Nữ hiệu trưởng tâm huyết với đổi mới và chuyển đổi số

GD&TĐ - Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Lào Cai, cô Nguyễn Thị Lan Anh luôn tiên phong đổi mới và tâm huyết với những sáng kiến chuyển đổi số.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh chụp ảnh cùng học sinh tiểu học Hoàng Văn Thụ trong Gala "Tết Việt thời công nghệ".
Cô Nguyễn Thị Lan Anh chụp ảnh cùng học sinh tiểu học Hoàng Văn Thụ trong Gala "Tết Việt thời công nghệ".

Tiên phong trong đổi mới

Cô Nguyễn Thị Lan Anh hiện đang là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Cô đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục Lào Cai từ năm 1996 và công tác tại trường Tiểu học Lào Cai. Từ đó tới nay, cô có 13 năm trực tiếp giảng dạy và 14 năm làm cán bộ quản lý. Dù ở cương vị nào, cô cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và tiên phong bắt nhịp với đổi mới.

Trong khoảng thời gian 13 năm đứng lớp, cô là giáo viên cốt cán cấp tỉnh và tham gia bồi dưỡng cho nhiều lượt giáo viên. Cô cũng là tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm. Nhiều năm liên tục, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Cô đã tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán và Tiếng Việt cho học sinh năng khiếu cấp tỉnh, cấp Quốc gia.

“Tôi luôn say mê với công tác giảng dạy, tích cực tự học, bồi dưỡng, chủ động tiếp cận phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại và tiên phong trong đổi mới. Tôi thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ và nhân rộng gương điển hình trong công tác dạy học cũng như công tác chủ nhiệm” – cô Lan Anh chia sẻ.

Từ tháng 8/1997 – 8/2008, cô là giáo viên tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Đến năm học 2008 - 2009, cô chuyển đến công tác tại trường Tiểu học Tả Phời, một trường thuộc vùng khó khăn của thành phố Lào Cai.

“Tôi biết rõ những khó khăn, thách thức khi chuyển sang một trường vùng khó. Nhưng tôi đã nỗ lực để biến những khó khăn đó thành cơ hội, động lực để cùng đồng nghiệp tạo sự thay đổi lớn. Sự thay đổi được thể hiện rõ trong công tác xã hội hóa giáo dục cũng như giảng dạy và nâng cao chất lượng” – cô Lan Anh nói.

Kết thúc 1 năm tại trường Tiểu học Tả Phời, cuối năm 2009, cô Lan Anh quay trở lại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ và đảm nhận chức vụ Phó Hiệu trưởng.

Cô Lan Anh nói: “Từ năm 2009 – 2016, với vị trí là Phó hiệu trưởng, tôi luôn cố gắng làm tốt công tác tham mưu cho hiệu trưởng để tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cũng như xây dựng cảnh quan trường lớp hiện đại”.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh cùng học sinh trải nghiệm sử dụng công nghệ thông tin.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh cùng học sinh trải nghiệm sử dụng công nghệ thông tin.

“Trong vai trò quản lý và chỉ đạo công tác chuyên môn, cô Lan Anh thường xuyên giúp đỡ để bồi dưỡng đội ngũ có tay nghề cao, biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học một cách sáng tạo hiệu quả. Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện tạo được bước đột phá, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ trở thành lá cờ đầu của tỉnh” – cô Ngô Thị Quỳnh Nga, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai cho biết: “Với cương vị là một hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Lan Anh luôn giản dị, mẫu mực và tận tụy với nghề. Cô có trách nhiệm cao trong việc xây dựng tập thể đoàn kết, quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ đồng nghiệp. Trong công việc, cô có thói quen làm việc khoa học, cẩn thận, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn cũng như nghiệp vụ quản lý để quản trị nhà trường có chất lượng bền vững, hiện đại hội nhập”.

Từ năm 2016 – 2020, cô Lan Anh được điều chuyển về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai.

“Trên cương vị Hiệu trưởng, tôi xác định rất rõ vai trò của công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục. Chính vì vậy, bên cạnh việc bồi dưỡng tư duy đổi mới cho đội ngũ, tôi hướng giáo viên tiếp cận phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Từ đó, nhà trường xây dựng được đội ngũ có phương pháp làm việc hợp tác, khoa học chuyên nghiệp” – cô Lan Anh tâm sự.

Chất lượng đào tạo của trường Tiểu học Bắc Cường sau 5 năm đã được khẳng định, vượt lên tốp đầu của thành phố. Từ đó, thu hút lượng lớn học sinh đăng ký theo học tại trường. Nhà trường được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 1997 - 2017.

