Do đó, người đẹp Cleopatra đã lấy em trai mình là hoàng tử Ptolemy XIII. Theo di chiếu của hoàng đế cha, Ai Cập nhận sự bảo hộ của La Mã, rồi nhờ sự sủng ái của người đứng đầu La Mã là Julius Caesar (100 TCN - 44 TCN) nên Cleopatra giành được quyền lực và trở thành nữ hoàng của Ai Cập. Tuy nhiên số phận của bà hoàng này kết cục không an lành.
Theo quan niệm ngày nay, người con gái đẹp phải đủ số đo: Cao 1,65m trở lên với 3 vòng số đo xung quanh: 87, 60, 87 nhưng ở thời cổ Ai Cập lại khác. Nữ hoàng cao chỉ dưới 1m60 - gần thuộc dạng “ngũ tiểu” (5 thứ nhỏ nhắn, xinh xắn) chứ không phải “ngũ đoản” (5 thứ ngắn).
Nhưng người khác giới đứng trước Cleopatra có lẽ bị tác động cùng một lúc hợp lực tổng hợp kỳ diệu gồm tất cả các yếu tố vật chất, tinh thần, đường nét.... của nữ hoàng nhỏ nhắn. Chúng như chất men dễ làm say lòng người.
Trước hết, đó là đôi mắt sâu, mi cong, với cái nhìn hơi hoang dại; những lọn tóc quăn đen được tết cẩn thận, cổ của Cleoptatra thật đặc biệt vì rất dài, tròn trịa, nối với đôi vai tròn chắc. Da nàng thật mịn sẫm màu như bồ quân. Tóm lại, toàn thể con người tuy nhỏ nhắn đó vẫn thật trù phú, ưa nhìn, hấp dẫn.
Chính vì thế, sau này khi gặp người đẹp được thủ hạ bọc trong tấm thảm mang đến, Julius Caesar đã yêu ngay và nói: Ôi, nàng thật xinh xắn và màu mỡ như phù sa sông Nil.
Nhưng “nhân vô thập toàn”, nàng Cleopatra có cặp mắt hoang rã hút hồn người nhưng có “đào quang mục” nghĩa là cái nhìn của nàng có chứa ánh sắc hồng của hoa đào mùa xuân.
Chính vì cái nhìn “nghiêng nước, nghiêng thành đó”, hai vị anh hùng của La Mã là Julius Caesar và Mark Antony (Tên gọi theo tiếng Latinh là Marcus Antonius) không chỉ bị “nghiêng, xiêu” mà còn gục ngã.
Sau khi Julius Caesar chết do bị ám sát tại Viện Nguyên lão năm 44 TCN (chủ mưu là Gaius Longinus và Marcus Brutus), thuộc tướng Antonius của ông đã dùng giọng nói truyền cảm, âm vang của mình kêu gọi mọi người bắt và trừng trị Brutus, báo thù cho Caesar.
Lúc trước, Antonius lấy chị gái của Octavianus (tên khai sinh là Octavius, sau dùng tôn hiệu Augustus là hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã). Đó là người cháu được Caesar nhận làm con nuôi và chỉ định làm người thừa kế, sau này Antonius mâu thuẫn với Octavianus, không công nhận quyền thừa kế tước vị, gia sản của Octavianus, ông còn ly hôn với vợ là chị của Octavianus; quan hệ của họ càng xấu đi, họ không dùng lý lẽ mà dùng quân đội để giải quyết mâu thuẫn.
Thực tế là Cleopatra đã chủ động lựa chọn Antonius (sau cái chết của Caesar, ông được coi là người quyền lực nhất La Mã) làm người tình của mình để sinh thêm những người thừa kế khác vì đến lúc đó nàng chỉ có 1 con trai với Caesar là Caesarion.
Cleopatra khéo léo giăng ra bẫy tình và Antonius vướng bẫy, rất say mê nữ vương. Nàng Cleopatra thường xuyên giữ vị tướng có giọng nói ấm áp, búp tóc quăn lượn sóng; cặp mắt vừa dữ dội vừa buồn mênh mang bên mình.
Hai người có với nhau thêm 3 đứa con, sau này chúng đều được phong vương.
