Mong ngóng gặp gỡ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Tuần qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tập hợp khoảng 6.294 ý kiến của giáo viên, giảng viên gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhằm chuẩn bị tổ chức Chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023.
Kết quả tổng hợp cho thấy, với giáo dục phổ thông, các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.
Thứ nhất liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018, như dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường… Nhóm 2 liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo, như tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non… Nhóm 3 liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên, như trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, để chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với Bộ trưởng, Sở đã báo cáo UBND TP, có công văn gửi các phòng giáo dục và đơn vị giáo dục trực thuộc để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ tham gia. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành liên quan như: Nội Vụ, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư…
Đối với khối giáo dục đại học, có khoảng hơn 200 ý kiến của các giảng viên, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các nhà trường; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
Chương trình trên là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối thoại trược tuyến với giáo viên nên nhiều giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục mong muốn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho biết: Từ khi tiếp nhận thông báo và chỉ đạo từ lãnh đạo Sở về Chương trình đối thoại của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn với cán bộ quản lý, giáo viên qua hình thức trực tuyến, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo UBND huyện.
Đồng thời thông báo đến toàn thể giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường trên địa bàn đóng góp ý kiến. Phòng mong muốn giáo viên nói lên tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc gặp phải trong quá trình giảng dạy, quản lý tại trường học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X. |
Đổi mới giáo dục toán học
Ngày 8/8, Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X năm 2023 đã diễn ra, là hoạt động lớn nhất của cộng đồng Toán học Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dự và phát biểu.
Ghi nhận và đánh giá cao vai trò của giáo dục toán học trong nền giáo dục và đào tạo nước nhà, Bộ trưởng cho biết: Giáo dục Việt Nam đang chuyển mạnh từ nền giáo dục thiên về trang bị kiến thức sang hướng đến phát triển con người. Có rất nhiều việc phải làm, cần một sự đổi mới có tầm vĩ mô. Đổi mới ở triết lí và định hướng chương trình nhưng rất cần đổi mới từng phần, từng nội dung của giáo dục. Trong đó, toán học vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng toán học, giáo dục toán học “cần một phen đổi mới”.
Bộ trưởng mong muốn thông qua hội nghị lần này, các nhà Toán học sẽ trao đổi làm thế nào để tiến lên một bước đổi mới giáo dục toán học trong nhà trường.
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng cũng dành lời cảm ơn và đánh giá cao tới đội ngũ các nhà toán học trong các trường đại học, cùng các nhà khoa học giáo dục đã tham gia vào các hoạt động giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, tham gia vào biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị các hoạt động đổi mới giáo dục…
Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị Toán học, chiều 10/8, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có buổi làm việc với Ban điều hành Chương trình Toán, Hội Toán học Việt Nam và một số nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài. Các nhà Toán học đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến sự phát triển và đầu tư cho Toán học trong thời gian tới.
Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm 2023 - 2024. |
Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm 2023 – 2024
Tuần qua, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 3899/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.
Hướng dẫn nêu rõ 6 nhiệm vụ chung với giáo dục trung học trong năm học mới, cụ thể gồm:
Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11; thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 9 và lớp 12, bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình năm học; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục trung học.
Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS; thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.
Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; triển khai ứng dụng công nghệ số trong dạy và học.
Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ giáo viên theo môn học để tổ chức dạy học các môn học trong Chương trình.
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Bộ cũng lưu ý thực hiện phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá; yêu cầu với xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) cùng nhiều nội dung quan trọng khác trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023 – 2024.
Phiên họp của Tiểu ban giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển. |
Hoàn thiện báo cáo đánh giá theo NQ 29
Chiều 11/8, Tiểu ban giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp phiên thứ nhất với chủ đề “Định hướng báo cáo đánh giá tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết số 29/NQ-TW”.
Tại Phiên họp, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã trình bày dự thảo Báo cáo tóm tắt những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện đổi mới giáo dục đại học 10 năm theo Nghị quyết 29.
Dự thảo Báo cáo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các các chuyên gia, nhà khoa học. Các đóng góp xoay quanh nhiều vấn đề như hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thi đua khen thưởng; tự chủ đại học...
Tại phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc tổng kết, đánh giá Nghị quyết 29 có ý nghĩa quan trọng khi toàn ngành Giáo dục đã đi được một chặng đường đổi mới. Lĩnh vực giáo dục đại học có nhiều việc cần làm, qua đó, Thứ trưởng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học.
Cũng trong tuần qua, Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp phiên thứ nhất với chủ đề “Định hướng báo cáo đánh giá tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết số 29/NQ-TW”.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến góp ý quan trọng để đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhận định Giáo dục thể chất được gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Giáo dục thể chất là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường. Thứ trưởng khẳng định tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý.
Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo Tham vấn chính sách hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; Chương trình “Gặp mặt trẻ em tham dự Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 7” năm 2023. Ban Chỉ đạo biên soạn Luật Nhà giáo họp phiên đầu tiên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì.