Nữ nghệ sĩ piano thoát chết nhờ bản dạ khúc buồn Chopin

GD&TĐ - Một nữ tù nhân trại tử thần chơi bản dạ khúc của Chopin tại buổi tiệc mừng sinh nhật viên chỉ huy trại. Hắn ta vì khâm phục tài năng của nữ nghệ sĩ đã đồng ý tha chết cho bà...

Nữ nghệ sĩ piano Do Thái Natalia Karp.
Nữ nghệ sĩ piano Do Thái Natalia Karp.

Đó chính là nữ nghệ sĩ piano Do Thái nổi tiếng Natalia Karp và đó cũng là tình tiết rất chân thực trong bộ phim “Bản danh sách của Schindler” của đạo diễn Steven Spielberg. 

Nghệ sĩ dương cầm trẻ

Natalia sinh ngày 27/2/1911 tại Kraków - cố đô của Ba Lan. Bà là con thứ hai trong một gia đình giàu có, sở hữu một nhà máy dệt. Tuy nhiên, gia đình thương gia này lại đam mê âm nhạc. Ông nội của Natalia là ca sĩ nổi tiếng, mẹ bà là nghệ sĩ opera. Bản thân bà ngay từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc.

Gia đình quyết định cho Natalia học nhạc. Lúc đầu, bà được ông nội dạy. Từ năm 13 tuổi, bà bắt đầu học nhạc với anh rể của nghệ sĩ piano Ba Lan Arthur Rubinstein. Năm 16 tuổi, gia đình gửi Natalia sang Berlin và bà trở thành học trò của nghệ sĩ piano kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng Mỹ gốc Áo Artur Schnabel.

Hai năm sau, Natalia biểu diễn ra mắt tại Berlin với dàn nhạc của Hội khuyến nhạc Berlin. Đây là thành công lớn đối với một nghệ sĩ dương cầm trẻ. Mọi thứ tưởng chừng như báo trước một sự nghiệp rực rỡ, nhưng bất hạnh đã xảy ra. Ở Kraków, mẹ của Natalia đột ngột qua đời, để lại các em trai và em gái không nơi nương tựa. Natalia phải trở về nhà và thay cho các buổi biểu diễn âm nhạc, bà phải dạy nhạc để nuôi các em.

Năm 1933, Natalia lấy chồng. Ý trung nhân của bà là Julius Hubler, một người rất đa tài. Ông là luật sư kiêm nghệ sĩ piano và nhà phê bình âm nhạc. Nhưng ông phản đối nghề nghiệp của vợ. Theo ông, một người phụ nữ phải chăm lo chồng con, nội trợ.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu họ không còn nhà nữa. Ngày 1/9/1939, quân Đức tiến vào Ba Lan. Ngày 18/5/1940, “thị trưởng” Quốc xã Karl Schmidt tuyên bố “thanh lọc” Kraków khỏi người Do Thái.

Julius, chồng của Natalia, không sống đến ngày đó. Ông tình nguyện ra mặt trận và hy sinh ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến trong một trận bom. Natalia chỉ biết tin chồng mất sau chiến tranh. Cha, em trai và em gái của Natalia bí mật rời khỏi thành phố. Chỉ có Natalia và em gái Helena ở lại Kraków.

Viên chỉ huy trại tập trung Amon Göth.

Viên chỉ huy trại tập trung Amon Göth.

Thoát án tử hình nhờ bản nhạc buồn

Một hôm, ra đường sau giờ giới nghiêm, Natalia bị bọn mật thám Gestapo bắt và đánh đập dã man. Sau một thời gian, hai chị em bị đưa đến thành phố Tarnów, cách Kraków 70 km.

Trước đây, Tarnów chỉ có khoảng 25 nghìn dân, chiến tranh xảy ra, dân số nơi đây lên tới 40 nghìn do làn sóng người tị nạn Do Thái ập đến. Nhà ở thiếu thốn nghiêm trọng, đến mức mọi người phải qua đêm ngay trên đường phố.

Năm 1943, tình hình trở nên hết sức bi đát - Đức Quốc xã biến Tarnów thành khu ổ chuột của người Do Thái với hàng rào bao quanh và lính tuần tra.

Thực phẩm hầu như không có, và cư dân của khu ổ chuột bị trục xuất đến các trại lao động và tập trung. Trong quá trình “tuyển chọn” để trục xuất, quân Đức đã bắn chết hàng loạt người già và trẻ em. Natalia và Helena đã chứng kiến ​​5.000 người bị bắn ở quảng trường khu ổ chuột chỉ trong một ngày.

