NSND Lệ Thủy hát để trả ơn cuộc đời!

GD&TĐ - Dù đã quá 22 giờ nhưng NSND Lệ Thủy vẫn nồng nàn trong từng câu hát khi đứng trên sân khấu rạp hát Đại Nam (Hà Nội).

NSND Lệ Thủy luôn xứng danh là 'cô đào ngoại hạng'. Ảnh: Bình Thanh
NSND Lệ Thủy luôn xứng danh là 'cô đào ngoại hạng'. Ảnh: Bình Thanh

Khán giả Hà thành cũng theo đó mà say mê, rưng rưng như thuở nào…

100 tuổi mới là… già!

Đây là dịp tái ngộ bất ngờ của cô đào lừng danh Lệ Thủy với Hà Nội khi bà ra Bắc nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” - Giải thưởng Đào Tấn 2024 (Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc).

“Cải lương đang bị bão hòa nên bây giờ không còn đoàn hát tuồng thuần túy như Kim Chung 5, 2-84 như năm xưa. Giống như bao nghệ sĩ, tôi luôn mong và có niềm tin nghệ thuật cải lương sẽ sống lại. Cũng vì, từng về nhiều vùng sâu, vùng xa biểu diễn và làm từ thiện, tôi gặp nhiều người yêu thích cải lương và vẫn rộn ràng cất tiếng ca” - NSND Lệ Thủy.

Năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm (NSND Lệ Thủy sinh năm 1948), có thể vóc dáng thêm đậm đà, khóe mắt trổ vết chân chim nhưng bước chân bà vẫn nhanh nhẹn, cử chỉ vẫn thanh thoát, ánh nhìn và nét môi vẫn rạng rỡ như lúc xuân thì.

Nhất là, tiếng nói, tiếng cười khi chuyện trò, giao lưu, chụp hình với khán giả của “nàng Tô Ánh Nguyệt” (một trong những vai diễn để đời của NSND Lệ Thủy trong vở cải lương cùng tên) được nối từ trước giờ trao giải đến khi cánh gà đóng màn sao mà sôi nổi, hào sảng và luôn dí dỏm, gần gũi, ấm áp, thân thương…

Nhớ mấy mươi năm trước, hôm nào sân khấu truyền hình tối thứ 7 phát sóng cải lương có cặp đôi Lệ Thủy - Minh Vương biểu diễn là cả xí nghiệp nơi gia đình tôi sinh sống liền í ới nhắc nhau cơm nước sớm sủa để đi thưởng thức.

Tivi đen trắng 14 inch nhiều muỗi khó nhìn thấy hình nếu ngồi xa nhưng âm thanh được phóng to ra loa thông báo nên nếu lỡ chậm chân thì vẫn có thể nghe cặp đôi ấy hát để mà “lịm tim” trước mỗi câu nói lối được đổ, câu vọng cổ được ngân. Người lớn, nhất là các bà, các chị hay lén lau nước mắt vì thương cảnh ngộ trái ngang của Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Lan (Lan và Điệp), Kim Anh (Đời cô Lựu)… do Lệ Thủy hóa thân.

Đám trẻ con chúng tôi chưa hiểu nhiều về sự đời nhưng vẫn mê mẩn, khắc sâu vào tâm thức giọng ca có một không hai ấy, để sau này hễ chỉ thoáng nghe đâu đó là khẽ reo: “Lệ Thủy! Lệ Thủy!” và thầm ước mong có ngày được xem “thần tượng” biểu diễn trực tiếp trên sân khấu chứ không phải qua màn hình vô tuyến, Đài Tiếng nói Việt Nam hay băng đĩa.

Vẫn nghĩ đó chỉ là ước mơ, vậy mà diệu kỳ thay hơn ba mươi năm sau cũng có thể gặp gỡ, nghe “nàng Tô Ánh Nguyệt” trò chuyện, hát ca ở tuổi gần 80. Tuổi tác có thể lấy đi vẻ thanh xuân bên ngoài nhưng rõ ràng khí chất “ngoại hạng” về âm sắc chuông ngân của Lệ Thủy thì vẫn vẹn nguyên như năm xưa.

Biểu diễn trên sân khấu lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024, phong thái của bà thật đĩnh đạc và thoải mái. Bà hát tân cổ liền 2 bài, từ “Thương hoài miền Tây” (sáng tác: Dương Đình Trí) đến “Thương quá Việt Nam” (Nhạc: Phạm Thế Mỹ, vọng cổ: Quế Chi) mà giọng vẫn lảnh lót, ngân nga.

