình ở TRường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, TP Thanh Hóa.

Đọc có vị trí đặc biệt quan trọng

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà (Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, TP Thanh Hóa) đã xây dựng phương pháp rèn đọc cho học sinh (HS) lớp 1 rất hiệu quả, thiết thực. Nhờ phương pháp luyện đọc của mình, HS của cô Hà đã nhanh chóng tiếp cận, nắm vững kiến thức và đặc biệt được Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm, đồng nghiệp đánh giá cao.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, cô giáo Đỗ Thị Thu Hà cho biết, ở Tiểu học, môn tiếng Việt có vị trí quan trọng nhất trong tất cả các môn học, nó hình thành khả năng giao tiếp, là cơ sở để phát triển tư duy cho trẻ, giúp trẻ có khả năng tiếp thu các môn học khác.

Trong môn Tiếng Việt, đọc là một phần có vị trí đặc biệt quan trọng, nó đảm nhiệm việc hình thành, phát triển kỹ năng quan trọng hàng đầu của HS ở bậc tiểu học. Năng lực của HS tạo được từ kỹ năng: đọc đúng, đọc nhanh, đọc có ý thức và đọc diễn cảm. Bốn kỹ năng này được hình thành trong hai hình thức đọc là: đọc thành tiếng và đọc hiểu.

“Tôi cho rằng, ở lớp 1, rèn kỹ năng đọc đúng cho HS là rất quan trọng. Nó là cuốn cẩm nang để các em khám phá tri thức. Vì vậy, khi dạy Tiếng Việt phải hướng cho HS đọc đúng và chính xác. Khi các em đọc đúng, nói hay, sẽ thấy được những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, có tình cảm yêu quý, kính trọng, biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô...”, cô Thu Hà tâm sự.

Gần 30 năm trong nghề, nữ nhà giáo Đỗ Thị Thu Hà luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để có thể dạy tập đọc cho HS của mình một cách tốt hơn. Vì thế, cô Hà đã chọn đề tài “Một số biện pháp rèn đọc đúng cho HS lớp 1A6 Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, TP Thanh Hóa” để nghiên cứu, nhằm nâng cao kĩ năng đọc cho HS lớp 1.

Nữ nhà giáo Đỗ Thị Thu Hà.

Nữ nhà giáo Đỗ Thị Thu Hà.

“Ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện tâm trạng, tình cảm. Chức năng quan trọng của ngôn ngữ đã quy định sự cần thiết nghiên cứu sâu sắc kỹ năng đọc trong môn Tiếng Việt và trong hệ thống giáo dục nhà trường. Có đọc thông thì mới viết thạo”, nữ nhà giáo chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, môn Tiếng Việt ở Tiểu học rèn luyện cho HS cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Mục tiêu của việc dạy và học Tiếng Việt ở lớp 1, là đem lại cho các em kỹ năng đọc đúng, viết đúng. Ngoài ra, còn làm giàu vốn từ, vốn hiểu biết, làm phong phú vốn ngôn ngữ cho các em.

“Đây là điều kiện chuẩn bị để các em học tốt hơn môn Tiếng Việt ở các lớp trên. Dạy môn Tiếng Việt nói chung và dạy đọc nói riêng, là chúng ta đã trao cho các em chìa khóa để mở ra những cánh cửa bước vào tương lai, là công cụ để các em vận dụng suốt đời.

Ngoài ra, tập đọc còn góp phần quan trọng vào việc rèn cho HS những phẩm chất đạo đức tốt, như: tính kiên trì, bền bỉ, tinh thần kỉ luật, óc thẩm mĩ và đặc biệt là tình yêu Tiếng Việt”, cô Hà bộc bạch.

Rèn luyện thao tác đọc cho trò

Bày tỏ quan điểm của mình, nữ giáo viên (GV) cho rằng, đọc trở thành một đòi hỏi cơ bản đầu tiên đối với mỗi người, nhất là học sinh lớp 1. Vì vậy, việc hình thành, phát triển một cách có hệ thống về năng lực đọc cho HS là rất cần thiết.

“Đối với HS khi mới vào lớp 1, các em còn bỡ ngỡ, chưa làm quen được với việc học ở Tiểu học. Một số em còn nhút nhát, rụt rè chưa mạnh dạn trong giao tiếp. Lại có một số em còn phát âm chưa chuẩn, chưa thực sự chú ý đến lời nói trong giao tiếp hàng ngày. Hệ thống phát âm của một số em chưa hoàn chỉnh, có em phát âm còn sai, ngọng.

Đặc biệt, cách phát âm của một số em theo thói quen hoặc, nghe người lớn phát âm và thực hiện lại. Do ảnh hưởng của phương ngữ, nên các em còn phát âm thiếu chính xác tiếng, từ chứa: h /kh, dấu ngã/ dấu sắc.

