Gần 50 năm gắn bó với sự nghiệp ca hát, tới nay mặc dù đã bước sang tuổi 65 nhưng NSND Thanh Hoa vẫn bền bỉ với công việc đem lời ca tiếng hát, những kinh nghiệm về âm nhạc cống hiến cho người yêu nhạc nước nhà.
Nhắc tới NSND Thanh Hoa, người hâm mộ không chỉ nhớ tới một giọng ca trong trẻo, truyền cảm gắn liền tên tuổi của mình với những bài ca bất hủ về một thời hào hùng của dân tộc, về quê hương, đất nước... mà người ta còn nhớ tới một nữ nghệ sĩ có phong thái an nhiên, thảnh thơi tới kỳ lạ.
Bộc bạch về phong thái an nhiên, thảnh thơi của mình, NSND Thanh Hoa cho hay: "Thật sự phong thái bên ngoài không thể hiểu được nội tâm bên trong, tuy nhiên, nếu tôi trẻ trung, luôn vui cười , thể hiện mình là người an nhiên thì người đầu tiên yên tâm về tôi đó chính là chồng con, anh chị em ruột thịt của tôi.
Tôi cũng có lúc mệt mỏi nhưng những lúc đó tôi dường tự chịu đựng một mình, còn những lúc phải lo lắng thì chỉ có vợ chồng và chia sẻ với con cái.
Khi xuất hiện trước công chúng, tôi không muốn bất cứ ai cảm nhận được sự mệt mỏi của bản thân. Tôi muốn khán giả yêu mến tôi an tâm rằng: “ À, Thanh Hoa vẫn có thể hát thật được, vẫn có thể vững vàng đứng trên sân khấu".
Ngoài giọng ca trong trẻo, truyền cảm, người hâm mộ còn nhớ tới NSND Thanh Hoa với phong thái an nhiên, thảnh thơi.
Dù đã qua tuổi lục tuần nhưng NSND Thanh Hoa vẫn bận rộn với việc đem nghệ thuật cống hiến cho đời sống. Bà quản lý công ty Thanh Hoa Concert, đi hát, làm giám khảo, làm một "bà giáo" thanh nhạc trong và ngoài nước...
Nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Về nghỉ hưu, khối lượng công việc của tôi gấp 5 lần khi đang đi làm, bận nhất vẫn là việc ở công ty của tôi vì năm nào cũng có những chương trình ca nhạc phục vụ đồng bào Việt Nam ở khắp thế giới như: Đức, Ba Lan, Tiệp, Áo… đặc biệt trong 2 năm gần đây tôi còn thường xuyên mở các lớp giảng dạy người Việt Nam yêu ca hát ở các nước Đông Âu.
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm thanh nhạc với những người yêu hát. Nhất là những kiều bào ở nước ngoài có nhu cầu rất lớn, sau bao năm xa quê, bộn bề công việc, họ muốn được gần gũi với văn hóa của quê hương, đất nước. Sự thèm khát nghệ thuật ca nhạc quê hương của những người Việt xa xứ như tiếp sức cho tôi có thể hết lòng, hết sức vì họ. Giờ tôi vẫn cứ đi nước ngoài rồi lại về Việt Nam như "cơm bữa".
Tôi đã giúp những "bạn" Việt kiều có kỹ năng, để có thể tự tin thể hiện mình trên sân khấu, có thể hát ca khúc về quê hương, đất nước một cách thuần thục. Có lẽ đây là điều mà hiện giờ tôi cảm thấy rất hãnh diện."
Kể về những lớp học thanh nhạc đặc biệt ở nước ngoài của mình, NSND Thanh Hoa hồ hởi: " Ở Đức, lớp học của tôi lên tới hơn 50 học viên.
Các học trò của tôi đều có thể hát khá hay, có rất nhiều bạn từ việc sợ đứng trên sân khấu, sợ chỗ đông người đã có thể tự tin để hát trình diễn rất tốt. Các học trò yêu nhạc Việt của tôi cũng khá đặc biệt, có những người lớn tuổi lên tới 60 tuổi, có những em nhỏ mới chỉ 12 tuổi."
