“Nhái” tranh cổ động Công đoàn: Nên trả lại giải thưởng?

GD&TĐ - Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Công đoàn Việt Nam) đã được tổng kết, trao giải tưng bừng cách đây gần một tháng. Thế nhưng, cuộc thi dường như vẫn chưa thể khép lại khi hàng loạt tác phẩm được trao giải dính vào nghi vấn đạo, nhái.

Tác phẩm đoạt giải Ba của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa Nhạc, Họa, Thể dục (Trường Cao đẳng Hải Dương) bị cộng đồng đặt cạnh tác phẩm gốc
Tác phẩm đoạt giải Ba của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa Nhạc, Họa, Thể dục (Trường Cao đẳng Hải Dương) bị cộng đồng đặt cạnh tác phẩm gốc

“Nhái” giải đặc biệt?

Những ngày qua, trên mạng xã hội, một số Facebooker đã “tố” nhiều tác phẩm đoạt giải của cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam” đã sao chép, đạo nhái từ các tác phẩm tranh cổ động khác. Những “tố cáo” này đều có hình ảnh so sánh rõ ràng.

Điển hình là tác phẩm đoạt giải Đặc biệt đã bị cộng đồng mạng “tố” là sao chép từ hai tác phẩm khác. Không khó để nhận ra gương mặt của anh công nhân trong tác phẩm ấy có phần hao hao như gương mặt của anh công an ở một tác phẩm khác. Thêm nữa, dáng người của anh công nhân dường như được lắp ghép từ dáng người của một anh bộ đội.

Tác phẩm đoạt giải Ba của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó trưởng khoa Nhạc, Họa, Thể dục (Trường Cao đẳng Hải Dương) thì bị coi là giống hệt về bố cục cũng như nhân vật của tác phẩm cổ động được vẽ chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII. Hai tác phẩm đều vẽ về 4 gương mặt tương đồng về đường nét cũng như ánh mắt, nụ cười và cả hành động đưa tay lên trên hay vắt tay qua vai. Dù rằng tác giả đã cố tình lấp liếm sự giống nhau ấy bằng việc thay đổi màu sắc trang phục các nhân vật hay chế thêm chiếc máy tính để che bàn tay phải của anh bộ đội khoác súng để chuyển sang bàn tay trái anh công nhân cầm mỏ lết...

Riêng trong chùm 14 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích thì có đến 4 tác phẩm bị “tố” là sao chép một cách vụng về, ngớ ngẩn, lộ liễu. Chẳng hạn, tác giả Lê An Tư – Nguyễn Diệu Linh (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã sao chép y chang từ một tranh cổ động về tuổi trẻ tiến bước dưới cờ Đảng. Tác giả chỉ mất mỗi công đội nón cho cô thôn nữ, đội mũ cho anh cảnh sát giao thông và anh công nhân rồi chèn thêm một cô gái vào giữa.

Thật tức cười khi trong số những tác phẩm đoạt giải dính lùm xùm đạo nhái có khá nhiều tác phẩm thuộc về chính đơn vị đăng cai tổ chức - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Hay ở một giải Khuyến khích khác, tác giả khác đã sao chép gương mặt một thanh niên tình nguyện sang gương mặt một công nhân. Thế nhưng, tác giả này đã thật vụng khi “đổi” mũ cho nhân vật của mình, tác giả quên mất là mũ công nhân không có quai đeo như mũ tai bèo của thanh niên tình nguyện nên đã cho anh công nhân đầu đội mũ công nhân nhưng cổ vẫn đeo dây mũ tai bèo!

Ngoài ra, có tác giả đã cố tình đảo chỗ, thêm bớt các nhân vật; có tác giả sao chép y nguyên bố cục từ một tác phẩm khác song vẫn khiến khán giả nhận ra ngay.

Giải đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền – Khoa Tạo dáng công nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội bị tố sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau
  • Giải đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền – Khoa Tạo dáng công nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội bị tố sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau

“Nên tự giác trả lại giải thưởng”

Họa sĩ Trần Từ Thành – một trong số những họa sĩ vẽ tranh cổ động nổi tiếng ở Việt Nam đã đưa ra đề nghị như vậy với những tác giả đạo, nhái tranh cổ động rồi mang tham gia cuộc thi đó. Theo ông, đấy là cách mà các họa sĩ cần nghiêm khắc tự kỷ luật với bản thân mình.

Lý giải thêm về điều này, họa sĩ Trần Từ Thành cho rằng, các tác giả tham gia cuộc thi đều là lớp trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để chủ động thực hiện một bức tranh cổ động. Họ cũng chưa đủ tầm để suy nghĩ về tranh cổ động vì thế sẽ dễ bị vấp váp. Thêm nữa, những tác giả này đều chủ quan tưởng rằng công chúng không quan tâm, không biết, không hiểu gì về tranh cổ động nên… làm liều. Thực tế chứng minh là không phải vậy. Công chúng giờ đây vẫn luôn quan tâm, rất hiểu biết về tranh cổ động; tai – mắt của công chúng rất thính, rất tinh.

Cùng với đó, họa sĩ Trần Từ Thành còn cho rằng điều đáng trách đầu tiên là ban giám khảo cuộc thi đã không sớm phát hiện ra các tác phẩm đạo, nhái để loại ngay ra. Phải chăng ban giám khảo khi chấm đã không tìm hiểu xuất xứ, nguồn gốc của một số tranh cổ động nổi tiếng dễ bị sao chép? Phải chăng ban giám khảo đã làm việc thiếu nghiêm túc, không tiến hành khảo sát tác phẩm? Phải chăng, trong thành phần ban giám khảo còn thiếu các họa sĩ đầu ngành về tranh cổ động của Việt Nam – những người “gác cổng” sẽ chỉ ra được tác phẩm đó đạo của ai, từ cuốn sách nào…

Theo họa sĩ Trần Từ Thành, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với 70 năm tuổi đời đã có bề dày tổ chức nhiều cuộc thi uy tín về tranh cổ động vì trường vốn là cái nôi của tranh cổ động khi có chuyên ngành đồ họa. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi về tranh cổ động xảy ra sai sót. Và cuộc thi này đã bị thất bại khi không thể có tác phẩm xuất sắc để phát hành trong cả nước.

“Lỗi ở cả phía tác giả và ban giám khảo. Vậy nên, tôi đề nghị nên hủy kết quả cuộc thi – vì tác phẩm sao chép quá nhiều. Đồng thời, người được giải thưởng bị phát hiện sao chép nên tự giác trả lại giải thưởng còn ban giám khảo nên nhận lỗi, phải lên tiếng xin lỗi chứ không được im lặng” – Họa sĩ Trần Từ Thành đã nhấn mạnh như vậy khi vừa lật giở cuốn sách tập hợp tranh cổ động Việt Nam từ năm 1945 – 2005 và chỉ ra một số tác phẩm ở đây đã bị các tác giả của cuộc thi sao chép, đạo nhái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.