Tiếng yêu đầu tiên với sân khấu của NSND Trọng Bình không gì khác mà chính là cải lương. Trong 30 năm gắn bó, dẫu gặp không ít lận đận, nhọc nhằn nhưng anh luôn nồng nàn cùng tiếng yêu: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn yêu và đắm say với cải lương!”.
Ấn tượng đầu đời
“Với tôi, đời làm nghệ thuật thật sung sướng, lúc thì được làm cha, làm chồng, làm con, làm vua; lúc làm kẻ đê hèn, hiểm ác, lúc làm trung thần dốc một lòng cho non sông đất nước. Tôi hạnh phúc khi được sống trong nhân vật và cất giọng thể hiện các làn điệu của cải lương rồi tung hứng cùng đạo diễn, bạn diễn…”. NSND Trọng Bình
Tiếng yêu ấy bắt đầu từ khi nào ư? Từ lúc mười ba, mười bốn, ở làng Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội (hồi cuối những năm 1980) có cậu bé tên Trọng Bình mê đắm những câu vọng cổ. Đấy là kết quả của những buổi chui rào, đặt gạch, núp đống rơm ở sân kho nhận chỗ xem Đoàn Cải lương Trung ương biểu diễn: “Đôi dòng sữa mẹ”, “Mùa tôm”, “Khúc hát tình đời”...
Từ đó, cậu không bỏ sót những buổi Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” vào trưa thứ 3 và chiều thứ 6 hàng tuần. Kể cả có hôm đang đạp xe đi học về giữa trưa nắng (11 giờ 30 phút) thì nghe tiếng loa hợp tác xã phát chương trình, biết bố mẹ sẽ kêu ca nhưng Trọng Bình vẫn đứng lại nghe hết rồi mới về nhà.
Cậu thuộc cả lời những bài ca cổ như: “Cau Hà Châu têm trầu Xuân Mỹ”, “Chung gánh nước non”, “Cô gái tưới đậu”… Nhất là mỗi thứ Bảy, cậu rất chăm sang nhà hàng xóm quét sân, băm rau lợn giúp để tối xem nhờ tivi và mê tít những vở cải lương như “Bên cầu dệt lụa”, “Đời cô Lựu”, “Lan và Điệp”, “Tô Ánh Nguyệt”…
Lúc học xong cấp 3, Trọng Bình được bố mẹ định hướng thi sư phạm và cậu cũng tỏ vẻ thuận theo. Nhưng đến hạn cuối nộp hồ sơ, cậu bất ngờ rẽ lối sang sân khấu, điện ảnh, thi tuyển diễn viên theo chương trình phối hợp đào tạo giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh.
NSND Trọng Bình. Ảnh: NVCC |
Xuất sắc vượt qua hàng trăm người, Trọng Bình đứng ở tốp đầu 26 thí sinh trúng tuyển. Thế là, suốt 4 năm trời, ban ngày cậu đạp xe một vòng từ Sài Đồng sang Mai Dịch (chừng 50 km) để theo đuổi đam mê nghệ thuật, tối đến đi làm tại Công ty Kim khí Thăng Long. Tiền lương công nhân cậu góp gom phụ giúp cha mẹ còn học bổng hạng A cậu để trang trải cho việc học hành.
Sau bao dìu dắt của những người thầy tâm huyết, tài năng như Triệu Quang Vinh, Kim Huệ, Khánh Vinh…, Trọng Bình tốt nghiệp loại ưu và đầu quân về Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ở đây, anh tiếp tục được các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội như: Tiêu Lang, Kim Xuân, Sĩ Hùng, Sĩ Tiếp, Sĩ Bình, Hải Tí, Khôi Nguyên, Ngọc Trai… chỉ bảo tận tình từ ca hát đến diễn xuất.
Anh vẫn nhớ, lúc đó, nhiều thầy gần tuổi 90 nhưng sáng nào cũng đúng 5 giờ chống gậy đến đầu giường gọi nhóm “lính mới” dậy luyện hơi… Bình thường tay chân của các thầy đã run nhưng khi lên sân khấu để thị phạm thì hoạt bát, nhanh nhẹn để có thể rút hết tâm can truyền lại cho thế hệ sau.
Và, vai diễn đầu tay ra mắt Hội đồng Nghệ thuật nhà hát của Trọng Bình là Ngũ Tử Tư trong vở “Tàn phá Cô Tô” do NSƯT Sĩ Hùng truyền dạy hát, múa. Lúc đó, anh mới 21 tuổi song phải hóa thân thành ông già tóc bạc phơ mang theo thanh gươm vào can gián Ngô Phù Sai mê đắm Tây Thi mà quên đi việc nước nhưng bất thành. Cùng với đó, anh phải hát Tây Thi Quảng – một lối hát rất khó mà giờ đây ở phía Bắc gần như ít ai có thể đàn được để cất tiếng ca.
