Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhất quán, bản lĩnh tiếp tục đổi mới giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 4/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023, ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023, ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân.

Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn.

Cùng dự có ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; và đại diện lãnh đạo các đơn vị cơ quan Bộ GD&ĐT, đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Nhiều kết quả đạt được trong thách thức

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2023, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, của ngành Giáo dục và đạt được một số kết quả nổi bật.

Thứ nhất: Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước và làm việc với 8 tỉnh ủy, thành ủy; tổ chức 6 hội thảo khoa học, tọa đàm và 1 hội nghị toàn quốc.

Trên cơ sở 188 báo cáo của các cơ quan, đơn vị, ý kiến góp ý của Thường trực Chính phủ và một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện và trình Bí thư Ban cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Chủ trì Hội nghị (từ phải qua trái): Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Chủ trì Hội nghị (từ phải qua trái): Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Thứ hai: Triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD&ĐT đã ban hành 6 Kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực GD-ĐT. Bộ GD&ĐT đồng thời tổ chức thành công 6 Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng.

Thứ ba: Triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông (PT). Đoàn Giám sát đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực và chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng của GDPT.

Trên cơ sở kết luận của Đoàn Giám sát, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GDPT và xem xét ban hành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ tư: Tập trung xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố. Tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình.

Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, phê duyệt theo đúng lộ trình danh mục sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục. Trình Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số...

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Thứ năm: Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các Kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực đạt kết quả cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2023 đảm bảo nghiêm túc, an toàn, minh bạch, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thí sinh.

Phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố. Cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao.

Thứ sáu: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong GD-ĐT. Đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử thường trú của học sinh (trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) và cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ tra cứu, xác thực trực tuyến lịch sử thường trú của học sinh nhằm xác định đúng đối tượng ưu tiên khu vực.

Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT tăng 2 bậc so với năm trước đó. Việt Nam đứng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế được đánh giá về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) (tăng 2 bậc so với năm 2022).

Thứ bảy: Tự chủ giáo dục Đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Năm 2023, đã có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức QS; 9 cơ sở giáo dục ĐH vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education và 5 trường ĐH góp mặt trong bảng xếp hạng 500 ĐH hàng đầu Châu Á...

Thứ tám: Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo; tổ chức thành công chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023”. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ đông đủ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục trong cả nước.

Thứ chín: Chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; thu hút các nguồn lực, tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong giáo dục. Bộ GD&ĐT đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục của ASEAN năm 2022 - 2023, trong đó đã đưa ra một số sáng kiến và chủ trì thông qua được một số tuyên bố chung của ASEAN về giáo dục.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Bản lĩnh để tiếp tục đổi mới

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo của Bộ GD&ĐT về những kết quả đạt được, cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2024.

Các ý kiến đồng thời trao đổi, thảo luận, đưa đề xuất, kiến nghị liên quan đến triển khai tự chủ đại học; phát triển đội ngũ giảng viên; phát triển khoa học công nghệ trong trường đại học; quy hoạch mạng lưới; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; cơ sở vật chất cho giáo dục; bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018; chương trình giáo dục mầm non… Các vấn đề đặt ra được Thứ trưởng, đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT trao đổi, giải đáp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, 2023 là năm rất quan trọng trong lộ trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây là năm ngành Giáo dục có nhiều việc lớn phải làm, nhiều thách thức cần phải vượt qua. Thực tế, chúng ta đã hoàn thành được các mục tiêu lớn đề ra trong năm, vượt qua thách thức và đạt được kết quả quan trọng.

Nhấn mạnh lại những kết quả nổi bật của năm 2023 trong bối cảnh nhiều thách thức, Bộ trưởng khẳng định đây là một năm ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân… Trong nội bộ ngành cũng rất đồng tâm, nhất trí. “Đây chính là sức mạnh để chúng ta tiếp tục công việc đầy thử thách trong năm 2024”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận định về năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, nhưng những thách thức nếu vượt qua được sẽ có những kết quả mới.

Theo Bộ trưởng, đây là năm quan trọng có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới; cùng với đó là hàng loạt các công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với nhiều thách thức, nhiều khó khăn, nhiều việc đặt ra, Bộ trưởng nhấn mạnh từ khóa làm tinh thần triển khai cho năm 2024, đó là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa.

Bộ trưởng phân tích, với trạng thái đang đổi mới, đổi mới không bao giờ là dễ dàng, phải khẳng định được trước xã hội - đó là con đường không thể khác.

“Chặng đường phía trước phải thể hiện tinh thần nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới. Trước một số việc nếu không thực sự bản lĩnh, xã hội không biết đặt niềm tin vào đâu”, Bộ trưởng nói.

Cùng với đó là tinh thần thực tiễn để tiếp tục đổi mới. Bộ trưởng cho biết, năm qua, Bộ GD&ĐT đã rà soát, điều chỉnh hàng loạt chính sách phù hợp với thực tiễn như Nghị định 116, Nghị định 99, điều chỉnh hàng loạt thông tư, hướng dẫn… với tinh thần chung là lắng nghe từ thực tiễn, phù hợp với yêu của thực tiễn. “Thời kỳ chuyển đổi nên sẽ nhiều thay đổi, những gì chưa phù hợp kịp thời thay đổi để phù hợp…”, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần này cần tiếp tục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

“Cam kết chất lượng” là việc tiếp theo mà theo Bộ trưởng, các bậc học dù nhiều việc đang phải làm nhưng luôn luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đó cho mọi công việc.

Cùng với đó, trong quá trình đổi mới nhiều yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được làm lan toả. Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời ghi nhận sự cố gắng của từng từng đơn vị, ghi nhận kết quả truyền thông trong năm 2023, qua đó giúp cho hoạt động truyền thông tích cực hơn, chia sẻ của xã hội với ngành tốt hơn.

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Hội nghị.

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Hội nghị.

Về một số công việc cụ thể cần triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên là làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tiếp tục đưa ra đề xuất, mở đường cho bước phát triển mới trong thời gian tiếp theo nhân Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; quan tâm đến nguồn lực cho đổi mới, đặc biệt là yếu tố con người. Chúng ta cần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cùng với đó, trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Về việc này, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là trường đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông.

Một nội dung công việc khác cũng được Bộ trưởng lưu ý là triển khai đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Các hoạt động thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Luật Nhà giáo là công việc rất lớn đặt ra cho năm 2024...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