:

'Nóng' việc giữ chân lao động dịp Tết ở khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang

GD&TĐ - Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có khoảng 600 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp.

Công nhân, lao động sản xuất tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.
Công nhân, lao động sản xuất tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Đến hẹn lại lên, việc “giữ chân” người lao động dịp Tết lại “nóng”. Các ngành chức năng, cùng các doanh nghiệp đã đề ra các giải pháp để giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt lao động.

Quan tâm lương, thưởng dịp Tết

Với khoảng 306 nghìn lao động trong các đơn vị doanh nghiệp, trong đó có gần 190 nghìn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, Bắc Giang đưa ra nhiều giải pháp cùng chính sách nhằm giữ chân người lao động.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang cho biết, tỉnh tập trung triển khai nhiều phiên giao dịch việc làm trên địa bàn các huyện, thành phố.

“Ngày 4/12 tới đây, Sở tổ chức ngày hội việc làm tại huyện Lục Nam. Qua đó, để điều tiết lao động, khi doanh nghiệp có các đơn hàng tốt hỗ trợ, kết nối tạo việc làm cho người lao động...”, ông Trần Văn Hà chia sẻ.

Ông Trần Văn Hà đánh giá, dịp Tết năm nay khó có nhiều hình ảnh công nhân tăng ca liên tục để doanh nghiệp kịp giao hàng cho đối tác. Bởi có doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm tăng ca. Theo ông Trần Văn Hà, việc lao động quan tâm nhất vẫn là cơ hội việc làm và thưởng Tết.

“Sở có văn bản gửi đến Ban Quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp về việc đề nghị quan tâm lương, thưởng cho người lao động. Đặc biệt là người lao động trực Tết, làm việc dịp Tết...”, ông Trần Văn Hà nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, tỉnh đã thành lập các tổ hỗ trợ doanh nghiệp về vận chuyển, nhập khẩu nguyên vật liệu hoặc tuyển dụng lao động. Nếu thiếu nguyên vật liệu đầu vào, tổ này sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành Trung ương như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn.

Ông Ngọc cũng cho biết, nếu cùng kỳ năm 2021 có khoảng 192 nghìn lao động làm việc tại gần 400 doanh nghiệp nhưng nay chỉ khoảng gần 190 nghìn lao động. Vì vậy, Bắc Giang triển khai các giải pháp, chính sách chủ động nhằm giữ chân người lao động từ doanh nghiệp và chính quyền địa phương, góp phần giảm nguy cơ thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp.

Cân bằng lợi ích các bên

Với 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động trên tổng số 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tỉnh Bắc Ninh đã đáp ứng nhu cầu việc làm cho hơn 300 nghìn lao động.

Bên cạnh việc tận dụng tối đa lợi thế sẵn có, chính quyền, doanh nghiệp và người lao động tại Bắc Ninh đã, đang triển khai các giải pháp, chính sách giữ chân người lao động để phát triển công nghiệp bền vững. Đồng thời, góp phần ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt nguồn lao động sản xuất trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu.

Ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết, thời gian tới số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ.

Vì vậy, Bắc Ninh đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nâng cao tay nghề, đào tạo kỹ năng nghề được coi là giải pháp trọng tâm để phục hồi bền vững thị trường lao động thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Kim Triều, bài toán bảo đảm cung cầu nguồn lao động phục vụ sản xuất lâu dài cần sự cân bằng giữa lợi ích của người lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ, bộ, ngành và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế, mặt bằng… để từ đó doanh nghiệp có thể chia sẻ lại cho người lao động.

Đồng thời, việc thu hút người lao động bằng mức lương hấp dẫn nhưng không tạo công việc đều đặn, thu nhập không tăng theo thời gian hoặc môi trường làm việc quá khắc nghiệt sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị người lao động “rời bỏ” không quay lại.

Nắm bắt được thực trạng trên, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng đều các hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút người lao động. Tỉnh Bắc Ninh đã triển khai các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, công nhân và người lao động nhằm điều chỉnh chính sách, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời tới các cá nhân và tập thể.

Đồng thời, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với địa phương. Ngoài ra, Bắc Ninh đã hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh với tổng số lao động đủ điều kiện được phê duyệt là 163.619 lao động. Với tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ gần 200 tỷ đồng.

Tại Bắc Ninh, các cấp ngành địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 8.100 đơn vị, doanh nghiệp; 368 hộ kinh doanh và hơn 604 nghìn người...

Các dự án FDI đang hoạt động tại tại các khu công nghiệp Bắc Ninh phát huy hiệu quả và tiếp tục tăng vốn đầu tư, tuyển dụng lao động số lượng lớn, mở rộng quy mô sản xuất… Tính riêng 10 tháng năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh đạt 1,85 tỷ USD, trong đó số vốn điều chỉnh tăng thêm là 1,636 tỷ USD.

Đến hết quý III/2022, các khu công nghiệp Bắc Ninh sử dụng tổng 314.644 lao động; trong đó lao động địa phương là 85.843 người (chiếm 27,82%), lao động nữ là 174.649 người (chiếm 55,50%), lao động nước ngoài 6.498 người (chiếm 2,065%).

Trong đó, khu công nghiệp Quế Võ với 106.815 lao động và Yên Phong với 90.096 lao động là 2 cụm công nghiệp sử dụng nhiều nhân lực nhất. So với với quý II/2022 thì tổng số lao động tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh giảm 5.417 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