Đó là câu trả lời chất vấn của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn liên quan đến câu hỏi về việc chuyển đổi cơ cấu Dự án của Công ty CP Chăn nuối bò Bình Hà.
Nên dừng dự án không?
Ngày làm việc thứ 2, phiên chất vấn giữa các đại biểu hỏi và trả lời tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII nóng về Dự án chăn nuôi bò Bình Hà. Lâu nay, nhân dân Hà Tĩnh đã nhìn thấy dự án này chết yểu khi doanh nghiệp không còn khả năng duy trì, phát triển, thậm chí dư luận còn hoài nghi việc họ xây dựng dự án chỉ
để vay vốn ngân hàng?
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt câu hỏi về tính khả thi của dự án cũng như việc công ty này tự ý chuyển đối cơ cấu sản xuất, như vậy có phù hợp? Rồi vấn đề lãng phí tài nguyên đất, đất hoang hóa nhiều diện tích tại hai huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, trong khi đó người dân lại thiếu đất sản xuất? Tương lai, cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp nào cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển hay buộc phải dừng dự án?
Từ những câu hỏi của đại biểu, nhìn lại dự án đầu tư bò Bình Hà. Dự án hứa hẹn đem lại lợi nhuận từ 1.000 – 1.4000 tỷ đồng/năm, sau gần 3 năm hoạt động (2015-2018) kết quả thu được là những nỗi thất vọng ê chề. Theo đó, Công ty Bình Hà thừa nhận, dự án nuôi bò chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Quy mô tổng đàn bò của dự án chỉ đạt 6% tương tương 15.000 con bò/năm so với cam kết tổng đàn 254.200 con bò/năm. Ngoài ra, công ty chưa phát triển được mô hình liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân như cam kết; chưa phát triển được vùng sản xuất công nghệ cao… Hoạt động kinh doanh năm 2016 của công ty lỗ hơn 200 tỷ đồng. Rồi tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân mất đất sản xuất, làm giảm tiến độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo luật phải xử phạt...
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng: Ngay từ đầu, trong việc thu hút đầu tư, Hà Tĩnh luôn mong muốn sẽ có một doanh nghiệp lớn đầu tư về nông nghiệp để làm “đầu kéo” cho ngành đi lên. Tuy nhiên, do đổi chủ sở hữu, điều hành nhiều lần dẫn đến quá trình vận hành, phát triển giảm sút…
Liên quan đến công ty tự ý chuyển đổi từ trồng cỏ sang chuối vào tháng 9/2017, việc này cơ quan chức năng đã vào kiểm tra nhiều lần. Tuy nhiên, phải chia sẻ cho doanh nghiệp, giai đoạn đó công ty có vấn đề về nhân sự nên có sự lúng túng trong xử lý, điều hành phát triển, sản xuất – ông Việt nói.
Tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Việt thừa nhận, việc doanh nghiệp tự ý chuyển từ trồng cỏ sang chuối là vi phạm trong luật đầu tư, theo luật là phải xử phạt. Tuy nhiên, lúc doanh nghiệp gặp khó khăn mà cơ quan nhà nước bỏ bê chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”. Vì vậy, tỉnh cần đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho công ty khi họ đang lầm vào cảnh “sa cơ lỡ vận”.
Ông này cũng cho rằng, việc doanh nghiệp chuyển đổi cây trồng mà ở đây là chuối cao sản, theo thẩm định, chuối này có nguồn gốc tại Việt Nam, không thuộc trong danh mục ngoại lai xâm hại, giống chuối lại phát triển trên đất bình thường, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Căn cứ vào pháp lý, nếu nhà đầu tư đưa giống chuối vào trồng trong việc thay đổi cơ cấu sản xuất thì chúng tôi chấp thuận.
Soát xét lại diện tích đất đai, cho rằng dự án nuôi bò đã lãng phí tài nguyên đất, trong khi người dân không có đất để tái sản xuất. Ông Nguyễn Văn Việt cũng trả lời, việc công ty lấy đất họ đã làm đúng quy trình về giải phóng mặt bằng và bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, hiện diện tích đất đang bỏ hoang nhiều vị trí, thì nhà đầu tư cần điều chỉnh lại quy mô báo cáo Sở và UBND tỉnh, để có quá trình thẩm định, rà soát cẩn thận.
“Việc doanh nghiệp Bình Hà chuyển từ cỏ sang trồng chuối, muốn khẳng định giống này phát triển tốt không thì cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát thường xuyên. Được biết, diện tích đang duy trì là hơn 200ha, nếu tốt sẽ là việc mở cho tái cơ cấu của công ty cũng như cho phép điều chỉnh dự án” - ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
"Từ khi dự án này xây dựng lên, công ty chưa hề được hưởng bất kỳ một chính sách ưu đãi nào từ cơ quan quản lý nhà nước” – ông Sơn khẳng định.
Kết thúc phiên chất vấn đối với ngành nông nghiệp, ông Đặng Ngọc Sơn mong muốn, “Sắp tới, tỉnh, các ngành liên quan hãy tạo điều kiện tốt cho Công ty cổ phần Chăn nuôi bò Bình Hà tiếp tục đầu tư, phát triển. Giúp doanh nghiệp lúc khó khăn đó là điều khẳng định môi trường đầu tư của tỉnh tốt. Vai trò của ngành chức năng là quản lý ổn định diện tích đất hiện tại của doanh nghiệp. Còn việc công ty yêu cầu tái cơ cấu cây trồng thì cần xem xét, theo dõi, hỗ trợ tối đa”.
“Còn thực hiện tái cơ cấu như thế nào là thuộc về doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước, trong phạm vi có thể, tỉnh sẽ hỗ trợ hết sức. Tôi hứa trong tháng 8/2018 sẽ liên hệ với công ty để có phương án tái cơ cấu sản xuất cụ thể” – ông Đặng Ngọc Sơn kết luận.