Nữ giáo viên không ngại vượt núi, băng rừng đón trò đến lớp

GD&TĐ - Cô Nông Thị Quỳnh Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi khó khăn, từ nhỏ đã ước mơ trở thành cô giáo để dạy chữ cho học sinh nghèo ở quê.

Cô Nông Thị Quỳnh - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, huyện Văn Quan, Lạng Sơn đang giảng bài cho học sinh. Ảnh NVCC.
Cô Nông Thị Quỳnh - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, huyện Văn Quan, Lạng Sơn đang giảng bài cho học sinh. Ảnh NVCC.

Gieo ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

Tốt nghiệp THPT, cô Nông Thị Quỳnh (hiện là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) quyết định thi vào ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (Lạng Sơn). Sau ba năm miệt mài, năm 1999, tốt nghiệp cao đẳng, cô Quỳnh được phân về Trường tiểu học xã Yên Lỗ (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) cách thị trấn 46 km.

Cô Quỳnh trải lòng: “Tôi sinh ra, lớn lên ở miền núi, cuộc sống khó khăn đã khiến bạn bè cùng trang lứa của tôi phải gác việc học hành lại, phụ gia đình mưu sinh. Tôi may mắn hơn các bạn được đến trường. Do đó quá trình học, tôi ước mơ sau này mình sẽ là cô giáo, để dạy chữ cho các em nhỏ ở quê".

Ngày đầu tiên sau khi nhận công tác, cô Quỳnh vừa mừng vừa lo. "Bản thân là giáo viên trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Học sinh là người dân tộc thiểu số, không biết tiếng phổ thông”, cô Quỳnh nhớ lại. Vì vậy để truyền tải kiến thức cho học trò hiểu cô Quỳnh dùng song ngữ trong quá trình giảng dạy.

Cô Quỳnh chia sẻ: “Học sinh trong lớp 100% dân tộc Nùng và Dao, tôi vừa dạy bằng tiếng Việt, vừa phải giảng lại bằng tiếng Dao, tiếng Nùng cho các em những phần không hiểu. Rất may, học trò ở đây ham học, kết thúc lớp 1 cơ bản đáp ứng được chất lượng đầu ra lớp 1, đọc thông, viết thạo”.

Cô Nông Thị Quỳnh (hiện là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình. Ảnh NVCC.
Cô Nông Thị Quỳnh (hiện là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình. Ảnh NVCC.

Năm 2014, sau 14 năm công tác tại Trường tiểu học xã Yên Lỗ, cô Quỳnh được chuyển công tác về Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình. 9 năm công tác tại đây, cô Quỳnh không ngại ngần nhận công tác tại điểm trường vùng khó.

Điểm trường Hà Quảng cách trường chính 12km đường rừng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, không có phòng học bộ môn, mạng internet; khan hiếm nguồn nước sạch để cô trò sinh hoạt ăn uống, vệ sinh.

Cô Quỳnh tâm sự: “Nhiều em nhà cách trường hai đến ba quả đồi. Do vậy khi đảm nhiệm công tác giảng dạy học sinh ở đây, tôi luôn gần gũi, ân cần với các em. Ngoài giờ học cô trò chúng tôi nói chuyện, chơi với nhau như những người bạn.

Cuối mỗi tuần về nhà, tôi luôn cố gắng để sưu tầm thêm những câu chuyện cổ tích kể cho học sinh để các em cập nhật được nhiều thông tin gắn với đời sống của mình”.

Cô Quỳnh chia sẻ thêm: “Khi giảng dạy cho học sinh dân tộc, bản thân cô giáo ngoài chuyên phải thông cảm, chia sẻ những khó khăn khi học sinh gặp phải”.

Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học hay những ngày mưa rét, cô Quỳnh lại đến tận nhà vận động, đón học học sinh đến tới lớp. Ngoài ra cô cũng thường xuyên trò chuyện, nhắn tin riêng cho phụ huynh hay nhắn tin trên nhóm zalo của lớp để nhắc nhở phụ huynh đưa con đến lớp.

“Nếu phụ huynh nào bận có thể liên hệ, tôi sẽ chủ động đến đón các em”, cô Quỳnh chia sẻ.

Học trò chính là động lực để vượt qua thách thức

Mặc dù giảng dạy xa nhà, mỗi tuần chỉ được về thăm gia đình một lần nhưng chưa lúc nào trong trong đầu cô Quỳnh có ý nghĩ sẽ từ bỏ công việc.

“Những lúc khó khăn, vất vả thay vì nghĩ từ bỏ tôi sẽ nghĩ đến những ánh mắt, nụ cười của học trò đang mong ngóng mình. Những niềm vui khi được điểm 10 của trò hay các em thi thoảng gọi tôi bằng mẹ mọi mệt mỏi, áp lực lại được xua tan.

Bên cạnh đó, khi chọn nghề giáo, tôi xác định đem những điều mình học được đề truyền cho học sinh vùng khó khăn, gợi mở ra cánh cổng ước mơ của của học sinh để các em giảm bớt thiệt thòi”.

Lớp ghép 2 trình độ tại điểm trường Hà Quảng thuộc Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình. Ảnh NVCC.

Lớp ghép 2 trình độ tại điểm trường Hà Quảng thuộc Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình. Ảnh NVCC.

Theo chia sẻ của cô Đỗ Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình: “Cô Quỳnh là giáo viên lâu năm, có chuyên môn vững, nhiệt tình, chịu khó. Công tác ở điểm trường khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng cô Quỳnh luôn cố gắng khắc phục, sáng tạo để bài giảng của mình hay, hấp dẫn với học sinh.

Hiện nay, chương trình GDPT 2018 đã triển khai đến lớp 3, điểm trường cô Quỳnh lại lớp hai trình độ là lớp 1 và lớp 2. Ngày lên lớp, đêm về vẫn miệt mài soạn giáo án, nghiên cứu tài liệu để giảng dạy sao cho học sinh hiểu và đạt được kết quả tốt nhất”.

“Học sinh dân tộc thiểu số phải chịu nhiều thiệt thòi, do vậy mỗi ngày khi lên lớp tôi luôn nỗ lực tìm tòi tìm những trò chơi, bài hát tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó các tiết ngoại khoá, tôi cố gắng lựa chọn nội dung dạy phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp mình dạy. Từ đó, các em chủ động tiếp thu bài học và hào hứng học tập hơn”, cô Nông Thị Quỳnh, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.