Tuy không chuyên vai đào chính, và xuất hiện cũng không nhiều, song mỗi lần chị bước ra sân khấu, người xem đều ấn tượng bởi lối diễn sáng tạo, cá tính của đào độc. Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với nghệ sĩ tài năng này.
- Hơn hai mươi năm say đắm với cải lương, hẳn rằng, chị chọn loại hình kịch hát này ngay từ đầu?
NSƯT Chử Thiên Hoa: Năm đó, tôi được gia đình định hướng đi theo con đường làm kinh tế nên thi vào Khoa Luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội. Khi đang là sinh viên luật, bạn bè rủ tôi sang Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh để xem tuyển diễn viên kịch nói và kịch hát dân tộc.
Ngày ấy, Nhà hát Cải lương tổ chức tuyển diễn viên để đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Một người bạn biết tôi hát được nên đã ghi giấy đăng ký cho tôi thi thử. Thú thật, lúc ấy, tôi còn không biết miền Bắc có đơn vị nghệ thuật cải lương, mà cũng chưa rõ lắm khái niệm về thể thức ca hát loại hình này.
Thế là, lúc vào thi, tôi hát dân ca. Và tôi cũng không ngờ, mình đỗ á khoa, lại được học bổng. Tôi thông báo với gia đình, sẽ từ bỏ học luật để chuyển sang cải lương. Gia đình tôi ngỡ ngàng, người ủng hộ, người phản đối.
Bố tôi còn bảo, sao lại bỏ làm luật sư để theo cái nghề “xướng ca vô loài” vừa vất vả vừa nghèo ấy. Khi đó, tôi thậm chí còn không hiểu “xướng ca vô loài” là gì. Nhưng tôi thích hát hò. Vậy nên, tôi quyết định chấm dứt học luật để trở thành một cô đào.
- Sự tình cờ này đã đem đến cho chị những “trái ngọt” gì?
Tôi luôn nghĩ, nghề đã chọn mình. Về Nhà hát Cải lương Việt Nam, tôi được giao vai chính luôn, được xét vào biên chế đợt đầu tiên. Đến nay, tôi đã đạt nhiều thành công, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, được đồng nghiệp và khán giả yêu quý. Nói chung, từ lúc đi theo nghệ thuật, tôi nhận được nhiều may mắn.
Nhưng thực ra, để có được kết quả như hôm nay, tôi đã phải lao động cật lực. Vì không phải con nhà nòi, tôi tự thấy mình còn nhiều yếu kém. Về nhà hát, nếu mọi người chỉ tập 5 lần, thì tôi tập 10 lần. Có những vở, tôi không tham gia vai nào, song vẫn lặng lẽ đến ngồi xem người khác tập để học hỏi.
Tôi đọc kịch bản rất kỹ và học thoại rất lâu. Tôi rất lâu nhớ thoại, song đã nhớ là thấm sâu. Tôi muốn mỗi đêm diễn phải là một sự sáng tạo, một sự thăng hoa về nghệ thuật. Vì thế, tôi diễn không buổi nào giống buổi nào.
- Vai diễn đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam đã để lại ấn tượng trong chị ra sao?
Vai chính đầu tiên của tôi là Thảo trong vở “Trái tim người chị”. Thảo là chị cả trong một gia đình nghèo khó, mẹ mất sớm, phải lo toan mọi việc cho các em. Lần đầu tiên được nhận vai, lại là nhân vật khá nặng ký nên tôi rất lo.
Song cũng may, nhân vật Thảo có khá nhiều nét giống tôi ngoài đời thường. Tôi cũng là chị cả trong gia đình, và tính tôi luôn chu đáo, vun vén cho các em mọi bề. Chính vì thế, tôi vào vai rất ngọt, hầu như không gặp trở ngại gì.
- Chị luôn thuận buồm, xuôi gió với các vai diễn của mình chứ?
Không hẳn thế. Có những vai diễn khiến tôi bị mệt mỏi, ám ảnh nhiều. Ví như vai người mẹ trong “Kẻ bạc tình” chẳng hạn. Người mẹ quê nghèo có con lên kinh đi thi. Con trai đỗ trạng nguyên và làm phò mã ở kinh thành. Người mẹ và cô con dâu dắt nhau lên kinh tìm con trai.
Khi biết được sự thật về đứa con bạc bẽo, người mẹ đau khổ vô cùng. Đây là vai diễn buồn, nhiều nước mắt. Nó trái ngược với tính cách vui tươi, mạnh mẽ của tôi ngoài đời. Tôi là người không ưa nước mắt. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng thể hiện tốt nhân vật của mình.
NSƯT Thiên Hoa vai vợ Trần Dự trong vở cải lương 'An Tư công chúa'. Ảnh: Thu Huyền |
- Vậy, một vai diễn như thế nào là hợp với chị?
