Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Đờn ca tài tử bước sang một giai đoạn mới, có một sức phát triển mạnh mẽ, tiếp tục lan tỏa, có sức sống trên một diện rộng chưa từng có trong đời sống đương đại.
Sức sống mạnh mẽ
Theo kết quả kiểm kê năm 2011, nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam là: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát Đờn ca tài tử nhất.
Trong 21 tỉnh, thành thì hầu như tỉnh, thành nào, quận, huyện, thôn ấp nào cũng có câu lạc bộ hoặc nhóm Đờn ca tài tử. Cả nước hiện có hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình với hơn 29.000 người tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử (người trẻ nhất 6 tuổi, già nhất 99 tuổi).
Việc các câu lạc bộ Đờn ca tài tử được thành lập ở các quận, huyện đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút người yêu thích Đờn ca tài tử đến học và chơi đờn. Không đòi hỏi phải sân khấu hoành tráng, phải nhà hát lộng lẫy, ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào cũng có thể có sự xuất hiện của âm nhạc tài tử.
Nhiều hãng lữ hành, công ty du lịch đã đưa Đờn ca tài tử vào khai thác trong các tour, tuyến du lịch, đã đồng hành cùng với du lịch, vào các khu miệt vườn biểu diễn cho du khách trong và ngoài nước. Du khách có thể ngồi trên ghe hoặc tàu du lịch để thưởng thức những ngón đờn, những bài ca tuyệt hảo hoặc du khách sẽ được phục vụ chương trình đờn ca tài tử tại nhà hàng hay trong vườn trái cây... Nhẹ nhàng, đơn giản nhưng để lại trong lòng người nghe một sức hút rất lớn.
Truyền tình yêu nghệ thuật cho thế hệ trẻ
Nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, Bộ VH, TT&DL đã phối hợp với Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 73 hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc.
Cảm nhận được nét đẹp sâu sắc của loại hình ca cổ, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) là trường tiên phong trong việc cố gắng bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Cùng với đó, nhiều trường học ở các tỉnh Nam Bộ đã mạnh dạn đưa Đờn ca tài tử vào trường học, và được các học trò yêu thích, hào hứng.
Tại thành phố Bạc Liêu, Trường THCS Võ Thị Sáu cũng đưa Đờn ca tài tử vào học đường rất hiệu quả. Trong quá trình trực tiếp truyền dạy, các nghệ nhân đã giúp các em tiếp cận, học, thực hành biểu diễn các bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử truyền thống.
Qua việc giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử, các em hiểu được giá trị văn hóa của Đờn ca tài tử Nam Bộ mà thế giới đã công nhận. Các em sẽ tự hào về truyền thống văn hóa của người Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống trong việc bảo tồn văn hóa của dân tộc.
Theo thầy Phan Nhất Dũng, giảng viên dạy môn Đờn ca tài tử Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, việc dạy và học Đờn ca tài tử nên bắt đầu từ mẫu giáo. Tại các trường mẫu giáo, hàng ngày nhà trường sẽ mở những bài hát dân ca cổ nhạc để các em nghe đi, nghe lại và giải thích cho các em ý nghĩa của những bài hát này. Lứa tuổi này còn hồn nhiên, tâm hồn như tờ giấy trắng, việc dạy nhạc dân tộc vào độ tuổi này sẽ ghi dấu ấn rất sâu và lâu trong ký ức của các em.