NSƯT Phạm Văn Môn trả lại giải thưởng vì lòng tự trọng

GD&TĐ - Để tạo ra sân chơi thực sự thu hút người tài, theo NSƯT Phạm Văn Môn, cần những cuộc thi rõ ràng, công khai, đúng người, đúng nghề.

NSƯT Phạm Văn Môn là người có ngón đàn guitar được giới Tài tử - Cải lương cũng như giới mộ điệu ngưỡng mộ. Ảnh: NVCC.
NSƯT Phạm Văn Môn là người có ngón đàn guitar được giới Tài tử - Cải lương cũng như giới mộ điệu ngưỡng mộ. Ảnh: NVCC.

Trả lại giải Nhì của Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023, NSƯT Phạm Văn Môn, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM coi đó là việc cần làm “vì lòng tự trọng của mình”.

“Tôi muốn có được sự nhìn nhận, cư xử công bằng xác đáng, đúng mực với âm nhạc Tài tử - Cải lương và cả với nghệ thuật Đờn ca Tài tử”, NSƯT Phạm Văn Môn chia sẻ với Báo GD&TĐ.

- Việc trả lại giải thưởng cuộc thi được ông thực hiện đến đâu rồi? Ban tổ chức có ý kiến phản hồi gì chưa?

NSƯT Phạm Văn Môn: Đêm bế mạc công bố và trao giải tôi không có mặt, vì có cô Thu Hiền (là Hiệu phó của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) đại diện nhận thay. Khi biết toàn bộ kết quả, tôi có nhắn tin nhờ cô Hiền trả lại giải cá nhân của tôi cho Ban tổ chức để khỏi mất công cô mang về, vì tôi sẽ không nhận giải ấy.

Việc đó cụ thể cô Hiền có trả lại hay không thì tôi chưa biết. Còn tôi đăng trả lại trên trang Facebook cá nhân của mình thì chỉ có giới nghề là đồng cảm chia sẻ, tôi chưa nhận phản hồi gì từ Ban tổ chức cuộc thi.

- Vì sao ông trả lại giải thưởng?

Lý do tôi trả lại giải thưởng cá nhân thì tôi đã viết trong bài đăng: Vì cá nhân tôi và cả mảng âm nhạc Tài tử - Cải lương bị đối xử thiếu công bằng, nếu không muốn nói là bị xem thường, rẻ rúng.

- Thẳng thắn lên tiếng về việc luôn nhạy cảm ở các cuộc thi này, ông có chịu áp lực gì không?

Có chứ, vì tôi là giảng viên, là viên chức trong Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM lại cùng chung Bộ chủ quản với Ban tổ chức cuộc thi (Cục Nghệ thuật Biểu diễn), nên làm gì, nói gì cũng phải cẩn trọng, chín chắn.

Tôi vào trường này từ năm 19 tuổi đến nay đã là 60, chuẩn bị nghỉ hưu. Có thể nói, ngôi trường là gia đình thứ hai của tôi, và xưa nay, trọn cuộc đời này tôi luôn tận tâm, toàn lực với mái nhà thân yêu này qua bao thế hệ lãnh đạo, nhiều đời Ban Giám hiệu.

Tôi cũng là người trọng tôn ti trật tự, luôn lấy đạo đức kính trên nhường dưới làm kim chỉ nam trong hành động. Nhưng tôi nghĩ, vì lòng tự trọng của mình, và của giới nhạc Tài tử - Cải lương, tôi phải nói.

- Điều ông muốn gửi đến Ban tổ chức cuộc thi cũng như công chúng và cả các học trò của mình từ sự việc này là gì?

Như bạn đã thấy trên bài đăng của tôi, giống như tôi vừa “nhóm lửa” thì lập tức anh chị em (cả trong và ngoài giới nghề) lập tức “thổi bùng ngọn lửa” ấy lên, nghĩa là nỗi bức xúc này đã bị đè nén từ lâu, qua nhiều cuộc thi trước đó rồi.

Tôi không có ý kích động hay chống đối ai cả, nhưng như đã nói ở trên, tôi muốn có được sự nhìn nhận, cư xử công bằng xác đáng, đúng mực với âm nhạc Tài tử - Cải lương, và cả với nghệ thuật Đờn ca Tài tử.

- Ban đầu ông đã tham gia cuộc thi với tâm thế như thế nào?

Cả đời tôi là dành trọn cho nghề này, việc giảng dạy đào tạo ra nhiều thế hệ kế tục, việc biểu diễn, giới thiệu, quảng bá âm nhạc Tài tử - Cải lương, nghệ thuật Đờn ca Tài tử, nói chung “gìn nghề giữ nghiệp” luôn là tôn chỉ của tôi. Và việc tôi tham gia thi cũng không ngoài tôn chỉ ấy, là để khẳng định, bổ khuyết, tôn tạo cho nghề nghiệp bản thân và giới nghề.