Bên cạnh đó, lỗi về phát âm, như: sai phụ âm đầu tr/ch; s/x; p/, sai do phương ngữ “âm trờ đọc thành chờ”, “âm sờ đọc thành xờ”, “âm pờ đọc là bờ”, “dấu ngã đọc thành dấu hỏi”...”, cô Hà nói.

Cô giáo Hà hướng dẫn học sinh cách cầm sách đứng đọc.

Cô giáo Hà hướng dẫn học sinh cách cầm sách đứng đọc.

Từ kết quả khảo sát trên, muốn HS đọc đúng, cô Thu Hà đã có biện pháp rèn đọc đúng cho HS lớp 1. Đó là, đối với những tiết học đầu tiên (đặc biệt là tuần 1) tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm với các em. GV cần xác định được mọi thao tác, mọi tư thế, cách đọc, nói, giao tiếp,… được hình thành trong giai đoạn này là hết sức quan trọng.

“Những thao tác, những thói quen, tư thế tác phong đúng, đẹp sẽ rất có lợi lâu dài và ngược lại. Bởi thế, rèn luyện các thao tác, động hình, tư thế ở tuần đầu tiên phải hết sức chuẩn mực, rõ ràng, dứt khoát. Việc rèn đọc cho HS không thể thiếu bước hướng dẫn tư thế cầm sách: khi đứng đọc, khi ngồi đọc... đọc phải to, rõ ràng, đủ cho cả lớp nghe”, cô Hà bày tỏ.

Nữ nhà giáo cho rằng, ở lứa tuổi HS Tiểu học, các em luôn coi thầy, cô giáo của mình là thần tượng, là chuẩn mực. Đặc điểm tâm lí của HS ở lứa tuổi này là hay bắt chước, hay làm theo. Các em thích mình giống như thầy, cô và người lớn. Các em thường “bắt chước” cô giáo từ cách ăn mặc, đi đứng, lời nói, cử chỉ, chữ viết,…

Học sinh lớp 1 hằng ngày đến lớp chủ yếu được nghe giọng nói của GV. Vì vậy, GV cho HS nghe đúng, nghe hay thì việc các em đọc sai, viết sai từng bước được khắc phục. Muốn HS phát âm tốt, thì GV phải phát âm chuẩn xác.

Cũng theo cô Hà, khi vận dụng phương pháp đọc mẫu cho HS, cô thường rèn luyện cho các em biết kết hợp cả kĩ năng nghe và nhìn (nghe tiếng phát âm và quan sát môi, miệng, lưỡi của cô giáo).

Trong phương pháp rèn đọc cho học trò, cô Hà thường chia nhóm học sinh để các em tiếp cận nhanh hơn.

Trong phương pháp rèn đọc cho học trò, cô Hà thường chia nhóm học sinh để các em tiếp cận nhanh hơn.

Như vậy, HS sẽ phát âm đúng và dễ dàng hơn. Khi đọc mẫu, không đơn giản chỉ là phát ra âm tiết, mà cần biết phối hợp với thuật “hình môi” nhằm hướng dẫn các em phát âm chuẩn xác hơn. Nếu HS chỉ nghe, mà không nhìn miệng cô giáo đọc, thì việc phát âm sẽ không đạt hiệu quả cao.

“Để rèn luyện đọc thành tiếng cho HS có hiệu quả, thì GV phải chú trọng đến giọng đọc, giọng nói của mình cho tốt. Điều này không chỉ trong giờ học Tiếng Việt, mà còn ở tất cả khi giao tiếp với HS. Bởi, giọng đọc mẫu của GV là một phương tiện trực quan có giá trị rất lớn trong giờ học, đặc biệt đối với học sinh lớp 1 ”, cô Hà chia sẻ.

Sau khi áp dụng các biện pháp nêu trên, kết quả thu được rất khả quan. Qua quá trình giảng dạy, kĩ năng đọc của HS được nâng cao rõ rệt. Đầu năm học, nhiều em nói nhỏ lí nhí, nhiều em rụt rè, mếu máo, phát âm còn ngọng, nhiều em tiếp thu bài chậm. Gần kết thúc năm học, các em đã đọc to, rõ ràng, lưu loát hơn. Những em học khá, giỏi đã đọc đúng, bước đầu đọc diễn cảm bài văn đúng yêu cầu đề ra. Không còn tình trạng học sinh phải đánh vần khi đọc, không còn HS không biết đọc.

“Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà là một giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021. Cô Hà cũng là nữ nhà giáo có lối sống giản dị, hòa đồng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, luôn được học sinh, đồng nghiệp yêu quý. Những sáng kiến kinh nghiệm của cô Hà được Hội đồng chấm SKKN và đồng nghiệp luôn đánh giá cao.

Năm học 2017-2018, với đề tài: “Một số giải pháp đổi mới phương pháp dạy học môn đạo đức lớp 2” của cô Hà được, được xếp loại C cấp tỉnh. Đề tài “Một số biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn ngắn trong các dạng bài Tập làm văn cho học sinh lớp 2 trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám” của cô Hà được xếp loại B, cấp thành phố...”, cô Dương Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, TP Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