Nỗ lực mang cải lương vào trường học

GD&TĐ - Với đam mê tìm hiểu văn hóa nghệ thuật truyền thống Nam Bộ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nghiên cứu sâu sắc về đờn ca tài tử và cải lương.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (ngoài cùng bên trái) trong chương trình vinh danh Văn hóa Nam Bộ năm 2015. Ảnh: NVCC
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (ngoài cùng bên trái) trong chương trình vinh danh Văn hóa Nam Bộ năm 2015. Ảnh: NVCC

Từ đó, ông sáng tạo chặp cải lương để giới thiệu với khách du lịch, đồng thời nỗ lực mang vào trường học, giúp học sinh thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc.

Yêu cải lương từ “gốc”

Sinh năm 1976 tại Tiền Giang, vùng quê sông nước, những tiếng hát, lời ru của bà, của mẹ đã thấm đượm trong tâm hồn của Hồ Nhựt Quang. Hồi nhỏ, Quang thường ngồi cạnh cha trong những buổi họp mặt với những người hàng xóm vào mỗi buổi sáng tinh sương. Họ uống trà với đường tán, bàn luận với nhau về chuyện từ thời khai khẩn hay kinh nghiệm làm nông. Những câu chuyện đó luôn được cậu bé Quang ghi nhớ sâu sắc.

Vào cuối năm 2 đại học, Hồ Nhựt Quang có cơ hội được nghe GS.TS Trần Văn Khê chia sẻ về văn hóa truyền thống Nam Bộ. Điều đó gợi lại những dấu ấn quen thuộc thời thơ ấu như lời ru của bà, buổi họp mặt của cha… để rồi chàng sinh viên Hồ Nhựt Quang quyết tâm theo đuổi mục tiêu bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Cùng với sự dạy dỗ từ người thầy là GS.TS Trần Văn Khê, Quang đã chuyên chú trên con đường tìm hiểu, giữ gìn văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là văn hóa Nam Bộ, tính đến nay đã hơn 20 năm.

“Những hình ảnh, thói quen sinh hoạt của ông bà, cha mẹ từ thuở nhỏ cùng những câu hát ru, buổi chuyện trò bên chén trà, gốc tre, bên dòng sông quê… đã ảnh hưởng nhiều vào sáng tác của tôi. Những điều ấy tưởng chừng rất bình dị, gần gũi, nhưng đã tạo thành cái gốc của cải lương trong tôi”, ông chia sẻ.

no-luc-mang-cai-luong-vao-truong-hoc-1-6105.jpg
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang hướng dẫn du khách tham quan Khu lưu niệm nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Ảnh: NVCC

Luôn tìm tòi, đổi mới

Hiện tại, công việc chính của Hồ Nhựt Quang là hướng dẫn viên của Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ do GS.TS Trần Văn Khê thành lập tại TPHCM năm 2014. Tuy công việc bận rộn, ông vẫn đều đặn tham gia nghiên cứu, giảng dạy về nghệ thuật truyền thống và văn hóa Nam Bộ.

“Là hướng dẫn viên du lịch, nên tôi có nhiều cơ hội giới thiệu văn hóa truyền thống Nam Bộ đến du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Tôi đã luôn tận dụng mọi cơ hội, tìm cách kết hợp cùng cộng đồng và các nhà lãnh đạo địa phương để mang chặp cải lương vào các tour du lịch miệt vườn”, diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, chặp cải lương là một hình thức ngắn gọn của cải lương truyền thống. Khác với một trích đoạn hoặc vở cải lương dài, chặp cải lương là có nội dung tóm tắt của một câu chuyện, nhân vật hoặc vấn đề, với thời lượng khoảng 7 phút. Tuy vậy, chặp cải lương vẫn sử dụng chữ đờn và giai điệu giống với cải lương và đờn ca tài tử… Điều đó khiến tác phẩm có thể dễ dàng tiếp cận khán giả, giúp người xem tận hưởng trọn vẹn, đảm bảo những đặc trưng riêng của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Trong số các điểm đến du lịch miệt vườn miền Tây, điểm du lịch cồn Thới Sơn tại Tiền Giang từng có hoạt động biểu diễn chặp cải lương và nhận được phản ứng tích cực từ du khách. Khi đó, Đài Truyền hình Sendai (Nhật Bản) đã ghi hình tác phẩm chặp cải lương “Tinh thần võ sĩ Masashige” do Hồ Nhựt Quang sáng tạo và biểu diễn để giới thiệu với người dân Nhật Bản. “Tinh thần võ sĩ Masashige” kể về huyền thoại bức tượng samurai đặt trước hoàng cung Nhật Bản từ thời Minh Trị.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một khán giả từng thưởng thức tác phẩm chặp cải lương “Tinh thần võ sĩ Masashige” do Hồ Nhựt Quang sáng tác chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất thú vị khi xem hai nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm này ở đường sách TPHCM. Tuy trên một sân khấu nhỏ, với thời lượng ngắn, nhưng tôi có thể hiểu được câu chuyện, hiểu được tinh thần nhân vật. Đây sẽ là một phương án tích cực giúp các bạn trẻ tiếp cận gần hơn với cải lương”.

Không dừng lại ở đó, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đang nỗ lực để mang cải lương vào học đường. Ông nhận được nhiều lời mời từ các trường học, trong đó có trường mầm non để chia sẻ về văn hóa và biểu diễn chặp cải lương. Ông chia sẻ: “Tôi và các anh em trong Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ luôn canh cánh về việc viết làm sao, diễn như thế nào để chặp cải lương trở nên gần gũi, dễ hiểu với các em. Nội dung của những tác phẩm chặp cải lương sẽ không mang nặng tính triết lý, giáo điều mà gợi lên được sự tò mò, yêu thích”.

Với mong muốn nghiên cứu và phát huy nghệ thuật bền vững và lâu dài, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang luôn suy nghĩ, tìm cách đổi mới cách tiếp cận để văn hóa truyền thống đến gần với khán giả, nhất là người trẻ hơn. “Người làm nghệ thuật truyền thống trong thời buổi này, phải luôn suy nghĩ, đổi mới, tìm cách làm phù hợp với thời đại để có thể lưu giữ và phát triển được văn hóa, đồng thời vẫn đảm bảo được tính kinh tế để có thể đi đường dài”, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang tâm niệm.

Chặp cải lương có thể hiểu là từng điệu nhạc dính lại với nhau, chặp lại với nhau thành một đoạn ngắn. Khác với đờn ca truyền thống là một điệu gì đó thống nhất như xàng xê thì xàng xê hết, còn chặp thì trích một đoạn xàng xê nối kết với nhau. Chặp cũng có thể hiểu hát từng chặp, ca từng chặp. Chặp cải lương thì ngắn. Vở cải lương dài hơn 90 phút, trong khi đó chặp cải lương có thể chỉ 10 - 15 phút. - ThS.NS Huỳnh Khải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