- Ông đã dành tâm sức như thế nào trong việc tập luyện, chuẩn bị cho cuộc thi?

Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc thi trong phạm vi nghề nghiệp của mình, lần nào cũng vậy, có thể nói “quên ăn mất ngủ”. Từ việc chọn đề tài, cơ cấu tiết mục, luyện tập cá nhân hay dàn tập cùng đồng nghiệp... nhiều khi nửa đêm choàng dậy để ghi ra một ý tưởng mới chợt nghĩ ra, rồi cân đong đo đếm lại... Nói chung là toàn tâm, toàn lực và cuộc thi này cũng vậy.

- Ông nhận xét gì về quy chế dự thi ban đầu và thực tế thi - chấm giải của Ban tổ chức?

“Quy chế tổ chức”, “Quy chế chấm, xét giải” của Ban tổ chức mà tôi nhận được rất rõ ràng và phù hợp với nhiều đối tượng dự thi. Cụ thể trong “Quy chế tổ chức cuộc thi” mà tôi được nhận từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cuộc thi được chia làm nhiều bảng, chúng tôi tham gia bảng 1 độc tấu và bảng 2 hòa tấu dành cho các nhóm nhạc thuần cổ với quy chế rất rõ ràng và phù hợp với ngón nghề của mình.

Nhưng khi ra thực tế thi và chấm, xét giải, chúng tôi bị gom chung với các bảng rất khác về chuyên môn của mình. Do vậy, toàn bộ mảng nhạc miền Nam chúng tôi đều bị đẩy xuống hạng Nhì, hạng Ba.

Trong khi trong lần thi năm 2020, tôi nhớ cũng là quy chế ấy, chúng tôi được diễn thi đúng bảng chuyên môn mà mình đăng ký tham gia, được chấm, xét giải với cùng loại nhạc cụ của mình, kết quả cao thấp khác nhau, nhưng ai cũng hài lòng vì mình được nhìn nhận đúng năng lực và sở trường.

- Ý kiến của ông về ban giám khảo cuộc thi?

Việc bố trí, cơ cấu ban giám khảo là rất quan trọng trong mỗi cuộc thi. Ở lần này tôi thấy rõ ràng là không chuẩn vì đến khi khai mạc cuộc thi, chúng tôi mới biết không có người chuyên môn sâu về âm nhạc Tài tử - Cải lương, đến nỗi khi ký tên chứng nhận tác phẩm đạt giải, vị chủ khảo cũng không phát hiện là tiết mục đó ghi chưa chuẩn, vậy thì làm sao hiểu được nội dung bài bản ấy mà chấm.

Cụ thể giải Nhì tiết mục hòa tấu của đơn vị Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ghi là “Văn Thiên Tường - Xế xảng”, người đọc sẽ hiểu là tiết mục này gồm 2 bản gồm bản Văn Thiên Tường qua bản Xế xảng, trong khi Xế xảng chỉ là một đoạn (khúc) nhạc trong một lớp của bản Văn Thiên Tường. Bởi vậy, chúng tôi có cảm giác như mình là “con ghẻ”, bị đối xử thiếu công bằng.

- Theo ông, thực tế đáng buồn này đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến uy tín của các cuộc thi cấp quốc gia hiện nay?

Giới nghề, nhất là nhạc giới tài tử - Cải lương miền Nam, họ tự cho là “thấp cổ bé miệng” nên rất ít khi phản kháng, nhưng họ sẽ từ bỏ! Rất nhiều người nói với tôi “Khi nào anh chấm thì tụi tôi mới đi thi!”.

Mà nếu không thu hút được người tham gia thì làm sao phát hiện nhân tố tài năng, bởi vậy theo tôi, nếu không cải thiện các vấn đề về tổ chức, về chấm thi, xét giải thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, nếu chưa muốn nói là mối nguy, là hiểm họa mai một cho nghệ thuật.

- Để tạo ra sân chơi thực sự thu hút người tài, theo ông, những cuộc thi này cần có những đổi mới gì về công tác chấm thi, xét giải, hội đồng giám khảo?

Rõ ràng, công khai, đúng người, đúng nghề thì “trăm hoa sẽ đua nở”!

- Trân trọng cảm ơn ông!

Gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 37 đơn vị nghệ thuật trên cả nước đã tham gia Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình tổ chức. Sau hai đợt thi tài, từ 10 - 14/6 (tại Nha Trang) và từ 20 - 26/6 (tại Hòa Bình), Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho 30 tiết mục, giải Nhì cho 51 tiết mục, giải Ba cho 12 tiết mục và một số giải Xuất sắc cho các thành phần sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...