Người lao động 'lao đao' với khó khăn kép

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những khó khăn của đại dịch Covid-19, NLĐ vẫn chưa kịp vực dậy thì giờ đây làn sóng thất nghiệp ập đến khiến họ đứng trước tình cảnh giảm thu nhập.

Nhiều lao động phải nghỉ Tết sớm do làn sóng cắt giảm lao động.
Nhiều lao động phải nghỉ Tết sớm do làn sóng cắt giảm lao động.

Làn sóng cắt giảm lao động, nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến các doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động (NLĐ).

Không có đầu vào để sản xuất

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm về công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TPHCM, Tây Ninh, Cần Thơ... đều có tình trạng cắt giảm nhân sự. Điều này chủ yếu xảy ra ở những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, quần áo, da giầy, đồ dùng điện tử.

TS Vũ Minh Tiến cho rằng, làn sóng cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến biến động thị trường. Từ đó đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều đơn vị còn không có đầu vào để sản xuất. Có thể nói là cả đầu vào và đầu ra đều rất khó đối với rất nhiều doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam lại làm gia công rất nhiều.

“Những khó khăn của đại dịch Covid-19, NLĐ vẫn chưa kịp vực dậy thì giờ đây làn sóng thất nghiệp ập đến khiến họ đứng trước tình cảnh giảm thu nhập. Thậm chí mất việc khi những ngày cuối năm cận kề”. Ông Tiến cho rằng, đây thực sự là một khó khăn kép.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Tiến, việc phải cắt giảm nhân sự cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Có thể bây giờ sản xuất kinh doanh đình trệ không xuất khẩu hàng được, nhưng đến khi có đơn hàng lại thì khó tìm lao động. Chính bởi lý do này, nên dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện các doanh nghiệp, chủ lao động vẫn cố gắng tìm ra những phương án tốt nhất để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hết phép năm 2022 cho NLĐ và tiếp tục ứng phép năm 2023 để giữ chân họ ở lại doanh nghiệp và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mục đích để chờ đợi các đơn hàng mới trong thời gian tới.

Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, TS Vũ Minh Tiến cũng khẳng định, đây là thời điểm mà các cấp công đoàn phải nêu cao vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Các cấp công đoàn phải phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt chế độ chính sách, phải công khai cho NLĐ, để chính NLĐ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Bên cạnh những doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, NLĐ bị cắt toàn bộ giờ làm thêm, vẫn còn nhiều đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng nhân sự, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận các đơn hàng tuyển dụng từ phía doanh nghiệp nhiều hơn so với những tháng trước đây.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết, về mặt bằng chung, thị trường lao động Hà Nội từ nay đến cuối năm vẫn có sự sôi động nhất định. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đều đặn.

Trao đổi về tình trạng một số doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt, ông Thành cho rằng có thể do thiếu đơn hàng hoặc nguyên vật liệu. Ngoài ra, do biến động về tình hình thế giới, một số nước như Mỹ và một số nước châu Âu có hiện tượng lạm phát, vì thế nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam có những đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này đã chịu những sự ảnh hưởng nhất định.

Ông Vũ Quang Thành cũng cho biết, căn cứ diễn biến trên thị trường lao động, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tiếp tục tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các nhóm đối tượng phù hợp. “Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, tập trung tối đa để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và NLĐ tìm kiếm việc làm. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng đủ lực lượng lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, còn NLĐ sẽ tìm kiếm được việc làm, bảo đảm cho thu nhập, ổn định cuộc sống dịp sát Tết”, ông Thành chia sẻ.

Duy trì việc làm

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH sau Kỳ họp thứ 4 ở Thanh Hóa mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua, thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong đó, xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt vấn đề như dầu mỏ, khí đốt, lạm phát…

Bộ trưởng trăn trở về việc thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, công nhân bắt đầu bị giảm giờ làm, thậm chí có những công nhân đã nghỉ Tết sớm. Trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến những biến động khôn lường của tình hình thế giới, Bộ trưởng đánh giá, Việt Nam đã điều chỉnh chính sách rất tốt, giúp ổn định tình hình trong nước.

Điều quan trọng nhất là đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn, mục tiêu không để ai đói, thiếu ăn. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, ban hành hàng loạt chính sách, đảm bảo an sinh xã hội cho hơn 50 triệu người dân cả nước.

Tuy nhiên, tình hình hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn vào thời điểm này. Quan điểm của Chính phủ là tìm mọi cách ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn ổn định được kinh tế vĩ mô thì phải ổn định được nền tảng của các địa phương, phải giữ bằng được giá trị đồng tiền Việt Nam. Ngoài ra, phải giữ được nguồn bảo đảm những nhu cầu thiết yếu về lương thực, xăng dầu, đảm bảo an toàn chính sách tiền tệ...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, bằng mọi cách phải duy trì việc làm cho NLĐ và bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, giữ chân NLĐ, giữ chân công nhân trong các nhà máy và bảo đảm cho mọi người có Tết.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh tiền lương cơ sở. Đây là việc đã được bàn nhiều. Việc điều chỉnh tiền lương cơ sở thời điểm này là cần thiết. Ngoài ra, phải chăm lo ngay phụ cấp cho ngành y, giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó là giải quyết những vấn đề về thiếu thuốc men, thủ tục, đấu thầu y tế.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Việt Nam làm rất tốt chính sách an sinh xã hội. Mức lương của công nhân đã tăng tới 19,5%. Khu vực dịch vụ công nghiệp, dịch vụ du lịch, lực lượng lao động trở lại làm việc đạt 19,8 triệu lượt người. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý về vấn đề phụ cấp đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên THCS, THPT là rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.