Nữ hiệu trưởng hết lòng với sự nghiệp trồng người

GD&TĐ - Cô Giang Lệ Quyên tận tụy, hết lòng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Cô Quyên thăm hỏi, tìm hiểu về hoàn cảnh của học sinh. Ảnh: Khánh Nguyên
Cô Quyên thăm hỏi, tìm hiểu về hoàn cảnh của học sinh. Ảnh: Khánh Nguyên

Học tiếng dân tộc để hiểu học sinh

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô Giang Lệ Quyên (trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) về giảng dạy tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Krông Nô (thuộc tỉnh Đắk Lắk trước đây và thuộc tỉnh Đắk Nông ngày nay). Năm 2002, cô Quyên được điều động về Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Ea Drơng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk).

Dù ở đơn vị nào, cô cũng không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhất là nghiệp vụ nắm bắt tâm lí, hoàn cảnh của từng em học sinh trong lớp, trong trường để có hướng giúp đỡ, giáo dục. Sau 9 năm đứng lớp giảng dạy, đến năm 2008, cô Quyên được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến và trở thành Hiệu trưởng nhà trường vào năm 2014.

Công tác ở ngôi trường 100% học sinh là con em người dân tộc thiểu số (phần lớn là Ê Đê), không ít học sinh có ý định nghỉ học, cô Quyên luôn trăn trở, làm sao để “ngăn dòng bỏ học” và “nâng bước em đến trường”. Nghĩ là làm, nữ hiệu trưởng này cùng với các đồng nghiệp tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến đã cùng nhau đến từng gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh học sinh. Xây dựng kế hoạch quyên góp sách vở, quần áo, đồ dùng học tập…

Mặt khác, nữ hiệu trưởng cũng nỗ lực xây dựng kế hoạch quyên góp sách vở, quần áo, đồ dùng học tập… cho học sinh của trường. Cô Quyên chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm trực tiếp nắm bắt, tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi học sinh để kịp thời động viên, hỗ trợ.

Đồng thời, tôi và Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong trường. Bên cạnh đó, vận dụng các mối quan hệ, lãnh đạo nhà trường cũng không ngần ngại nhờ đến sự chung tay của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân khắp nơi”.

Những nỗ lực của nữ hiệu trưởng và các đồng nghiệp đã giúp cho tất cả học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến đều được hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, xe đạp, quần áo... để làm hành trang bước vào năm học mới. Ngoài ra, để tạo động lực cho học sinh đến lớp mỗi ngày, nhiều hôm cô và các giáo viên trong trường còn bỏ tiền túi để mua quà, bánh tặng cho học trò của mình. Nhờ vậy, nhiều học sinh dần quên đi ý định rời bỏ ghế nhà trường và cố gắng hơn trong học tập.

Với tình yêu nghề, yêu trẻ, luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở một địa bàn khó khăn, nhiều năm qua, cô Giang Lệ Quyên đã được nhiều cấp quản lý tặng Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, năm học 2020 - 2021, cô Quyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trường Tiểu học Lê Đình Chinh tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Khánh Nguyên

Trường Tiểu học Lê Đình Chinh tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Khánh Nguyên

Tiếp tục sứ mệnh của nhà giáo

Sau 20 năm công tác tại một trường vùng khó, năm 2022, cô Giang Lệ Quyên luân chuyển công tác, về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (tại thị trấn Ea Pốk).

Tại đây, dù là trường học nằm ở thị trấn, nhưng tỉ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cũng rất cao. Toàn trường có 936 em, trong đó 42,8% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê Đê. Điều đặc biệt, toàn trường hiện có đến 168 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thấu hiểu những khó khăn của học sinh, tại ngôi trường mới, cô Quyên tiếp tục cùng với Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành tốt công tác chuyên môn. Đồng thời, với sứ mệnh của một nhà giáo, nữ hiệu trưởng còn quan tâm, chăm lo cho đời sống vật chất, cũng như tinh thần của học sinh.

Mặc dù mới chuyển công tác về đơn vị mới, nhưng cô Quyên thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý cũng như chuyên môn. Từ đó xây dựng được 1 tập thể đoàn kết, vững mạnh cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Theo ghi nhận của nhiều người: Cô Quyên là người rất sát sao, quan tâm đến tất cả đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Cô đã đến tận nhà để tìm hiểu thực tế hoàn cảnh của từng đối tượng học sinh. Rất nhiều học sinh không có sổ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn thì đều được cô đưa vào danh sách cần quan tâm, hỗ trợ.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức huy động sự đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm, học sinh cũ của trường, các cán bộ quản lý của trường đã nghỉ hưu... Trong năm 2022, nhà trường cũng trao tặng 7 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có phương tiện tới trường.

Từ những nguồn kinh phí huy động được, trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Đình Chinh đã tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” cho tất cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Qua đó, trao tận tay 168 phần quà, trị giá 150.000 đồng/phần quà đến học sinh trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Tự Do, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Mgar, cho biết, cô Giang Lệ Quyên đã có một thời gian dài công tác tại vùng khó khăn của huyện. Đáng nói, từ khi nhận nhiệm vụ của một người quản lý tại một trường vùng khó khăn ở xã Ea Đrơng, cô đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà. Đặc biệt, cô rất chịu khó quan tâm, hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.