Lúc đầu, khi tập trích đoạn để tham gia Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương năm 2007, tôi dành một tháng để tập vai Dương Vân Nga. Song, đến khi báo cáo Hội đồng nghệ thuật của nhà hát, mọi người bảo tôi không hợp với vai đào thương, đào pha - một dạng vai mềm yếu, thướt tha, thanh tao, sang trọng trong khi đó, chất giọng và sắc diễn của tôi mạnh mẽ, cá tính.
Mọi người khuyên, nên bỏ vai Dương Vân Nga để dành lần khác đi thi. Tôi thành thật nói, rất muốn thi đợt này. Vậy là tôi chọn tập vai Võ Tắc Thiên khi chỉ còn một tuần nữa là đến ngày vào Cần Thơ so tài.
Tôi tập cả sáng, chiều, tối. Vai diễn Võ Tắc Thiên hợp với tôi bởi cách diễn hào sảng, tung tẩy, thần thái mạnh mẽ, cuốn hút khán giả. Chính vai này đã mang lại cho tôi tấm Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất. Cũng từ đây, tôi nhận thấy thế mạnh của mình là vai đào độc.
- Và chị chỉ tập trung vào thể loại vai này?
Thực ra, diễn viên cải lương, ai cũng thích đóng đào thương vì là vai chính. Còn đào độc chỉ là vai thứ chính, đứng sau, làm tôn thêm vẻ đẹp cho đào thương. Nhưng mỗi người có sở trường riêng.
Diễn đào độc, tôi cũng có khán giả của riêng mình. Có người yêu quý tôi còn nói rằng, dạng đào độc ở nhà hát hiện khó ai qua nổi Thiên Hoa. Đấy là người ta mến mình mà động viên thôi, còn tôi luôn nhắc mình chỉ là trăng non để còn có cơ hội phấn đấu và học hỏi, trau dồi thêm kĩ năng ca diễn ở các bậc tiền bối.
Mỗi khi nhận được vai diễn mới, tôi luôn luôn tìm tòi cách thể hiện cho sắc nét. Tôi sống trọn vẹn cùng nhân vật với từng câu thoại, ánh mắt, nụ cười, giọng nói, lời ca.
Năm 2020, lần đầu tiên Cuộc thi tài năng sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang nhận cả thí sinh miền Bắc, tôi đã đăng ký dự thi với vai diễn Nguyễn Thị Anh trong vở “Vua thánh triều Lê”.
Nếu Võ Tắc Thiên là một trong những người đàn bà ghê gớm nhất lịch sử Trung Hoa, thì Nguyễn Thị Anh là một trong những nhân vật độc ác nhất trong lịch sử Việt Nam. Với vai diễn này, tôi đã được Huy chương Vàng cho thể loại đào độc.
Tiếp đó, vai Tú Bà trong vở “Nguyễn Cầm Ca - Kiều” cũng đã giúp tôi giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Long An năm 2022.
Gần đây, vai hoàng hậu Thượng Dương trong “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” cũng đã mang về cho tôi Huy chương Vàng tại Liên hoan các trích đoạn sân khấu toàn quốc năm 2023, tổ chức tại Hà Nam.
Có thể nói, dạng vai đào độc đã giúp tôi khẳng định được mình trong sự nghiệp. Tôi luôn yêu sân khấu, và chỉ cần tên mình xuất hiện trên tờ rơi giới thiệu vở diễn là tôi thấy vui, bất kể đó là vai chính hay phụ.
- Trên sân khấu chuyên đóng vai đào độc, còn ngoài đời chị có “độc” không?
Ngoài đời, tôi khá mạnh mẽ, quyết đoán, ý chí, luôn yêu - ghét rõ ràng và khá thân thiện với bạn bè. Tôi là người hướng ngoại, thích giúp đỡ mọi người. Mỗi lần giúp được ai đó, tôi thấy rất vui và hạnh phúc.
Có lẽ, vì sự nhiệt tình, thơm thảo nên tôi cảm thấy mình được Tổ đãi. Tôi hạnh phúc mỗi khi được diễn, được ca cải lương trên sân khấu. Nếu được chọn lại, tôi vẫn tiếp tục làm một cô đào cải lương. Tôi luôn thầm cảm ơn Tổ nghiệp đã chọn mình, cho mình một công việc tuyệt vời, một tổ ấm hạnh phúc trong tình yêu thương của đồng nghiệp.
- Chị có thể chia sẻ về tổ ấm nghệ sĩ của mình?
Tôi và ông xã cùng công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam. Chúng tôi rất hợp nhau. Ngoài làm nghệ thuật, vợ chồng tôi còn mở công ty thiết kế và may đo trang phục sân khấu.
Anh Minh Hùng đã cùng tôi đi qua hơn hai thập kỷ, và giúp tôi có được tất cả mọi thành quả trong sự nghiệp. Trong thâm tâm, tôi luôn cảm ơn người bạn đời, người đồng nghiệp ấy.
Chúng tôi cùng nhau gìn giữ và phát triển nghệ thuật cải lương trường tồn với thời gian. Năm 2019 đã ghi dấu ấn thành công của vợ chồng tôi khi cùng lúc được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
- Trân trọng cảm ơn chị!