Tâm sự của nữ giáo viên dạy VNEN

GD&TĐ - “Từ những bỡ ngỡ ban đầu cho đến thành quả ngày hôm nay, tôi đã rút ra được rất nhiều điều cho bản thân khi thực hiện dạy học theo Mô hình VNEN”. Đó là tâm sự của cô giáo Đinh Hồng Nhung – Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai). Cô Đinh Hồng Nhung chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại.

Học tập mang tính hợp tác với từng cá nhân học sinh của lớp học VNEN
Học tập mang tính hợp tác với từng cá nhân học sinh của lớp học VNEN

Ngày đầu bỡ ngỡ….

Năm học 2015 – 2016, là năm đầu Trường Tiểu học Lê Văn Tám triển dạy theo chương trình Mô hình Trường học mới (VNEN) và tôi được phân dạy lớp 2A6 với 38 học sinh. Những ngày đầu tiên lên lớp, tôi rất lo lắng, không biết liệu học sinh của tôi có thể hoàn thành được mục tiêu của bài học đến đâu? Dần dần, những băn khoăn, lo lắng ban đầu trong tôi đã dần thay thế bằng sự tự tin khi tổ chức lớp học theo Mô hình VNEN.

Tôi đã rút ra được cho bản thân rất nhiều điều khi thực hiện phương pháp dạy học mới VNEN. Tuần 1 + 2 của năm học 2015 - 2016 đối với tôi là cả một thời gian thật đáng nhớ.

Cô giáo lúng túng, học sinh bỡ ngỡ, có những lúc tôi thật sự muốn nản, ban ngày lên lớp, tối thì đọc thêm sách, tìm kiếm trên mạng tìm phương pháp tham khảo, xem băng đĩa tiết dạy mẫu của đồng nghiệp.

Phải thú thật rằng mất một thời gian đáng kể, học sinh của tôi mới làm quen được với các ký hiệu của Tài liệu hướng dẫn học tập và nhớ được 10 bước học tập.

Tuần đầu cứ mỗi giờ học, tôi thường phải hỏi các em: Mở tài liệu hướng dẫn học ra, em phải làm gì? Em viết gì vào vở? Học sinh lại nhìn vào 10 bước học tập để trả lời, (em đọc tên bài học, em viết tên bài học vào vở, em đọc mục tiêu của bài học…) và thực hiện theo các bước đó. Tôi thầm lo lắng, không biết đến khi nào các bước học tập này sẽ trở thành thói quen học tập của các em?

Thói quen “cô bảo sao, trò làm vậy” của cách học truyền thống đã ăn sâu. Khi hoạt động nhóm hoặc làm việc cá nhân, thực hiện hết một yêu cầu của Hoạt động cơ bản hay Hoạt động thực hành, học sinh lại ngồi chờ đợi giáo viên đến giao tiếp yêu cầu tiếp theo, mặc dù các em hoàn toàn có thể tự làm được.

Các em còn rụt rè, e ngại chưa mạnh dạn, tự tin khi thông báo kết quả đã hoàn thành với giáo viên và các bạn trong nhóm. Hội đồng tự quản vẫn lúng túng, chưa biết giúp đỡ, nhắc nhở những bạn trong nhóm, trong lớp cùng tham gia. Tôi lo lắng: Cứ như thế này thì chắc phải mất một thời gian dài, thì lớp học mới thành thạo được cách học này.

Sau một tuần học tôi thầm nghĩ mình phải tập huấn cho Hội đồng tự quản + Trưởng ban + Các nhóm trưởng, nếu không thì sẽ không thực hiện được phương pháp học mới này. Mặc dù được tập huấn nhưng các em vẫn không thực hiện được như cô mong muốn vì các em còn rất rụt rè.

Tôi còn nhớ sang tuần học thứ ba, tôi được giáo viên cốt cán của trường bạn và ban giám hiệu dự giờ khảo sát. Rồi các đồng chí đã rút kinh nghiệm cho tôi, hướng dẫn tôi thực hiện như thế nào trong từng hoạt động… Nhưng thực sự đâu có dễ vì học sinh còn rất nhỏ.

Những bước chuyển trong tư duy

Từ sau buổi đó tôi nghiệm ra một điều, để tổ chức tốt được lớp học, điều đầu tiên là phải rèn được kỹ năng tự quản của học sinh, kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng làm nhóm trưởng tốt, kỹ năng làm chủ tịch Hội đồng tự quản…

Thế là tôi bắt tay ngay vào công việc của mình. “Sau mỗi buổi học tôi thường ở lại hướng dẫn Hội đồng tự quản làm việc, tập huấn nhóm trưởng… Tôi luôn có sự tuyên dương khen thưởng các em kịp thời.

Không những vậy, trong các tiết học tôi đã nghiệm ra rằng mình phải chọn hướng đứng đúng vị trí để quan sát học sinh, tai nghe học sinh báo cáo ở nhóm này nhưng mắt phải nhìn về các nhóm khác, khi các em có phao cứu trợ hoặc báo đã hoạt động xong nhiệm vụ. Từ đó phải đưa ra được những quy định riêng của mình với các em.

Ví dụ: Quy định gật đầu khi học sinh giơ phao báo xong hoạt động là cô giáo nhất trí các em tiếp tục hoạt động tiếp theo, chờ cô kiểm tra xong nhóm bạn, cô giáo quay trở lại. Còn rất nhiều những quy ước khác mà giáo viên cần thỏa thuận với các em trong các giờ học, thì các hoạt động dạy và học mới trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả được.