Chạy trốn là lối thoát duy nhất, và hai chị em cùng với hai người bạn định bí mật đến Warszawa, để rồi từ đó trốn sang nước láng giềng Slovakia. Kết quả là cả bốn người mang giấy tờ giả đã bị Gestapo bắt giữ và đưa đến trại tập trung Plaszów, cách Kraków không xa.

Hai chị em bị kết án tử hình và bị giam dưới hầm chờ ngày thi hành án. Họ vô cùng ngạc nhiên khi sáng hôm sau, Natalia được lệnh có mặt tại lễ sinh nhật của viên chỉ huy trại Amon Göth. Ở trại, hắn nổi tiếng là kẻ tàn ác và vô nhân đạo. Hắn đã lấy đi 10 nghìn mạng sống của người Do Thái.

Kỳ lạ thay, hắn cũng là một kẻ cực kỳ hâm mộ nhạc cổ điển. Ngày 9/12/1943, đúng vào sinh nhật của hắn, Natalia được đưa đến như một “món quà âm nhạc”.

Natalia được đưa từ boongke đến biệt thự của viên chỉ huy trại Amon Göth. “Khi tôi đến, buổi lễ đang lúc sôi nổi nhất. Đám thực khách ăn mặc đẹp đẽ đang uống rượu vang và nâng ly chúc mừng chủ nhân của buổi lễ. Viên chỉ huy trại trong bộ lễ phục màu trắng. Tôi vô cùng sợ hãi, bởi vì đã gần 4 năm nay, kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tôi không chơi piano. Đến lúc đó, các ngón tay của tôi đã bị tê cứng nhưng đành phải ngồi xuống bên cây đàn. Đây là cơ hội duy nhất để cứu sống mình!” - Natalia kể trong hồi ký.

Mặc dù không khí buổi lễ đang rất vui vẻ, Natalia quyết định chơi bản dạ khúc cung Đô thăng thứ buồn của Chopin, nó hợp với tâm trạng của bà lúc bấy giờ.

“Đàn đi chứ, Sarah” - Göth ra lệnh.

“Sarah” là cái tên mà quân Quốc xã gọi phụ nữ Do Thái. Đàn được một lúc, Natalia thầm nghĩ Göth sắp rút súng lục bắn bà. Nhưng khi chơi hết bản nhạc, trong im lặng phăng phắc bà nghe tiếng Göth vừa nói vừa chỉ tay về phía bà:

- Cô ấy sẽ sống!

Nghe hắn nói thế, Natalia đánh bạo hỏi:

- Thế còn em gái tôi?

- “Cô ấy cũng vậy” - viên chỉ huy miễn cưỡng đồng ý.

Kể từ đó, hai chị em Natalia coi ngày 9/12/1943 là ngày sinh lại, vì họ đã thoát chết một cách thần kỳ.

Tiếp tục sự nghiệp âm nhạc

Năm 1946, Natalia tái hôn. Chồng bà là nhà ngoại giao Joseph Karp, từng làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Ba Lan. Sau khi kết hôn, cặp đôi chuyển đến Anh và định cư ở Hampstead. Natalia quyết định tiếp tục sự nghiệp âm nhạc, vì vậy bà học nhạc rất chăm chỉ, 5 giờ mỗi ngày.

Họ sinh được hai con gái, Eva và Ann. Cô con gái út sau này trở thành nhà báo, làm việc cho tờ Guardian. Năm 1996, cô viết cuốn sách “Thời hậu chiến: Cuộc sống sau Holocaust”, trong đó kể về cuộc đời của cha mẹ mình.

Trong những năm 1950, Natalia Karp đã lưu diễn thành công ở châu Âu với dàn nhạc của Hội khuyến nhạc London. Bà cũng đến Đức biểu diễn. Trong 20 năm tiếp theo, bà đã tổ chức hàng trăm buổi hòa nhạc cho đài BBC cùng với dàn nhạc giao hưởng London.

Trong các buổi biểu diễn của Natalia, khán giả luôn luôn nhìn thấy trên nắp đàn piano một chiếc khăn lụa nhỏ màu hồng mà bà mua ở Warszawa ngay sau chiến tranh. Điều này như một lời nhắc nhở về những năm tháng khủng khiếp mà Natalia phải sống trong trại tập trung.

Năm 1967, Oscar Schindler, vị cứu tinh của người Do Thái ở Kraków được trao giải thưởng mang tên triết gia Áo Martin Buber. Mặc dù, Natalia không có tên trong danh sách của Schindler, nhưng bà vẫn được mời đến dự buổi lễ. Hôm đó, bà đã chơi đúng bản dạ khúc cung Đô thăng thứ của Chopin đã cứu sống bà. Như mọi khi, Natalia bước lên sân khấu trong bộ váy áo hai dây, để lộ số tử tù “A27407” trên cánh tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.