Rồi bà tiếp tục hóa thân vào vai diễn Hồ Bảo Xuyên trích trong vở “Đêm lạnh chùa hoang” (soạn giả: Yên Lang) không chỉ khiến lòng người đắm say từng câu hát, mà còn quyến rũ trong từng cử chỉ, cách bộc lộ cảm xúc, tâm lý của một đào võ. Thực ra, tiết mục này không có trong kế hoạch chương trình nhưng NSND Lệ Thủy quyết định “vượt rào”.

Bà chia sẻ rằng, trở lại Hà Nội và nhận được sự mến mộ, yêu thương của khán giả nơi đây bà vô cùng xúc động. Nhất là có khán giả còn nhắn nhủ trước giờ diễn: “Lâu lắm rồi mới ra Hà Nội, Lệ Thủy phải ca thật nhiều nhé!”. Với nghệ sĩ, chẳng gì bằng lấy lời ca tiếng hát để đáp lại những tình cảm ấy.

Thế nhưng, dù lời ca đã ngừng, những tràng pháo tay vẫn nối dài để người nghệ sĩ ấy luyến lưu rằng: “Trời ơi, khán giả Hà Nội dễ thương thế này thì phải ra Hà Nội nữa thôi!”. Rõ ràng, sự mến mộ của khán giả là liều thuốc tinh thần quý giá giúp nghệ sĩ thăng hoa và sẵn sàng rút ruột nhả tơ hiến dâng cho đời bất kể khi nào.

Với khán giả Hà Nội, thật xúc động khi nghe câu chuyện của cụ Doãn Thị Dậu ở phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai). Dù đã 91 tuổi nhưng vừa hay tin NSND Lệ Thủy ra Hà Nội dịp này, cụ Dậu vẫn cùng con gái đến rạp Đại Nam để nghe “thần tượng” hát trực tiếp. Tận khi cánh gà khép lại, cụ Dậu mới ra về và cười sung sướng khi được gặp, chụp hình cùng “thần tượng”.

“Thời bao cấp, nhà tôi có cái đài Akai băng cối nên thường nghe cải lương của cô Lệ Thủy, chú Minh Vương và rất thích, nhất là mẹ tôi. Lần được gặp và nghe cô Thủy hát vừa rồi, lúc ra về mẹ tôi cứ tấm tắc khen tiếng hát của cô và bảo rất vui sướng”, con gái cụ Dậu chia sẻ.

Còn về tuổi tác ư, có ai đó hỏi, ban đầu bà “nói dỗi”: “Lệ Thủy không nói tuổi đâu vì sợ già lắm, mà già khán giả không có thương” để rồi bất ngờ nhắn nhủ: “Nhưng thôi, vì ai giờ cũng biết Lệ Thủy hết rồi nên không có giấu giếm nữa. Mà nhé, 76 tuổi chưa già, 100 tuổi mới già!”. Nói rồi bà cười giòn cùng ánh mắt lấp lánh hạnh phúc!

Năm 13 tuổi, từ cô bé nhà nghèo ở Vĩnh Long cùng cha mẹ lên Sài Gòn mưu sinh may sao Lệ Thủy gặp nghệ sĩ Tư Long. Ông Long phát hiện Lệ Thủy có giọng hát đặc biệt nên mời vào nhóm văn nghệ của mình rồi gửi đi học ca cổ từ các thầy Năm Truyền, Tám Đen. Nghiệp hát ca trên sân khấu cải lương của Lệ Thủy mở ra từ đó.

Hơn 60 năm bền bỉ cống hiến, có thể nói, không chỉ lúc thanh xuân tươi trẻ mà đến giờ NSND Lệ Thủy vẫn luôn xứng danh “cô đào ngoại hạng” có “giọng ca chuông ngân” được bao người mến mộ.

Bà để lại dấu ấn với hàng loạt vai diễn không chỉ trên sàn diễn trực tiếp mà cả khi video cải lương thịnh hành. Ngoài ra, bà cũng là giọng hát tân cổ khó ai sánh kịp, có thể nhắc đến: “Cô gái bán sầu riêng”, “Cô gái Đồ Long”, “Cau Hà Châu têm trầu Xuân Mỹ”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Lan và Điệp”, “Lá sầu riêng”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”...

nsnd-le-thuy-hat-de-tra-on-cuoc-doi-2-4.jpg
NSND Lệ Thủy nhận giải thưởng 'Thành tựu trọn đời' của Giải thưởng Đào Tấn năm 2024. Ảnh: Bình Thanh.

