Cựu nhà giáo làm 'đầu tàu' Hội Phụ nữ

GD&TĐ - Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Mạc Thị Thanh Bình hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội LHPN Thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Chủ tịch Hội LHPN Thị xã Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình phối hợp tổ chức chương trình “Đồng hành cùng con em cán bộ hội học ngoại ngữ”.
Chủ tịch Hội LHPN Thị xã Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình phối hợp tổ chức chương trình “Đồng hành cùng con em cán bộ hội học ngoại ngữ”.

NGƯT Mạc Thị Thanh Bình, nguyên Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chơn Thành (nay là Thị xã Chơn Thành), Bình Phước hiện đang đảm nhận vai trò “đầu tàu” của Hội LHPN thị xã Chơn Thành.

Cô Bình là gương mặt không còn quá xa lạ với bạn đọc của Giáo dục và Thời đại nói chung cũng như các phòng ban hoạt động giáo dục tại Bình Phước nói riêng. Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2012, cô từng vinh dự góp mặt trong đầu sách “Viên phấn & Bục giảng” - Ấn phẩm do Giáo dục và Thời đại tổng hợp từ 50 gương mặt Nhà giáo Việt Nam tiêu biểu thời kỳ đổi mới.

Trải qua hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực “trồng người”, niềm say mê và cống hiến với nghề giúp nhà giáo Thanh Bình gặt hái được nhiều thành công.

Cô Mạc Thị Thanh Bình - Chủ tịch Hội LHPN Thị xã Chơn Thành.

Cô Mạc Thị Thanh Bình - Chủ tịch Hội LHPN Thị xã Chơn Thành.

Trong 11 năm trực tiếp giảng dạy, cô từng đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” (GVDG) cấp Huyện suốt 3 năm liền; danh hiệu GVDG cấp Tỉnh suốt 7 năm liền; 1 năm đạt danh hiệu GVDG cấp Quốc gia (1999).

Trong 33 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, cô có 21 sáng kiến được công nhận ở cấp Huyện và cấp Tỉnh; 15 năm liền được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở”; 4 lần được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh” và 1 lần được công nhận “Chiến sĩ thi đua Toàn quốc”.

Cô Bình đã nhận 35 Bằng khen (24 Bằng khen của Tỉnh ủy và UBND Tỉnh; 7 Bằng khen của Bộ GD&ĐT, 1 Bằng khen của Tổng Liên đoàn LĐVN; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, 20 năm liên tục cô được bình bầu là Đảng viên xuất sắc; giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp Tỉnh Hội thi “Báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh” và được Ban Chấp hành Trung Ương – Ban Tư tưởng Văn hóa cấp Giấy chứng nhận Báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh (2004).

Năm 2012 cô Bình được phong danh hiệu NGƯT, năm 2013 cô đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Toàn quốc” và năm 2015 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Sau hai nhiệm kỳ hoàn thành tốt nhiệm vụ Trường Phòng Giáo dục & Đào tạo, từ tháng 9/2020, nhà giáo Thanh Bình được điều động, luân chuyển sang vai trò Chủ tịch Hội LHPN Thị xã Chơn Thành. Cô đồng thời là Huyện Ủy viên, Bí thư chi bộ, Đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026, Uỷ viên UBMTTQVN huyện Chơn Thành; Ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh Bình Phước.

Năm 2021, ở cương vị công tác mới, cô vẫn được Thị ủy Chơn Thành biểu dương là cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hai năm liền, cô đều có sáng kiến công nhận cấp thị xã.

Cô Mạc Thị Thanh Bình cùng Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Phước chụp ảnh kỷ niệm cùng Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XIII.

Cô Mạc Thị Thanh Bình cùng Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Phước chụp ảnh kỷ niệm cùng Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XIII.

Với những kinh nghiệm từng đúc kết trong quá trình quản lý giáo dục, nhà giáo Thanh Bình đang không ngừng đóng góp công sức, phát huy vai trò của người phụ nữ Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng trong thời đại mới.

Cô Bình chia sẻ: Ngày nay, người phụ nữ nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp. Rất nhiều cá nhân tài năng, học vấn cao, làm kinh tế giỏi, có địa vị xã hội nhưng vẫn giữ vững thiên chức làm vợ, làm mẹ.

"Họ biết tận dụng thời gian nghỉ, tranh thủ đảm đương việc nhà, chăm sóc con cái và gia đình, song vẫn không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đó là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, hội đủ các yếu tố công, dung, ngôn, hạnh” - cô Bình tâm niệm.

Mặc dù không còn trực tiếp gắn bó với nghề “phấn trắng, bảng đen” nhưng ngọn lửa đam mê nghề giáo trong cô chưa lúc nào tàn lụi. Để phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ, niềm hăng say với công việc giáo dục, cô thường xuyên tham gia những hoạt động phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em; phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về Luật bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, an toàn cho trẻ khi ở nhà và trường học.

Cô còn tích cực với công tác từ thiện nhân đạo vận động mạnh thường quân trao tặng học bổng, quà và thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu” để kêu gọi mạnh thường quân đỡ đầu, giúp cho trẻ em mồ côi được chăm sóc chu đáo và tiếp tục đến trường; vận động đội ngũ nhà giáo tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” và Chương trình “Áo dài yêu thương” để trao tặng những bộ áo dài đã qua sử dụng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, gắn kết phong trào giáo dục và phong trào phụ nữ,…

Chia sẻ trước thềm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, NGƯT Mạc Thị Thanh Bình hy vọng xã hội ngày càng có cái nhìn khách quan hơn khi đánh giá năng lực người phụ nữ, tránh tư tưởng định kiến giới.

"Hiện ngoài trách nhiệm truyền thống của một người con, người mẹ, người dâu, người vợ,… phụ nữ Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội khẳng định bản thân, bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật", cô Bình khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