Những sáng kiến bắt nhịp với chuyển đổi số

Là Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Lan Anh luôn xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục thời công nghệ 4.0. Chính vì thế, năm học 2019, cô đã thực hiện sáng kiến: “Một số giải pháp chỉ đạo giáo viên ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học Bắc Cường”.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh thường xuyên chia sẻ và gần gũi với học sinh.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh thường xuyên chia sẻ và gần gũi với học sinh.

Qua việc áp dụng, sáng kiến giúp cho nhà trường điều hành, quản trị, kiểm soát đồng bộ, giáo viên khai thác kho học liệu điện tử vào dạy học chuyên nghiệp hiện đại, kết nối đa chiều. Học sinh có nhiều hình thức học tập trong không gian không giới hạn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Từ năm học 2020 - 2021, cô Lan Anh quay trở về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, ngôi trường cô đã có gần 20 năm gắn bó.

Theo cô Lan Anh chia sẻ, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ trước đây cũng được đánh giá là tiên phong trong đổi mới phương pháp kỹ thuật dạy học. Tuy nhiên, thực tế cán bộ quản lý chỉ dùng máy tính để soạn thảo văn bản, sử dụng gmail để chuyển thông tin và Zalo, Facebook để trao đổi thông tin, triển khai công việc mang tính chất thông báo.

“Thời điểm đó, mỗi tổ chuyên môn chỉ có khoảng 1 - 2 giáo viên biết thiết kế bài giảng, còn chủ yếu là tải trên mạng về dạy. Mỗi khi có khó khăn thì giáo viên tin học phải hỗ trợ. Cả trường rất ít giáo viên có khả năng tin học tốt, thiết kế được giáo án điện tử. Có rất nhiều giáo viên trình độ công nghệ thông tin chưa tốt, ngại ứng dụng công nghệ vào dạy học” – cô Lan Anh cho biết.

Với thực tế của nhà trường nằm trong nhóm trường Hội nhập, chất lượng cao, cô Lan Anh đã quyết định nghiên cứu và thực nghiệm sáng kiến “Biện pháp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong thời kỳ công nghệ 4.0 cho đội ngũ vào việc dạy - học theo hướng phát triển năng lực người học”.

“Mục đích của sáng kiến là làm thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ về chuyển đổi số trong dạy học. Bồi dưỡng được một đội ngũ thật sự vững vàng về chuyên môn, có những kỹ năng tốt trong việc tiếp cận và sự dụng công nghệ hiện đại vào quản lí và giảng dạy. Đồng thời, đẩy mạnh được việc trang bị các thiết bị dạy học thông minh, thiết bị về công nghệ hiện đại. Mục đích nhằm tạo cho giáo viên, học sinh có những điều kiện về thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất trong quá trình dạy và học” – cô Lan Anh chia sẻ.

Với những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế, chuyển đổi số thực sự đã đến Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Các hoạt động giáo dục đang dần thích ứng, bắt nhịp với chuyển đổi số.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh (cầm hoa) luôn được học sinh và đồng nghiệp quý mến.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh (cầm hoa) luôn được học sinh và đồng nghiệp quý mến.

“Sáng kiến này đã được nhiều đồng nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đưa vào áp dụng tại trường. Từ khâu tư duy của nhà quản lý đến tập huấn bồi dưỡng kích cầu đội ngũ, thiết kế bài giảng, xây dựng kho học liệu điện tử dùng chung, kỹ thuật khai thác… đã tạo mọi điều kiện và môi trường, không gian học tập thuận lợi cho học sinh” – cô Lan Anh nói.

Thầy Hà Xuân Thường, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nói: “Thông qua dạy và học, hoạt động giáo dục áp dụng công nghệ thông tin, học sinh đã được tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Từ việc có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, học sinh có thể ứng dụng được các công nghệ hiện đại vào học tập. Từ đó phát triển trí sáng tạo, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm thiết thực để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.

“Điều thành công nhất của sáng kiến này là chúng tôi đã làm thay đổi đội ngũ từ không thích trở thành đam mê công nghệ. Qua đó, ứng dụng công nghệ một cách tối đa trong dạy học, tạo cơ hội cho học sinh tư duy sáng tạo. Đây là hành trang vững chắc cho các em bước vào kỷ nguyên số” – cô Lan Anh chia sẻ.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, cô Lan Anh đã có bảng thành tích quý giá trong sự nghiệp. Năm 2012, cô được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo nguồn nhân lực”.

Năm học 2017 – 2018, cô được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng trường tiểu học theo hướng chuẩn hóa, hiện địa hóa và hội nhập Quốc tế. Năm học 2018 – 2019, cô đạt giải nhất cuộc thi “Tầm nhìn lãnh đạo trường Tiểu học”. Đến năm 2019, cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hiện cô đang làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...