Bởi khán giả yêu thương!

Nhìn lại chặng đường lao động nghệ thuật miệt mài, NSND Lệ Thủy kể, trước năm 1975 bà được khán giả mến mộ những vai diễn ở trong các vở tuồng hương xa, kiếm hiệp như: “Máu nhuộm sân chùa”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Đưa em về Tây Hạ” mà đến giờ khán giả vẫn nhớ tới…

Sau năm 1975 là những vở tuồng xã hội như “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt” đều nói về thân phận phụ nữ, nhất là vở “Tô Ánh Nguyệt” được nhớ đến rất nhiều. Vở diễn đó mở ra chặng đường mới cho Lệ Thủy, từ cô đào mùi mẫn của cải lương hương xa, kiếm hiệp (dàn dựng những tuồng kể chuyện tình sầu thương) đến những vai diễn gắn liền với cuộc sống xã hội và tiếp tục được khán giả đón nhận.

nsnd-le-thuy-hat-de-tra-on-cuoc-doi-5-6480.jpg
Cụ Dậu sung sướng khi được nghe hát và chụp hình cùng NSND Lệ Thủy dịp bà ra Hà Nội nhận Giải thưởng Đào Tấn 2024.

Có lần bà ra Hà Nội trình diễn vở “Đời cô Lựu” ở Cung Văn hóa Hữu Nghị, khán giả khóc sướt mướt và có người tỏ ý “trách” Lệ Thủy rằng, “cô làm tôi khóc muốn chết luôn”. Hay lần đầu tiên ra Hà Nội (năm 1976), lúc cất tiếng ca trong bài tân cổ “Cây sầu riêng trổ bông”: “Khi chưa xanh lá sầu riêng ta trồng, bão tố phong ba đã chia ly tình yêu tuổi xuân, trao nhau khúc hát thủy chung trong lòng hãy đợi anh về, vững lòng em đợi chờ anh”, tự nhiên khán giả đứng lên vỗ tay mãi khiến bà xúc động mà quên cả tuồng.

“Hình như, câu hát đó chạm đến các chị phụ nữ có chồng đi xa. Họ đứng dậy vỗ tay và rưng rưng nước mắt. Đó là một trong những kỷ niệm tôi không thể quên khi có dịp ra Hà Nội”, NSND Lệ Thủy nhớ lại.

Nhẩm tính về quãng thời gian chưa trở lại biểu diễn tại Hà Nội ở lần gần nhất, bà bảo, cũng khá là lâu rồi, từ mãi hồi tham gia chương trình nghệ thuật “Ngôi sao phương Nam” của NSƯT Kim Tử Long. Thế nên, dịp này, bà rất bất ngờ khi nhận tin Ban tổ chức Giải thưởng Đào Tấn mời ra Hà Nội nhận giải thưởng.

Cũng vì, trước đó, bà được nhận khá nhiều giải thưởng song đều ở phương Nam, trong đó có những giải danh giá như: Thanh Tâm (1964), Kim Khánh (1974), Mai Vàng (2009)… Vậy nên, bà đã rất xúc động vì không ngờ ở Hà Nội lại hiểu và biết về Lệ Thủy suốt mấy chục năm qua như thế.

“Tôi cứ nghĩ mình xa xôi quá, lớn tuổi rồi, không ai nhớ tới. Vậy mà không ngờ Hà Nội đã nhớ đến Lệ Thủy, tặng cho tôi giải thưởng rất cao quý – Giải thưởng “Thành tựu trọn đời”. Thế nên, tôi ra Hà Nội dịp này mà trong lòng lúc nào cũng lâng lâng xúc động nhiều lắm, nhất là lúc lên sân khấu nhận giải không khỏi hồi hộp, xao xuyến.

Tôi mong có dịp trở lại Hà Nội để hát. Mong là thế song cũng không thể hứa trước được. Nhưng, nếu còn sức khỏe, nếu có dịp Hà Nội tổ chức thì Lệ Thủy sẽ đến để phục vụ cho bà con”, NSND Lệ Thủy chia sẻ.

