Công trình tầm cỡ quốc tế
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu là một trong hai nhà khoa học trên cả nước được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay. Giải thưởng danh giá trao cho tác giả có công trình khoa học được thực hiện tại Việt Nam và công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu sinh năm 1982 trong gia đình có truyền thống khoa học. Chị là con gái của GS.TS Nguyễn Hữu Niếu, chuyên gia nghiên cứu vật liệu từng nhiều năm công tác tại Trường Đại học Bách khoa. Theo nghiệp cha, chị Thu theo học và tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, ngành công nghệ vật liệu.
Cuối năm 2005, nhà khoa học trẻ bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Groningen, Hà Lan và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Gent, Vương quốc Bỉ. Từ năm 2013, TS Nguyễn Thị Lệ Thu về nước công tác và là giảng viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.
Trong quá trình công tác, PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu có nhiều cống hiến cho khoa học, có nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và tạp chí trong nước có uy tín. Chị là tác giả chính và đồng tác giả của 32 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và 18 bài đăng ở các tạp chí trong nước.
Ngoài ra, chị là đồng tác giả của 2 bằng sáng chế quốc tế, chủ trì 2 đề tài Nafoted và 2 đề tài cấp sở, cấp Đại học Quốc gia TPHCM. Chị từng được trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu nữ tiềm năng của Việt Nam do Hội đồng khoa học L’Oreal - Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học bình chọn năm 2017.
Chia sẻ niềm vui khi nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay, PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn với bản thân và nhà khoa học nói chung. Đặc biệt với điều kiện nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học nữ sẽ được khích lệ để theo đuổi đam mê trong nghiên cứu.
“Được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu là vinh dự quá lớn với tôi. Giải thưởng là nguồn động viên lớn lao cho các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ có chất lượng ở Việt Nam. Cho dù các kết quả nhóm đạt được mới chỉ là bước đầu và con đường đến ứng dụng thực tế vẫn còn dài, nhưng những hiểu biết tích lũy được từ các nghiên cứu này là động lực giúp chúng tôi tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu của mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu khẳng định.
Hướng nghiên cứu đầy tiềm năng
PGS.TS Phạm Trung Kiên - giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa cho biết: Hiện nay, vật liệu polymer tự lành là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học trên thế giới. Các trường đại học đang trong giai đoạn bùng nổ nghiên cứu và phát triển ứng dụng mới của vật liệu này.
Hứa hẹn nhiều ứng dụng là vậy nhưng polymer tự lành lại là một vật liệu “khó chiều”. Trong quá trình tổng hợp vật liệu, những người làm nghiên cứu phải chuẩn bị vô cùng chính xác và tỉ mỉ, nhiều khi chỉ lệch một chút thôi, kết quả đã khác.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu phải làm nổi bật được tính mới, độc đáo của vật liệu mình đang chế tạo so với vật liệu của nhóm khác. Nếu không có điểm gì đặc biệt sẽ có rất ít cơ sở để thuyết phục được ban biên tập của các tạp chí khoa học lớn chấp nhận bình duyệt công trình. Vì vậy, có thể nói, công trình nghiên cứu của PGS Lệ Thu và các cộng sự đã góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu tự lành tại Việt Nam. Công trình của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu triển khai theo một hướng rất hay là phát triển tính năng tự lành và nâng cấp cơ tính của PU composite theo cơ chế DA. Chia sẻ điều này, TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia Kushiro, Nhật Bản nhìn nhận: Vật liệu PU khá bền và rẻ, có thể tổng hợp từ nhiều nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng như dầu cọ, dầu ăn... nên tốt cho môi trường. Đây là đề tài tiên phong trong xu hướng vật liệu PU composites tự lành, một hướng nghiên cứu rất có tiềm năng ở Việt Nam.
Để có công trình xuất sắc này, nhà khoa học đã có quá trình tìm tòi, tích lũy kiến thức khoa học tương đối dài. Nếu nhìn vào quá trình nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu có thể thấy, nữ giảng viên đã nghiên cứu về vật liệu polymer tự lành sử dụng cơ chế DA từ trước năm 2015. Nó cũng giống như một quá trình phôi thai, định hình cho phát kiến độc đáo lần này.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu còn nỗ lực trang bị cho mình các kỹ thuật phân tích phức tạp và chuyên sâu về khoa học vật liệu như kỹ thuật cộng hưởng từ hạt nhân proton, nhiễu xạ tia X góc rộng, tán xạ tia X góc rộng. Bên cạnh đó là các thiết bị chế tạo, phân tích thiết yếu như máy phân tích nhiệt quét vi sai để xác định sự chuyển pha của vật liệu polymer theo nhiệt độ, kính hiển vi điện tử quét để quan sát các vết nứt cực nhỏ ở thang đo vài micrômét...