Việt Nam và Lào ký kết Kế hoạch hợp tác về giáo dục năm 2024

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong đã ký kết Kế hoạch hợp tác về giáo dục năm 2024.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong ký kết Kế hoạch hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong ký kết Kế hoạch hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone.

Ngày 6/1, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong đã ký kết Kế hoạch hợp tác về giáo dục năm 2024.

Đây là một trong số những văn kiện được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone.

Kế hoạch hợp tác giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao năm 2024 tập trung triển khai nâng cao chất lượng đào tạo, công tác tuyển chọn đầu vào thực hiện nghiêm theo Nghị định thư của 2 Chính phủ, công tác đào tạo tiếng Việt, đào tạo chuyên ngành, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp.

Hằng năm, Chính phủ Việt Nam cấp 1.120 học bổng cho lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam các bậc THPT, đại học và sau đại học tại Việt Nam.

Hai Bộ đẩy mạnh triển khai đưa các nội dung Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục hai nước nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thế hệ trẻ hai nước.

Hai Bộ quan tâm việc đào tạo bậc trung học phổ thông cho Lào, đây là nguồn nhân lực dự bị ưu tú, để được cấp học bổng học tại các trường đại học tốt nhất của Việt Nam.

Hai Bộ tiếp tục tăng cường việc dạy và học tiếng Việt tại Lào. Phía Lào xem xét đưa môn tiếng Việt thành ngoại ngữ tự chọn, thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Lào, phối hợp với Việt Nam xây dựng các trung tâm đánh giá năng lực tiếng Việt tại Lào để chuẩn bị nguồn lực đáp ứng yêu cầu về năng lực ngôn ngữ trước khi cử đi học tại Việt Nam.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục Việt Nam mở rộng triển khai các chương trình hợp tác với các cơ sở giáo dục của Lào và tăng cường công tác đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong ký kết Kế hoạch hợp tác.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong ký kết Kế hoạch hợp tác.

Cùng ngày diễn ra Hội đàm chính thức giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone.

Tại đây, hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục và đào tạo - một lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ song phương và nhất trí tích cực phối hợp triển khai Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030. Trong đó, ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Theo thống kê, tổng số lưu học sinh Lào đang học tại Việt Nam là 14.050 người. Năm 2023, Việt Nam dành cho Lào 1120 học bổng; trong đó Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm triển khai 464 học bổng.

Đến nay, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã hoàn thành công tác tiếp nhận lưu học sinh năm 2023 và giao lưu học sinh đã hoàn thành chương trình dự bị tiếng Việt về các cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