Đó là nơi an nghỉ của một phụ nữ thuộc khoảng năm 600 - 700, chứa đầy châu báu và tất cả đều bị phủ chu sa đỏ thẫm. Cạnh quan tài này là hài cốt của bé trai 11 tuổi, nghi là trẻ em bị hiến tế để làm tôi tớ cho người phụ nữ nọ ở thế giới bên kia.
Phát hiện bất ngờ
Palenque là thành phố cổ đại của người Maya, Mexico, tàn tích Maya quan trọng nhất và di sản văn hóa thế giới. Hoạt động khai quật và khám phá Palenque diễn ra rất sớm, từ khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Năm 1973, nhà khảo cổ Jorge Acosta quyết định tìm hiểu bên dưới Đền XIII, nơi ông tin là điểm an táng. Sau khi tốn nhiều công sức, ông thất vọng bỏ cuộc vì không tìm thấy lối vào hầm mộ giống như suy đoán.
Trong khi nhà khảo cổ Acosta từ bỏ thì nhà khảo cổ khác là Arnoldo Gonzales Cruz lại vững tin và tiếp tục khai quật. Mùa Xuân năm 1994, ông được thành viên trẻ trong nhóm khảo cổ do mình dẫn dắt, Fanny López Jiménez báo cáo phát hiện có khe nứt nhỏ trên cầu thang. Thông qua khe nứt này, cô nhìn thấy hành lang bên trong và cánh cửa chặn lại.
Lập tức, nhà khảo cổ Cruz đến tận nơi để được nhìn thấy tận mắt. Sau khi chui qua hành lang dài 6m và dỡ cánh cửa cao 2,8m chặn lối, ông thấy có một hành lang khác dài 15m, chạy theo hướng Bắc – Nam. Cuối hành lang này là 3 căn phòng, 2 cái mở sẵn và trống không, 1 cái bị đóng kín bởi tường đá phủ vữa, dính vụn chu sa. Sợ làm hỏng bức tường, ông cho khoan lỗ 15x15cm trước, để nhìn vào trong.
“Qua lỗ thủng, chúng tôi thấy căn phòng hình vòm hoàn hảo với kích thước 3,8x2,5m”, nhà khảo cổ Cruz kể lại. Trong căn phòng này chỉ đặt một chiếc quan tài bằng đá vôi hình chữ nhật đồ sộ, chiếm gần hết diện tích. Sau khi quan sát kỹ, ông Cruz nhận ra bức tường chặn lối đi cũng chính là cửa vào.
Hầm mộ đầy châu báu
Kích thước của cỗ quan tài nằm sâu dưới Đền XIII là 2,4m x 1,8m với nắp đá dày 10cm, trên đỉnh có 1 lư hương và 1 con quay. Xung quanh nó và trên các bức tường, trần, nền mộ (tất cả đều bằng đá) không có đồ vật hay tranh vẽ trang trí.
Tuy nhiên, ở góc phía Tây lại có bộ xương trẻ em của 1 bé trai khoảng 11 tuổi. Nhà khảo cổ Cruz đoán rằng cậu bé này bị hiến tế làm kẻ hầu cho người nằm bên trong quan tài khi sang thế giới bên kia.
Ở góc phía Đông cũng có một bộ xương khác nhưng là của phụ nữ thuộc độ tuổi 30 – 35. Bộ xương này cũng không được an táng tử tế nên nhà khảo cổ Cruz cho rằng, người phụ nữ này cũng bị hiến tế vì cùng một mục đích với cậu bé kia.
Sau khi tỉ mỉ tìm hiểu hết xung quanh, nhà khảo cổ Cruz mới tiến hành mở nắp quan tài. Phải mất khoảng 14 giờ, nhóm của ông mới thành công cạy được nó ra. Ngay khi chiếc nắp áo quan bị kéo lên, toàn bộ các khảo cổ gia có mặt đều sững sờ. Bên dưới nó, nằm trong lòng chiếc quan tài là một bộ hài cốt được phủ kín bằng châu báu và chu sa.