Trước giờ vào thi, Trọng Bình đã khá hồi hộp. Thế mà lúc ra sân khấu anh đã hóa thân vào nhân vật theo tinh thần: Liều một phen! Kết thúc vai diễn anh lại run bắn chờ các thầy đánh giá. Thật mừng là hội đồng nghệ thuật của nhà hát toàn cây đa, cây đề đã dành không ít lời khen “thằng bé con làm vai đó quá hay”. Đây cũng là ấn tượng đầu đời Trọng Bình nhớ mãi không quên.
Mỗi nhân vật một màu
Khi chính thức được tuyển dụng vào Nhà hát Cải lương Việt Nam, Trọng Bình và nhóm bạn cùng trang lứa cũng rất tài năng, mỗi người mỗi vẻ như Mạnh Hùng, Thiên Hoa, Thu Trang, Anh Tuấn, Minh Hùng, Phương Nga… là những nòng cốt đầu tiên của đoàn 2 - nay là đoàn truyền thống. Vượt qua bao khó khăn, họ góp sức không nhỏ vào sự phát triển của nhà hát trong những thập kỷ qua.
Với Trọng Bình, đã có thời điểm anh phải làm nhiều nghề (kể cả việc quét dọn ở ga Hàng Cỏ) để mưu sinh nhưng chưa khi nào anh nghĩ đến việc rời bỏ cải lương. Bằng sở trường vai kép độc, lão độc, lão mùi, anh có nhiều vai diễn mà bạn bè, đồng nghiệp phải nể.
Chẳng hạn như thái giám Lương Đăng trong vở “Bên ánh sao Khuê”, ông Cơ trong “Hà Nội gió mùa”, Nguyễn Lê trong “Vua Thánh triều Lê”, Thục Phán trong “Chiếc áo thiên nga”, phú ông trong “Cổ tích tình yêu” hay Trần Thiệp trong “Bão ngầm”…
NSND Trọng Bình hóa thân thành Nguyễn Lê lúc thanh niên và khi già trong vở cải lương 'Vua Thánh triều Lê'. Ảnh: Bình Thanh |
Với vai phú ông ở “Cổ tích tình yêu”, anh hóa thân thành lão nhà giàu cóc cáy không biết chữ, dùng tiền để mua chức tước. Anh đã tạo hình nhân vật đó có dáng đi không bình thường – cái cổ lắc lắc, môi bĩu ra, đầu nghênh nghênh…
Để có thể lên sàn diễn một cách tự nhiên, anh đã tập luyện cả tháng trời, nhất là động tác cổ lắc lắc dù chóng mặt cũng vẫn cố gắng vì điều anh muốn vươn tới là: Mỗi nhân vật cần có một màu sắc riêng biệt. Bằng vai diễn này anh đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng giải Nghệ sĩ xuất sắc năm 2012.
Vai Nguyễn Lê trong “Vua Thánh triều Lê” cũng là vai khó khi Trọng Bình vừa phải thể hiện phong thái hào hoa, phong nhã vừa có sự thâm trầm, đểu giả. Anh tìm đọc “Truyện Kiều”, chú ý nhân vật Kim Trọng và cả Sở Khanh.
Rồi khi Nguyễn Lê trở thành lão già lại là những cái nghiến răng, giậm chân, phẩy quạt được anh tập đến mức tay bên phải bị tê liệt. Từ những tâm huyết ấy, vai diễn mang đến cho anh tấm huy chương đầu tiên trong hành trình chinh phục hội diễn lớn nhất của cải lương.
Đó là Huy chương Bạc tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Đón nhận thành quả đầu tiên đó, anh đã vô cùng hạnh phúc để tiếp tục nỗ lực và đến năm 2018 giành Huy chương Vàng cũng tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với vai Thục Phán trong “Chiếc áo thiên nga”.
Với vai ông Cơ trong “Hà Nội gió mùa”, anh trở thành một tiểu tư sản ở Hà Nội (trước năm 1954) vì mắc sai lầm lập “phòng nhì” mà phải gánh chịu nỗi đau có hai người con ở hai chiến tuyến. Để thấu cảm chiều sâu tâm trạng nhân vật, hàng đêm Trọng Bình lặng lẽ một mình dạo bước trên phố Bà Triệu (xưa là phố Gia Long – một bối cảnh của vở diễn).
Hương hoa sữa, hơi lạnh đêm Đông cứ thế ùa vào để anh bật ra cảm xúc cô đơn, lạnh lẽo của một người chồng, người cha lỗi lầm, mất phương hướng. Vai diễn này cũng đem đến cho anh Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô Hà Nội lần thứ nhất, 2014.