Bà say sưa khi nói về "tình yêu mới" của mình, đó là yêu cái sự say mê ca nhạc của những người Việt xa xứ: "Tôi yêu các học trò của mình, họ đáng yêu lắm! Có những học sinh của tôi 50 tuổi, hát song ca với cô giáo bài "Gửi em ở cuối sông Hồng" mà bạn ấy cứ run, mồ hôi đầm đìa như tắm mặc dù trời lạnh.
Có những gia đình cùng tham gia một khóa học, tới hôm biểu diễn, vợ hát đơn ca mà chồng ngồi dưới lo lắng sợ vợ chệch nhịp, chạy vội lên sân khấu vỗ nhịp vào vai vợ một cách tình tứ. Học trò Việt kiều của tôi rất trân trọng những bài hát về quê hương, đất nước. Sự đáng yêu đó khiến tôi cảm thấy tiếc vì sao mình không mở các lớp học sớm hơn."
Hào hứng là vậy, nhưng NSND Thanh Hoa cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến âm nhạc nước nhà hiện tại. Bà bộc bạch: "Tôi rất thích xuất hiện ở những nơi nào mà giá trị nghệ thuật còn tồn tại, còn được coi trọng. Trong nước, thời gian gần đây thì sự trân trọng đối với âm nhạc của một thời bom đạn khói lửa, làn điệu ca ngợi quê hương đất nước dường như ngày càng ít đi và âm nhạc thị trường ngày càng chiếm lĩnh."
NSND Thanh Hoa lý giải về việc khán giả Việt mà nhất là khán giả trẻ lạnh nhạt với những ca khúc hát về tình yêu quê hương đất nước, về những chiến công thử thách của dân tộc ở một thời vàng son: "Có lẽ, mọi người phải lo toan, tính toán với cuộc sống hiện tại mà thời gian dành cho kỷ niệm, cho những hào hùng bị xếp vào một nơi...
Lớp người thích những bài hát mà tôi hay hát, người ta đã già rồi, tất cả những khán giả của tôi 15 năm trước giờ lên ông lên bà, người ta bận rộn chăm nom cho gia đình, cho con cháu..., còn lớp trẻ có vẻ như không mấy mặn mà với những tác phẩm đó nữa".
NSND Thanh Hoa mong lớp trẻ Việt hãy hát những bài ca về quê hương, đất nước bằng ngôn ngữ của mình. Ảnh: Đông Vũ.
Nữ nghệ sĩ nhắn nhủ đến thế hệ trẻ: "Tôi cũng không cổ hủ đến mức bắt các bạn trẻ phải gặm nhấm những thành tích một thời oanh liệt vì nó đã qua. Mỗi con người cũng phải hiểu rằng không ai có thể "vang bóng cả đời" chỉ có vang bóng một thời mà thôi.
Nhưng tôi mong muốn các bạn trẻ yêu và trân trọng những gì là kỉ niệm, những làn điệu là niềm tự hào của Tổ quốc. Bằng việc hãy hát những tác phẩm mà chúng tôi đã từng thể hiện bằng ngôn ngữ của chính mình..."
"Là một nghệ sĩ, mỗi dịp Tết đến, xuân về tôi rất vui vì được báo chí, truyền hình ưu ái quan tâm, phỏng vấn. Nhưng chân thành mà nói, tôi rất ngại lên báo bởi bản thân tôi nhận thấy mình không có điều gì mới mẻ để chia sẻ với công chúng. Chỉ biết nhờ báo chia sẻ với độc giả là tôi vẫn ổn, sức khỏe vẫn tốt và vẫn có thể làm việc, cống hiến một phần sức lực nhỏ nhoi cho nền âm nhạc nước nhà được" - NSND Thanh Hoa nói.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.
GD&TĐ - Ngày 11/12, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Google phối hợp tổ chức Lễ tổng kết Chương trình Phát triển nhân tài số 2024 diễn ra tại Hà Nội.