Trong một bài diễn văn trước Viện Nguyên lão La Mã từ ngày đầu tiên giữ chức Chấp chính quan vào 1/1/33 TCN, Octavianus đã buộc tội Antonius cố phá vỡ nền tự do của người La Mã và làm mất đất khi cư xử như một nô lệ phụ thuộc Nữ vương Ai Cập.
Khi Octavianus tuyên bố chiến tranh, Antonius và Cleopatra đã thiết lập tổng hành dinh trú đông chung tại Patrai ở Hy Lạp và đầu năm 31 TCN, họ đã di chuyển tới Actium dọc theo phía Nam Vịnh Ambracia.
Đến khi Octavianus bắt đầu tiến binh đánh Antonius, thì Cleopatra và Antonius vẫn say sưa tình ái mà chưa chuẩn bị kỹ cho chiến tranh. Antonius và Cleopatra có hạm đội lớn hơn Octavianus, nhưng các thủy thủ của Antonius và hải quân của Cleopatra có khả năng tác chiến không đồng đều, do nhiều người trong họ được tuyển từ các thuyền buôn.
Với lực lượng thủy chiến tinh nhuệ trong tay, ngày 2/9/31 TCN, hạm đội của Octavianus, dưới sự chỉ huy của tướng Marcus Vipsanius Agrippa, đã đụng độ với liên quân của Antonius và Cleopatra tại trận Actium. Kết quả trận thuỷ chiến là quân Octavianus đánh tan hạm đội của đôi tình nhân Antonius và Clopatra rồi tiến vào Athens.
Trong khi Octavianus chiếm đóng Athens, Antonius và Cleopatra đã cập bến tại Paraitonion (Ai Cập). Bị bao vây, Cleopatra đành phải ở lại Ai Cập và đàm phán với Octavianus. Nàng đã thỉnh cầu xin con cái mình được thừa kế Ai Cập và xin cho Antonius được phép sống lưu vong ở Ai Cập.
Nàng gửi tặng Octavianus những món quà quý và hứa sẽ biếu thêm nhiều tiền bạc, châu báu. Sau các cuộc đàm phán kéo dài mà không đi đến kết quả, Octavianus bắt đầu lên đường xâm chiếm Ai Cập vào mùa xuân năm 30 TCN.
Ngày 1/8/30 TCN, hạm đội rồi lực lượng kỵ binh của Antonius đều đầu hàng Octavianus. Octavianus đã tiến vào Alexandria, chiếm đóng cung điện và bắt giữ ba người con chung của Cleopatra và Antonius.
Cleopatra biết kết cục sắp đến, khi nghe tin kẻ chiến thắng Octavianus đã lên kế hoạch sẽ đưa nàng tới Roma với tư cách là tù binh trong cuộc diễu binh mừng chiến thắng. Thất vọng nằm trong lăng mộ, Cleopatra gửi một thông điệp tới cho Antonius rằng nàng đã tự sát. Quá bi thương, Antonius “trả lời” bằng cách tự đâm vào bụng và qua đời ở tuổi 53.
Khi ông đang hấp hối thì được mang tới chỗ Cleopatra, ông đã nói với nàng rằng mình đã chọn chết trong danh dự. Cleopatra được phép ướp xác và chôn cất Antonius bên trong lăng mộ của nàng rồi lính La Mã hộ tống nàng tới cung điện Octavianus.
Đối với con cái Cleopatra, Octavianus hạ lệnh hành quyết người con lớn Caesarion vào ngày 29/8/30 TCN, còn tha cho 3 người còn lại.
Cleopatra đã tự sát trong lăng mộ riêng vào cuối tháng 8/30 TCN. Nàng sai người mang giỏ đựng một con rắn cực độc đến, rồi nằm xuống giường, thả tay vào giỏ rắn. Nàng mơ màng đợi cái chết đến từ từ và thấy thấp thoáng bóng Atonius trên cao vẫy mình (cũng có thuyết cho là nàng dùng kim tiêm tẩm độc đâm nhiều mũi vào tay).
Thế là nàng Cleopatra xinh đẹp nhưng theo người xưa thì do có “đào quang mục” nên đa tình, hấp dẫn nhiều anh hùng, sa vào tình trường, đa phu..., cuối cùng làm liên lụy đến cả người tình thân yêu nhất và cả bản thân; nàng lìa đời vào lúc mới 39 tuổi.