Văn hóa Maya xem màu đỏ tượng trưng cho máu – sự sống thiêng liêng, cái chết và tái sinh. Họ thường phủ bột chu sa lên thi thể trước khi đóng nắp áo quan và rắc lên đỉnh ngôi mộ mới đắp.
Qua xác minh sơ bộ, nhà khảo cổ Cruz nhận ra bộ hài cốt này thuộc về một phụ nữ mất trong khoảng năm 600 - 700, tuổi chừng 60. Các châu báu chôn theo bà bao gồm ngọc bích, ngọc trai, xương… Chúng được chế tác thành đồ trang sức tinh xảo và trang hoàng hết lên người bà trước khi chôn cất.
Vì toàn bộ lòng quan tài đều nhuộm màu đỏ rực và trên mình bộ hài cốt đeo nhiều ngọc ngà, nhà khảo cổ Cruz quyết định đặt cho chủ nhân của lăng mộ này biệt danh Nữ hoàng Đỏ (Red Queen).
Từ vị trí các châu báu, ông nhận ra đầu của Nữ hoàng Đỏ đã đeo vương miện vòng hạt ngọc bích tròn dẹt. Mặt của bà được che phủ bởi mặt nạ mảnh đá lông công (malachit), ngực phủ mảnh phỉ thúy và đá vỏ chai phẳng (obsidian). Ngoài ra, bên trong quan tài còn một số vỏ sò và 1 bức tượng nhỏ được làm bằng đá vôi.
Lối vào và quan tài đá, bên trong phủ đầy chu sa trong hầm mộ Nữ hoàng Đỏ. |
Danh tính khó xác thực
Phân tích hài cốt Nữ hoàng Đỏ cho thấy, bà qua đời vì mắc bệnh loãng xương và tuổi tác. Chế độ ăn của Nữ hoàng Đỏ chủ yếu là thịt và bộ răng của bà vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy được chôn cất hoành tráng, nhưng lăng mộ Nữ hoàng Đỏ không để lại văn bản, ký tự nào cho phép xác nhận danh tính của bà. Xét vị trí, bà nằm gần lăng mộ Pakal Đại đế (603 – 683) – vị vua cai trị Palenque cuối cùng, nên giới khảo cổ cho rằng bà phải là người có tầm quan trọng ngang bằng với ông.
Ban đầu, các nhà khảo cổ Mexico suy đoán Nữ hoàng Đỏ là mẫu thân của Pakal. Tuy nhiên, sau khi trích xuất ADN từ đốt xương sống của bà và kiểm tra huyết thống với Pakal (đã phát hiện lăng mộ và hài cốt năm 1948), người ta không thấy có quan hệ di truyền.
Tháng 8/2013, Mexico đưa ra giả thuyết Nữ hoàng Đỏ là Ix Tz’akbu Ajaw, vợ của Pakal. Người Maya gọi Palenque là Lekamha (Nước lớn). Thành cổ này được xây dựng từ khoảng thế kỷ III TCN, là kinh đô quan trọng cho đến tận cuối thế kỷ VIII.
Vương triều Maya không phân biệt giới tính, có người trị vì là cả quốc vương lẫn nữ hoàng. Nếu giả thuyết này đúng, Nữ hoàng Đỏ còn có khả năng là nữ vương cai trị Maya cuối cùng.
Giữa Ajaw và Pakal có con cái. Để xác nhận Nữ hoàng Đỏ có thật là Ajaw hay không, cần thông qua kiểm tra ADN với hậu nhân của họ. Đáng tiếc, khảo cổ Mexico chưa tìm thấy mộ của các hậu nhân này. Nhà khảo cổ Cruz vẫn đang nỗ lực tìm kiếm tiếp trong khu vực Đền XIII, còn hài cốt của Nữ hoàng Đỏ thì đã được cải táng gần lăng mộ cũ của bà.