Với những vai diễn hiện đại như ông Cơ hay Trần Thiệp trong “Bão ngầm”, việc mặc comple và hát cải lương chưa bao giờ là dễ. Vậy nhưng, anh vẫn luôn để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả vì luôn lao động nghiêm túc và cầu toàn.
Anh hiểu rằng, với vai diễn lịch sử truyền thống cần có sự khoa trương, cách điệu từ lời nói đến hành động thì vai diễn hiện đại cần điều tiết và cố gắng đạt được sự tự nhiên như đời thường thì mới không bị giả, cứng.
Cùng với các diễn xuất chân thực, sinh động; giọng hát truyền cảm, khỏe khoắn, Trọng Bình còn có cách biểu đạt cảm xúc nhân vật từ ác đến hiền, từ trí thức đến nông dân qua đài từ rất đặc sắc.
Để có được thành công đó, anh đã phải khổ luyện rất nhiều. Nhận kịch bản là anh dành thời gian nghiên cứu, nghĩ về vai diễn xem nhân vật xuất xứ từ đâu, già hay trẻ, vào thời nào để lựa chọn cho mình cách thể hiện không chỉ ra vai mà còn phải độc đáo.
“Mỗi vai diễn tôi đều trăn trở, sống với nó, đào sâu, nghiên cứu về nó, thả mình theo dòng chảy của nhân vật, lưu ý trong lớp diễn cần nhấn chỗ nào, trong vở diễn cần tô đậm ở cảnh nào; trong khúc hát, câu nói cần bổng trầm ở đâu… Ngoài ý thức từ bản thân phải tư duy khác đi, đổi màu, không được phép trùng lặp vai diễn, tôi còn thường xuyên được đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai hối thúc vì cứ vai nào mang dáng vẻ các vai trước đó là chị ấy gạt đi”, NSND Trọng Bình tâm huyết nói.
* * *
Năm 2024 vừa gõ cửa, Trọng Bình liền nhận tin vui: Anh là một trong 42 nghệ sĩ được phong tặng dang hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” đợt 10. Vậy là, sau bao năm bền bỉ cống hiến cùng không ít thành công, anh đã được ghi nhận, tôn vinh. Cùng với lòng biết ơn cha mẹ, tổ nghề, các thầy nghề, đồng nghiệp và gia đình, anh bày tỏ rằng, trách nhiệm với danh hiệu cao quý này lớn lắm.
“Được nhận danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” là niềm hạnh phúc đối với bất cứ nghệ sĩ nào. Cùng với đó còn là trách nhiệm “xứng đáng” với danh hiệu, được thể hiện qua việc không ngừng lao động sáng tạo nghệ thuật, tiếp tục cống hiến bằng vai diễn xuất sắc, chứ không phải là những lơ là trên đỉnh vinh quang.
Khi xuất hiện trước công chúng, dù vai phụ hay bài hát nhỏ tôi luôn đau đáu suy nghĩ để có được sự chuẩn chỉ, cuốn hút. Đặc biệt trong tôi luôn là cảm xúc hồi hộp, nếu không còn cảm xúc đó mình bị chai lì, lặp lại và thành thợ diễn vô hồn thì thật đáng sợ!”, NSND Trọng Bình bày tỏ.
Đón năm mới, NSND Trọng Bình cũng có nhiều dự định. Ở nhà hát, khi chuyển sang công tác quản lý, anh lui về hậu trường, nhường sân cho thế hệ trẻ, đồng thời tích cực tham gia hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với đồng nghiệp; dìu dắt người trẻ vào nghề.
Với riêng bản thân, anh vẫn tham gia biểu diễn ở các sân khấu nhỏ, đồng thời cần mẫn tập luyện những vai độc diễn, thậm chí còn một mình đóng hai vai cùng kỳ vọng sẽ đem đến sự bất ngờ mới cho khán giả…
“Trọng Bình là nghệ sĩ rất tài năng, đam mê, tâm huyết và có máu lửa với nghề. Với sở trường vai lão, kép độc, khi diễn, Bình có khả năng nhập đồng rất giỏi nên luôn thăng hoa, phát tiết rất mạnh, đạt được đỉnh cao. Trong quá trình lao động nghệ thuật, bạn ấy vô cùng trách nhiệm, sống chết với nghề, bất chấp tất cả. Tôi vẫn nhớ lần tập vở “Chiếc áo thiên nga”, Bình bị cơn đau cấp làm mặt đỏ bừng bừng, huyết áp tăng cao vậy mà vẫn nén đau để tập. Tôi giục vào viện mà bạn ấy vẫn chạy vai Thục Phán cho đến khi vở diễn hoàn thành thì mới chịu. Trọng Bình là vậy, đã sáng tạo nghệ thuật là sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mạng…”. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam