Gian nan đường đến trường...
Như lời hẹn, cô Lò Thị Nga (giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn, huyện Sốp Cộp) dẫn chúng tôi lên tận điểm trường Huổi Pá nơi cô công tác. Chiếc xe máy oằn mình băng qua những đoạn dốc dựng đứng, quanh co. Có chỗ thì đường đất lầy lội, trơn trượt. Sương mù giăng kín kèm theo cơn mưa phùn lất phất khiến đoạn đường lên Huổi Pá vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Huổi Pá được biết đến là điểm trường khó khăn nhất ở xã Mường Lạn. Con đường từ trung tâm xã đến điểm trường dài khoảng 20km, nhưng là đường đất, nhiều dốc dựng đứng. Nhưng không vì thế mà các giáo viên nơi đây chùn bước. Đều đặn vào sáng thứ hai hàng tuần, cô Nga cùng với đồng nghiệp vượt hơn 50km từ nhà đến đây để giảng dạy học. Họ phải rời nhà từ lúc 4h.
Đường đến trường của các cô giáo cắm bản. |
Cô giáo Lò Thị Nga bộc bạch: “Khổ nhất là lúc trời mưa, đường trơn trượt. Cứ đi một đoạn thì bùn đất lại dính vào bánh xe, không thể đi được. Nhiều lúc tôi bị ngã, bẩn hết quần áo và đồ đạc mang theo. Muốn đi tiếp thì một người lái, người còn lại ở phía sau đẩy xe. Những hôm mưa, có khi phải mất nửa ngày mới đến điểm trường được”.
Dạy ở đây đã 3 năm, nên cô Nga cũng có thêm nhiều kinh nghiệm. Trong hành trình bám bản của mình, mỗi khi thấy trời “giở chứng”, hành trang cá nhân lại có thêm bánh mì, nước lọc. Đó là nguồn năng lượng phù hợp để giáo viên ở đây lấy lực đi tiếp vì quán xá cũng chẳng có. Có những khi trời đổ mưa đến cả tháng trời, họ chẳng thể trở về. Tất cả lại gắn bó với những món ăn quen thuộc như: Trứng, cá khô, mì tôm ...
Điểm trường Tiểu học Huổi Pá có 3 giáo viên phụ trách giảng dạy thì có 2 người là nữ. Quãng đường quá xa nên cả 3 đều ở lại, chỉ về vào mỗi cuối tuần.
Nơi đây, không chỉ thiếu về cơ sở vật chất phòng, lớp học, mà nhà ở công vụ của giáo viên cũng tạm bợ. Để có nơi ăn ở, sinh hoạt trong thời gian ở lại trường, các cô giáo điểm trường Huổi Pá phải ở nhờ phòng của điểm trường mầm non bên cạnh. Căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2 là nơi ở và làm việc của 2 cô giáo.
Cô và trò điểm trường Huổi Pá trong giờ học tập ngoại khoá. |
Cô Lò Thị Hiệp chia sẻ: Do điểm trường Huổi Pá ở nơi hẻo lánh, nằm xa trung tâm xã nên điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và khó khăn. Có thời điểm mưa lớn đường sạt lở, trơn trượt không về nhà được, giáo viên phải vào bản xin rau và gạo để duy trì. Ở đây không có chợ, nên có tiền cũng chẳng biết mua thực phẩm ở đâu.
“Cuối tuần về nhà chúng tôi thường mua các thực phẩm như: Cá khô, mì tôm, trứng… để dự trữ, phòng trường hợp trời mưa không về nhà được. Mỗi lúc từ nhà đến trường, đồ đạc rất lủng củng, trông chúng tôi giống như người buôn bán hàng rong vậy”, cô Hiệp kể.
Những lúc rảnh, cô Nga và cô Hiệp lại rủ nhau tăng gia sản xuất. Họ trồng thêm luống rau để cải thiện bữa ăn. Thiếu thốn đủ bề, nhưng bằng sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề, hai cô giáo vùng cao nơi đây vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô Hiệp và cô Nga chăm sóc vườn rau. |
Giữ nguyên “lửa” nhiệt huyết …
Cũng ở ngôi trường này, song lại là điểm trường bản Cống – nơi có điều kiện tương tự, cô giáo Lò Thị Cương chẳng “khấm khá” hơn. Học sinh ở đây còn thiếu nhiều dụng cụ học tập. Đặc biệt, học sinh đa phần còn chưa biết tiếng phổ thông việc rào cản sinh ra càng lớn. Việc truyền tải kiến thức của giáo viên gặp khó, học sinh chậm tiếp thu bài học.
Không những thế, ở đây học sinh đa số ở bán trú. Vì vậy, mỗi người như cô Cương không chỉ là giáo viên, mà họ còn kiêm thêm vai trò làm mẹ. Hàng ngày, họ đều phải hướng dẫn các em từ những việc nhỏ nhất, như vệ sinh cá nhân.
"Tôi giảng dạy xa nhà tính đến nay cũng hơn 3 năm. Nhiều lúc không có thời gian chăm sóc con, nhất là những lúc con ốm đau phải nhờ ông bà nội trông nom. Lắm lúc nhớ con mà rơi nước mắt. Nhưng vì sự nghiệp giáo dục, vì nhiệm vụ công việc được giao nên cũng xác định dù khó khăn, vất vả đến mấy thì tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua", cô Cương thổ lộ.
Thầy Quàng Văn Hồng, Hiệu trưởng nhà trường nói: “So với giáo viên nam thì các cô vất vả hơn. Không chỉ dạy học, họ còn phải chăm sóc gia đình, con cái. Gian nan là thế, song các cô rất tâm huyết với nghề. Họ vẫn luôn quyết tâm bám trường, bám lớp, cùng ăn, ở với học sinh. Họ coi học sinh như con, em trong gia đình. Để san sẻ khó khăn, chúng tôi đã hoán đổi. Ví dụ như năm nay ở điểm khó khăn thì năm sau sẽ được luân chuyển đến vùng thuận lợi hơn”.
Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn nằm ở vùng biên giới (giáp biên với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào). Trường chính cách trung tâm huyện Sốp Cộp 30km, với 11 điểm trường lẻ. Toàn trường có 74 cán bộ, giáo viên, trong đó hơn một nửa là nữ.