Phụ cấp ưu đãi và tâm nguyện của nhà giáo

GD&TĐ - Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non lên tối thiểu 70%.

Cô Trần Thị Hiền Hòa trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Cô Trần Thị Hiền Hòa trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Kiến nghị này được đội ngũ nhà giáo và các đại biểu Quốc hội hoan nghênh.

Hợp tình, hợp lý

Gần 20 năm trong nghề, cô Trần Thị Hiền Hòa - giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) - tâm sự, dù khó khăn, vất vả đến mấy cô vẫn quyết gắn bó với nghề. Ngày nào cũng vậy, 6 giờ 30 phút sáng cô có mặt ở trường để đón trẻ. 17 giờ cô mới từ trường về nhà, có hôm 18 giờ hoặc muộn hơn. Lương thấp, thu nhập không bằng công nhân mới đi làm, trong khi hàng ngày cô phải đi sớm, về muộn. Nhiều lúc cảm thấy chạnh lòng mỗi khi nhắc đến thu nhập. May mắn, cô được gia đình ủng hộ nên yên tâm công tác.

Cô Hiền Hòa chia sẻ, gần 20 năm công tác, dù đã được nâng lương trước thời hạn nhưng đến nay thu nhập vẫn dưới 10 triệu đồng/tháng. Có giáo viên trẻ, mới vào nghề được vài ba triệu đồng/tháng. “Vì thế, khi biết Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên tối thiểu 70%, chúng tôi rất vui và xúc động. Mong là kiến nghị này sẽ được chấp thuận” – cô Hiền Hòa bày tỏ.

Cảm động vì sự quan tâm sâu sát của Bộ trưởng đến đời sống của đội ngũ giáo viên mầm non, cô Hiền Hòa bộc bạch: Đây là một trong những tin vui nhất trong năm. Qua đó tiếp thêm động lực để giáo viên mầm non yên tâm công tác và thêm yêu nghề mến trẻ. “Chúng tôi luôn mong muốn, một ngày nào đó sẽ sống được bằng lương của mình. Nếu đề xuất của Bộ trưởng được chấp thuận thì tâm nguyện của chúng tôi đã phần nào hiện thực hóa” – cô Hiền Hòa bày tỏ.

Khẳng định, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “hợp lòng dân”, cô Bùi Thị Tiện - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình) - chia sẻ: Công việc của giáo viên mầm non có tính đặc thù. Họ vừa phải nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ em; vừa là bác sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà thơ, nhà ảo thuật trong những giờ lên lớp. Thời gian trong ngày của các cô gần như ở trường nên ít chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, họ còn chịu nhiều áp lực từ phụ huynh. Tuy nhiên, không mấy người có thể sống được bằng lương.

Cô Tiện viện dẫn, ở Trường Mầm non Hoa Phượng, có giáo viên gần 30 năm đứng lớp nhưng thu nhập chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng. Giáo viên trẻ nhất của trường có 5 năm công tác, thu nhập được trên 4,8 triệu đồng/tháng. “Tôi cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng hoàn toàn có cơ sở. Đó cũng là tâm nguyện của đội ngũ giáo viên mầm non, để có thể sống được bằng nghề” – cô Tiện chia sẻ.

Một hoạt động giáo dục của Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình). Ảnh: NTCC

Một hoạt động giáo dục của Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình). Ảnh: NTCC

Động lực để giáo viên yên tâm công tác

Trăn trở với những khó khăn, vất vả của đội ngũ giáo viên mầm non, TS Trương Thị Kim Oanh - nguyên cán bộ nghiên cứu Trung tâm Giáo dục dân tộc của Bộ GD&ĐT - chia sẻ, ở một số vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên chưa đủ nên nhiều cô giáo phải dạy lớp ghép. Hằng ngày, các cô phải làm việc từ 6 giờ sáng cho đến 18 giờ..

“Tôi cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên tối thiểu 70% hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Nếu được, đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai. Ngoài ra, tôi cũng mong, các tỉnh, thành phố nên có cơ chế, chính sách riêng để quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên mầm non” - TS Trương Thị Kim Oanh nhấn mạnh.

Nhiều người nghĩ, giáo viên mầm non được ngủ trưa nhưng không phải. Khi trẻ ngủ, các cô phải thức để bao quát. Lao động của giáo viên mầm non có tính đặc thù và rất khó định lượng. Các cô xứng đáng được hưởng các chế độ, phụ cấp ưu đãi tương xứng với những gì cống hiến. Đó là nguồn động viên thiết thực để tiếp thêm động lực cho nhà giáo bám trường, bám lớp và yêu nghề, mến trẻ

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy - Đoàn Tuyên Quang - thống nhất với ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%. Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất đề án hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn; trong đó quy định rõ nguồn kinh phí riêng để thực hiện đề án, ưu tiên các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách về học phí năm học 2022 - 2023.

Vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh nên đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ) hiểu được những khó khăn, vất vả của đội ngũ thầy, cô giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. Đại biểu đồng tình với đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non lên tối thiểu 70% và kiến nghị này sớm thành hiện thực.

“Tôi có khảo sát định hướng nghề nghiệp với học sinh của mình. Kết quả, không em nào lựa chọn làm giáo viên mầm non. Lý do trò đưa ra là, lương thấp và vất vả” – đại biểu Phượng cho hay và nhấn mạnh, cần có chính sách thu hút ưu đãi dành riêng cho giáo viên mầm non như đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn TP Hà Nội - nhìn nhận, thời gian làm việc của đội ngũ giáo viên nói chung, đặc biệt là giáo viên mầm non không thể tính 8 tiếng/ngày. Lao động của họ không thể hiểu theo kỹ thuật thông thường, mà là những kỹ năng, tình cảm, trách nhiệm và yêu thương với trẻ nhỏ. Vì thế, nâng cao phụ cấp cho giáo viên mầm non để các cô yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý trong nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ em là cần thiết. Qua đó, các cô không còn phải lo làm thêm, tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Suy cho cùng, người được thụ hưởng là các trẻ mầm non.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội (chiều 27/10), bên cạnh làm rõ các ý kiến của nhiều đại biểu khi đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở. Nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