Giữ chân lao động bằng… cải cách tiền lương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính sách tiền lương tạo cho NLĐ nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng bảo đảm để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ.

Tăng lương cơ sở là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Tăng lương cơ sở là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Chính sách tiền lương cũng là chính sách tạo cho người lao động (NLĐ) nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng bảo đảm để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc đưa nội dung về điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý. Mục đích tạo ra động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm bớt hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong đó, số lượng công chức, viên chức xin thôi việc chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2022.

Về nguyên nhân, bà Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, do yếu tố khách quan, tác động của đại dịch Covid-19 đã tác động trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, chi phối, tác động đến cả đội ngũ cán bộ, đặc biệt là công chức, viên chức, nhất là viên chức phải chịu áp lực rất lớn về công việc. Áp lực này rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, giáo dục.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, giải pháp được đưa ra là cần tập trung quan tâm, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó việc điều chỉnh mức lương cơ sở cũng là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, cần phải xem xét lại một cách tổng thể và toàn diện về công tác tuyển dụng, công tác sử dụng và công tác quản lý. Phải nhìn nhận một cách khách quan và công tâm về vấn đề này để thay đổi một cách toàn diện, đặc biệt là vấn đề tuyển dụng đối với công chức, nhất là đối với hệ thống viên chức đang thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ công ích trong bối cảnh của cơ chế thị trường. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc văn hóa, xây dựng môi trường thân thiện để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng chia sẻ thêm, trên thế giới tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc cũng rất phổ biến, ví dụ như Pháp; Singapore… Mặc dù là những quốc gia có nền công vụ rất tốt thế nhưng tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Do vậy, cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, bảo đảm được sự cạnh tranh rõ ràng, công bằng giữa khu vực công, khu vực tư, để giữ chân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng cao…

Cạnh tranh để có được nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các khu vực

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV bày tỏ đồng tình với những nguyên nhân, giải pháp do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Nội vụ đã vào cuộc giải quyết câu chuyện biên chế cho ngành Giáo dục cũng như ngành y tế và vấn đề chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV cũng nêu vấn đề, hiện nay xu hướng dịch chuyển nhân lực từ khu vực này sang khu vực khác, đó là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường. Tiêu chí đặt ra ở đây là vấn đề môi trường làm việc, thu nhập. Bà Hoa lưu ý, nên nhìn thấy việc cạnh tranh để có được nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các khu vực.

Ngoài ra, thực trạng đội ngũ giáo viên thiếu đang là thách thức đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là tình trạng thừa, thiếu cục bộ. “Thời gian gần đây, bên cạnh thiếu giáo viên do tinh giản biên chế, ngành Giáo dục đang phải đối mặt với một câu chuyện khác, đó là tỷ lệ giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tăng nhiều, thậm chí là số lượng này đang chiếm số lượng chính trong trong tổng số nghỉ việc, chuyển việc chung chung của Nhà nước…”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết.

Lo ngại về nguồn để tuyển bổ sung rất hiếm và có thể nói là không đáp ứng, bà Hoa đề nghị, cần có những giải pháp tức thì. Có thể bằng Nghị quyết của Quốc hội hoặc là giải pháp khác để tuyển dụng ngay những giáo viên dưới chuẩn nhưng với một cam kết trong thời gian lộ trình từ nay đến năm 2030 phải bổ sung đầy đủ trình độ, đúng chuẩn.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023. Ông Tuấn cho rằng, sau khi Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, giờ đã đến lúc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách Nhà nước cần được quan tâm xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Hiện, lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc nhất là công chức, viên chức ngành y tế. Do vậy việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực hiện nay.

Cũng theo ông Tuấn, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào 1/7/2019. Vì vậy, nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào 1/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ thì phải sau 4 năm lương công chức, viên chức mới tăng được 20,8%. Trong khi đó các chỉ số tiêu dùng tăng qua các năm bình quân là 11,8%;…

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh nhấn mạnh về con số, theo thống kê đã có gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống. Vì vậy, để kéo dãn chênh lệch mức lương giữa khu vực công và tư, góp phần ngăn chặn sự dịch chuyển này cần quan tâm kịp thời đến các chế độ đãi ngộ, trong đó có việc điều chỉnh lương cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?