Giờ đây, “cô đào ngoại hạng” Lệ Thủy không còn đi hát thường xuyên mà chỉ tham gia một số chương trình, sự kiện hay cùng bạn bè phục dựng các vở diễn được khán giả mến mộ, mới nhất như: “Người tình trên chiến trận”, “Sông dài”.

nsnd-le-thuy-hat-de-tra-on-cuoc-doi-4-5818.jpg
Với nghệ sĩ Dương Đình Trí, được cùng mẹ - NSND Lệ Thủy ra Hà Nội nhận Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 là niềm hạnh phúc, vinh dự lớn lao. Ảnh: Bình Thanh - Như Hoa.

Vậy nhưng, mỗi khi được biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, bà rất vui, vô cùng hạnh phúc vì được hát để trả ơn cuộc đời và thấy khán giả cũng rất trông chờ Lệ Thủy trở lại với những vai đào võ, nữ tướng, nữ chúa. Chính tình yêu thương đó là động lực để bà vững bước trên con đường nghệ thuật. Bà luôn biết ơn vì điều đó.

Còn lúc thư thả, NSND Lệ Thủy vui vầy cùng con cháu và làm thiện nguyện. Như dịp này, sau khi nhận Giải thưởng Đào Tấn, bà cùng các bạn hữu đến tận các bản làng xa xôi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai chia sẻ với đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề sau bão lũ như: Gửi tiền, tặng bò, lợn… để hỗ trợ sinh kế.

Đi đến chỗ nhà bị sập, hư phải sửa chữa thì sẽ chung tay giúp đỡ. Với bà, đó cũng là cách trả ơn cuộc đời vì nếu năm xưa cô bé nhà nghèo ấy không được những người thầy như Tư Long, Năm Truyền, Tám Đen phát hiện, dạy dỗ rồi sau này là các bầu show và khán giả yêu thương thì không thể có NSND Lệ Thủy hôm nay.

“Từ sự chỉ dạy tận tình của các thầy, sự chào đón của các ông bà bầu mà tôi có cơ hội bước vào nghề hát và thành danh, kiếm được tiền, thay đổi cuộc đời. Cái ơn mà cuộc đời dành cho tôi rất nhiều nên tôi thấy mình cần phải trả ơn khi có dịp”, NSND Lệ Thủy bày tỏ.

Cùng ra Hà Nội nhận Giải thưởng Đào Tấn 2024 với mẹ - NSND Lệ Thủy, nghệ sĩ Dương Đình Trí chia sẻ đó là niềm hạnh phúc, vinh dự không dễ ai có được. Dịp này anh nhận giải thưởng “Người kiến tạo chương trình nghệ thuật xuất sắc” ghi nhận việc Đình Trí đã sáng lập, đạo diễn chương trình “Bước chân hai thế hệ” và được khán giả yêu mến suốt 15 năm qua. Vốn được đào tạo về tân nhạc ở nước ngoài nhưng anh đã bỏ lại tất cả để theo đuổi đam mê với cổ nhạc.

“Tôi ảnh hưởng từ mẹ nhiều lắm, tiếng hát của mẹ đi vào lòng tôi từ lúc nhỏ xíu cho tới bây giờ. Nếu như không có mẹ thì có lẽ tôi không theo nghề này được. Bởi vậy, mẹ là thần tượng của tôi. Con đường tôi đi là để tiếp nối con đường nghệ thuật của mẹ. Tôi muốn xây dựng chương trình “Bước chân hai thế hệ” để trong thời điểm mẹ còn hoạt động nghệ thuật tôi có thể được cùng mẹ biểu diễn chung sân khấu - niềm hạnh phúc khó nói thành lời”, nghệ sĩ Dương Đình Trí chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ATACMS được bắn trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Lầu Năm Góc bác bỏ yêu cầu cấp ATACMS

GD&TĐ -Truyền thông Mỹ ngày 10/11 đưa tin: Lầu Năm Góc đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu cấp thêm tên lửa ATACMS của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.

Tiền đạo Viktor Gyokeres được cả Barca và Man United quan tâm.

Barca tranh ngôi sao với Man United

GD&TĐ - Tiền đạo Viktor Gyokeres của câu lạc bộ Sporting Lisbon được một loạt đội bóng lớn của châu Âu quan tâm.