Một ví dụ khác như, nếu em nào quên không tự tích vào bảng theo dõi ngày em đến lớp, tôi quy định và giao cho Hội đồng tự quản làm việc vào giờ truy bài, chủ tịch Hội đồng tự quản lên làm kí hiệu chéo tay, có những biện pháp nhắc nhở em đó như quét lớp…

Thật bất ngờ, chỉ sau 3 tuần học tiếp theo tất cả học sinh của tôi đã tự mình tích vào Bảng theo dõi ngày em đến lớp mà không cần sự nhắc nhở của cô giáo và các bạn trong Hội đồng tự quản.

Khi nghe cô giới thiệu bài học, các em đã tự thực hiện theo các bước học tập. Trong hoạt động nhóm, nhóm trưởng đã biết đặt và gợi ý cho các bạn trong nhóm trả lời câu hỏi, rồi các nhóm trưởng khi nhận được các ra hiệu của cô giáo đã biết tự mình điều khiển để nhóm hoạt động tiếp theo, vai trò của Hội đồng tự quản học sinh cũng như của nhóm trưởng ngày càng nổi bật. Các em biết điều khiển nhóm trong mọi hoạt động.

Học sinh mạnh dạn trao đổi, chia sẻ, bày tỏ ý kiến và thực hiện theo các ký hiệu của Tài liệu hướng dẫn học tập một cách nhanh hơn, thành thạo hơn. Đặc biệt trong các giờ dạy không có hiện tượng học sinh giơ phao đồng loạt mà giáo viên không biết làm thế nào. Giáo viên không phải vất vả như mấy tuần đầu.

Sau tuần đó tôi lại được Ban giám hiệu dự giờ rút kinh nghiệm một tiết Tiếng Việt. Các đồng chí trong ban giám hiệu rất vui vì tiết học của tôi đã thành công và được đánh giá ban đầu không khí lớp học đúng theo tinh thần VNEN.

Từ buổi đó bản thân tôi cũng vô cùng vui mừng. Nhưng tôi không vì đó mà tự cao, tôi còn vẫn còn nhiều trăn trở và băn khoăn, lo lắng, rồi tự nhủ phải rút ra bài học cho chính bản thân mình sau mỗi tiết học và ngày học, tuần học, tháng học… để làm sao cho học sinh của mình tiếp cận phương pháp học này phải thực sự hiệu quả, học thật chất lượng thật.

Để đạt được điều đó, một trong các kỹ năng mà tôi thường chú ý nhất đó là: “Kỹ năng tự quản, tự giác, tích cực của học sinh”. Đó là một trong những kỹ năng cơ bản cần bồi dưỡng cho học sinh trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách toàn diện.

Kỹ năng tự quản, tự giác, tích cực của học sinh đánh giá kết quả hoạt động, giúp học sinh tự tin, chủ động hơn trong hoạt động tập thể. Học sinh tham gia hoạt động học rất tích cực. Quá trình học tập tự định hướng cho phép Hội đồng tự quản tự quyết định tiến độ học tập của các bạn trong nhóm, lớp cũng như tham dự một cách tích cực vào quá trình học tập và hoạt động tập thể.

Hình thành kỹ năng tự quản, tự giác, tích cực cho học sinh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi giáo viên phải biết áp dụng nhiều phương pháp giáo dục thích hợp, nhằm tác động tích cực đến nhận thức của học sinh, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh cách điều khiển tập thể.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp, tôi luôn vạch ra những phương hướng cụ thể, thái độ nghiêm túc, yêu cầu đặt ra không quá cao. Khi đánh giá kết quả của học sinh phải tham khảo ý kiến và tôn trọng ý kiến của Hội đồng tự quản.

Phải đánh giá một cách khách quan, chính xác quá trình rèn luyện của từng học sinh, từ đó có kết quả đúng đắn nhất với từng thành viên, từng Ban cho phù hợp với quá trình nỗ lực vươn lên của bản thân học sinh. Kết quả: Các em sẽ tự tin với công việc mình đảm nhiệm và từ đó các em tự bảo ban, nhắc nhở nhau cùng tiến bộ.

Đối với những học sinh còn rụt rè và kết quả học tập còn hạn chế, tôi yêu cầu các thành viên trong nhóm luôn phải hỗ trợ và giúp đỡ bạn để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời tôi đề ra hình thức thi đua giữa các nhóm với nhau, có tuyên dương khen thưởng và bình chọn sau mỗi tuần học và công việc này tôi tập huấn cho Hội đồng tự quản làm. Các em rất công bằng và có sự đua tranh.

Một điều thật tế nhị mà rất nhẹ nhàng lại hiệu quả là mỗi khi em nào có lỗi, hay cần động viên, khen ngợi riêng trong lớp học tôi thường gửi thư riêng qua “hộp thư bè bạn”, “hộp thư vui”. Cách góp ý đầy tế nhị khiến các em thấm thía hơn và quyết tâm “sửa sai” và vui mừng vì được khen ngợi.

Với cách xử lý này, tôi đã áp dụng được tính nhân văn của mô hình VNEN. Không chỉ gói gọn trong những hoạt động kể trên, trong tiết sinh hoạt, hoạt động tập thể, tổ chức sinh nhật của các em trong lớp những tiếng cười, niềm vui còn đọng lại. Có em được nghe bạn hát mừng sinh nhật, được cô tặng quà khi thực hiện việc thi đua, học tập tốt…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