Nữ giảng viên được Pháp công nhận đạt chuẩn giáo sư

GD&TĐ - PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp - Trường Đại học Quy Nhơn vừa trở thành người Việt Nam duy nhất đạt tiêu chuẩn giáo sư tại Pháp năm 2024.

PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC
PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Trong số 244 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư năm nay, nữ giảng viên Việt Nam còn nằm trong top 3 ứng viên xuất sắc nhất.

Truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học

Năm 2020, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mộng Điệp trở thành nghiên cứu sinh tại Pháp. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành sinh học, chuyên ngành khoa học sự sống và sức khỏe tại Trường Đại học François-Rabelais (nay là Đại học Tours), nữ giảng viên quyết định trở về nước, tiếp tục công tác tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Từ chối lời mời làm sau tiến sĩ tại Trường Đại học Kent State (Mỹ) và Viện Nghiên cứu quốc gia về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường (INRAE - Pháp) để về Việt Nam, TS Mộng Điệp cho biết: “Tôi du học theo Đề án Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Nhiều người đã tin tưởng, mong đợi trở về cùng nhau làm việc, xây dựng quê hương, sao mình lại không về chứ?

Tôi luôn có suy nghĩ là làm sao cho sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung có thể bay xa, vươn xa hơn mình. Tôi làm được thì tin chắc rằng các bạn sinh viên ngày nay sẽ làm tốt hơn nên tôi quyết định về nước, lấy tâm huyết làm cầu nối để cùng mọi người phát triển”.

Được bổ nhiệm Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, thuộc Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Quy Nhơn năm 2019, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp tự thấy trách nhiệm lớn lao và áp lực, làm sao để mỗi một giảng viên của bộ môn có thể phát huy hết khả năng, tâm huyết với nghề và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

“Tôi luôn cố gắng làm việc với tinh thần tận tụy, trách nhiệm trong việc định hướng, xây dựng chương trình đào tạo, thực hiện tuyển sinh ngành học một cách đúng đắn, khoa học, góp phần phát triển ngành nói riêng và Trường Đại học Quy Nhơn nói chung. Đến nay, mọi việc gần như đã đi vào quỹ đạo ổn định từ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học đến kiểm định chất lượng”, nữ nhà giáo tiêu biểu năm 2023 ở bậc đại học chia sẻ.

Từ những công trình khoa học đã công bố, đi từ nghiên cứu cơ bản đến định hướng ứng dụng, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp cho biết, đã góp phần cùng đồng nghiệp cập nhật giáo trình, thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm giúp sinh viên tích cực học tập, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, yêu và gắn bó với ngành nghề được đào tạo trong các bạn trẻ.

Trong số 244 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư tại Pháp năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp lọt vào top 3 ứng viên xuất sắc nhất khi đạt cả ba vị trí ứng tuyển thuộc chuyên ngành sinh lý học; hóa sinh và sinh học phân tử; sinh học cơ thể.

Để trở thành giáo sư tại Pháp, các ứng viên phải đạt được nhiều tiêu chí bắt buộc như: Học vị tiến sĩ khoa học, chủ nhiệm các dự án nghiên cứu, có nhiều công bố quốc tế uy tín, xuất bản sách quốc tế, kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực tập, học viên và nghiên cứu sinh...

PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp hiện ở Pháp thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc gia về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường quốc gia Pháp trong lĩnh vực khoa học y sinh. Để thực hiện dự án này, mỗi năm PGS Mộng Điệp dành từ 3 - 6 tháng làm việc tại Pháp. Phía INRAE mời làm việc toàn thời gian nhưng nữ PGS này chọn hướng làm việc 6 tháng bên này và 6 tháng bên kia để có thời gian phục vụ trong nước.

PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp. Ảnh: NVCC

PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp. Ảnh: NVCC

Nghiên cứu để chuyển giao

PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp và các cộng sự hiện tập trung vào hai hướng nghiên cứu. Nghiên cứu về tổng hợp hormone gonadotropin đang bị khan hiếm trên thị trường hoặc không còn nguồn hormone tự nhiên để sử dụng trong công nghệ hỗ trợ sinh sản do khó sản xuất và tinh chế các hormone tái tổ hợp có hoạt tính cao và khả năng đào thải thấp. Triển khai ứng dụng những kết quả từ các công trình nghiên cứu cơ bản ra thực tiễn như: Xây dựng ngân hàng bảo tồn tinh dịch cho thủy sản; cải thiện chất lượng tinh trùng sau đông lạnh và rã đông.

Theo PGS Mộng Điệp, không riêng gì lĩnh vực sinh học ứng dụng - nông nghiệp, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học đều gặp khó khăn chung là thiếu các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Ở các đơn vị nghiên cứu nước ngoài, các nhà khoa học được tạo mọi điều kiện nghiên cứu tốt nhất để tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng kiểm định. Vì đây là một trong những khó khăn của các nhà khoa học trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

“Mô hình quản lý chúng ta chưa theo thông lệ quốc tế, ví dụ trưởng các lab cần là một nhà khoa học có chuyên môn sâu về khoa học và có cơ chế quản lý chuyên môn khác với hình thức quản lý hành chính”, PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp trăn trở.

Gắn bó với ngành khoa học y sinh hơn 10 năm qua, với rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố cùng nhiều đóng góp, PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp mong muốn có sự đổi mới mang tính đột phá trong cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Được như vậy, các nhà khoa học mới có thể chủ động và chuyên tâm hơn khi thực hiện nghiên cứu mà không phải mất nhiều thời gian cho các thủ thục hành chính.

Năm 2023, PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp vinh dự là một trong 33 thầy, cô được vinh danh trong chương trình Nhà giáo tiêu biểu bậc đại học. Trước đó, tháng 1/2021, tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế ASIA Hà Nội, chị đã được bình chọn là 1 trong 10 trí thức, nhà khoa học sáng tạo và cống hiến tiêu biểu ASIA.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.