Là người con của núi rừng Tây Nguyên, cô giáo H’ Phen Êya (Trường Mầm non Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã hòa quyện tình yêu nghề, quê hương thành hành động thiết thực trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ nơi vùng khó.
Hơn 15 năm công tác trong ngành Giáo dục là ngần ấy năm cô H’ Phen Êya (dân tộc M’Nông) gắn bó với mảnh đất nghèo nơi mình sinh ra - bon U1, thị trấn Ea T’linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Bà Phạm Thị Thẩm - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cư Jút hồ hởi khoe, đơn vị đang làm thủ tục cho cô H’ Phen đi dự Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
“Thành quả này hoàn toàn xứng đáng với cô H’ Phen. Dù gia đình khó khăn nhưng cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thành tích đạt được như giáo viên xuất sắc cấp tỉnh, giáo viên tiêu biểu cấp huyện nhiều năm liền... giúp cô trở thành tấm gương sáng trong toàn ngành Giáo dục huyện”, bà Thẩm nói.
Chung cảm xúc, cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, 15 năm công tác ở trường, cô H’ Phen là điển hình về tình yêu nghề, mến trẻ. “Không chỉ giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, cô luôn lắng nghe, tận tình chia sẻ với phụ huynh những biểu hiện, tính cách, sở thích từng học trò; hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp.
Chính vì vậy, cô được trẻ yêu mến, phụ huynh tin tưởng. Cô cũng nhiệt tình tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, công tác dân vận. Nhờ sự năng động, nhiệt huyết của cô Phen, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của nhà trường được nâng cao rõ rệt”, cô Huệ cho hay.
Với nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, giáo dục trẻ, cô H’ Phen luôn chu đáo tận tình từng bữa ăn, giấc ngủ. Trẻ thường xuyên được tập luyện để nâng cao thể lực và giảm thiểu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phòng chống các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, cô không ngừng đổi mới, sáng tạo phương pháp, hình thức dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi.
“Trong từng hoạt động giáo dục, để có sự đa dạng nhằm lôi cuốn trẻ tham gia, cô H’ Phen đã xây dựng góc truyền thống địa phương với căn nhà rông, ché rượu cần, cồng chiêng, trang phục truyền thống, gắn với lễ hội mừng lúa mới, cúng bến nước… Điều này giúp trẻ ghi nhớ và lưu giữ văn hóa bản sắc dân tộc”, cô Huệ phân tích.
Một đóng góp quan trọng của cô H’ Phen trong quá trình giảng dạy là sử dụng linh hoạt dạy song ngữ (tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số). “Ở lứa tuổi mầm non, nhiều trẻ khi đến trường không nói được tiếng Việt. Sáng kiến dạy song ngữ của cô H’ Phen thông qua trò chơi, hoạt động lễ hội, kết hợp vật dụng trang trí có sẵn, giúp các em dần làm quen tiếng Việt. Đây cũng là tiền đề để trẻ phát triển khả năng giao tiếp, nghe và tự kể chuyện”, cô Huệ nói thêm.
Hơn 15 năm công tác, cô H’ Phen nhiều lần được công nhận là giáo viên tiêu biểu của huyện. Năm học 2022 - 2023, cô H’ Phen đoạt giải “Giáo viên xuất sắc tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh lần thứ V”. Năm học 2023 - 2024, cô dự kiến được Bộ GD&ĐT chọn đại diện cho hàng triệu giáo viên cả nước phát biểu tại Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023.