Đề xuất phụ cấp ưu đãi tiếp thêm động lực cho nhà giáo

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo.

Giáo viên mầm non được quan tâm đặc biệt trong đề xuất mức phụ cấp ưu đãi. Ảnh minh họa: INT
Giáo viên mầm non được quan tâm đặc biệt trong đề xuất mức phụ cấp ưu đãi. Ảnh minh họa: INT

Theo đó, dự thảo đề xuất phụ cấp nhà giáo ở mức 25 - 100% tùy đối tượng. Đề xuất này được đội ngũ nhà giáo, chuyên gia hoan nghênh và đánh giá cao.

Nâng cao đời sống

25 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen, thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề dạy học. Thầy Hùng đã từng đề xuất Đảng, Nhà nước có chế độ, chính sách thiết thực hơn để nâng cao đời sống giáo viên.

“Dù mới là dự thảo đề xuất nhưng với chúng tôi, nó như một món quà tinh thần trong những ngày cuối năm. Điều đó thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ GD&ĐT với đội ngũ giáo viên. Chúng tôi không cô đơn, không một mình trên hành trình “gieo chữ”. Trên hành trình ấy, luôn có sự thấu cảm, đồng hành của các cơ quan quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, để chúng tôi yên tâm công tác, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp “trồng người” – cô Hòa trải lòng.

Cô Hòa đang hưởng mức phụ cấp ưu đãi 35%. Nếu theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, mức phụ cấp này sẽ là 70%. Cô Hòa mong đề xuất này sớm thành hiện thực, để thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là với giáo viên trẻ mới vào nghề được cải thiện. Tạo động lực để các cô thêm yêu, gắn bó, tâm huyết với nghề.

Lý giải về đề xuất của mình, thầy Hùng cho hay: Thực tế mức lương của giáo viên còn thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Đây chính là lý do khiến nhiều người phải bỏ nghề, rẽ sang hướng khác và không đi hết được con đường đã chọn – dù vẫn còn yêu nghề. Nhiều giáo viên dù vẫn “bám trụ” với dạy học nhưng phải làm thêm nghề khác để bảo đảm cuộc sống.

“Nếu không kịp thời có những chính sách hỗ trợ cho giáo viên thì số lượng giáo viên bỏ việc những năm tới chắc chắn còn gia tăng. Sự nghiệp đổi mới giáo dục sẽ đi về đâu nếu số lượng giáo viên đứng lớp không đủ ở các nhà trường?” – thầy Hùng trăn trở, đồng thời bày tỏ vui mừng và hạnh phúc khi biết Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo.

Theo đó, phụ cấp ưu đãi của nhà giáo sẽ ở mức 25 - 100% tùy đối tượng. Nếu đề xuất này thành hiện thực sẽ cơ bản khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo. Từ đó, tạo công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho đội ngũ.

Mấy ngày qua, cô Trần Thị Hiền Hòa – giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) cùng các đồng nghiệp không giấu nổi niềm vui khi nhận được thông tin Bộ GD&ĐT dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Với cô Hiền Hòa đây là những thông tin vui nhất trong tuần.

Tạo hành lang pháp lý

Ông Hoàng Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nhìn nhận, chính sách đặc thù thu hút, giữ chân giáo viên đã lạc hậu, chậm được điều chỉnh, bổ sung. Nhiều nơi giáo viên không được hưởng chế độ, chính sách do đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn. Để từng bước tháo gỡ, ông Khánh đề nghị, ngoài nâng lương cơ sở thực hiện từ năm 2023, Trung ương cần điều chỉnh thời gian tăng lương sớm hơn như dự kiến.

Cô Trần Thị Hiền Hòa và học trò trong hoạt động giáo dục ngoài trời. Ảnh: NVCC

Cô Trần Thị Hiền Hòa và học trò trong hoạt động giáo dục ngoài trời. Ảnh: NVCC

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Khánh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại chính sách thu hút, hỗ trợ người học và người dạy đã lạc hậu để đề xuất sửa đổi. Cùng với đó, cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt, ưu đãi hơn đối với đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, biên giới. Trước mắt là giữ chân thầy cô và thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm lên công tác.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, giáo viên đang hưởng phụ cấp ưu đãi theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Tuy nhiên, các văn bản này đã được thực thi 17 năm nay nên ít nhiều đã “lạc hậu” và gặp một số khó khăn, vướng mắc.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ viện dẫn, chẳng hạn như việc xác định trường hợp nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các văn bản về danh sách các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao đã không còn hiệu lực. Ngoài ra, thời gian qua, có nhiều đơn vị hành chính đã thay đổi do chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập mới và không được cập nhật hàng năm; nhất là từ năm 2009 đến nay. Thực tế, nhiều đơn vị hành chính được công nhận miền núi, vùng cao không còn hoặc không phù hợp.

Do đó, các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện chi trả các chế độ chính sách đối với nhà giáo. Vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế cho Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg là cần thiết và phù hợp với thực tiễn khách quan.

Việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ thực hiện, bảo đảm quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.

Quan điểm xây dựng nghị định là kế thừa quy định còn phù hợp, không có vướng mắc trong thực tiễn của Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC. Không quy định thêm đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi so với quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg.

Theo Luật Giáo dục 2019, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 - 4,89. Với mức phụ cấp 35%, thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.

Bộ GD&ĐT đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non. Cụ thể: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%. Giáo viên mầm non công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, dự kiến có khoảng hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