Ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023. Đây là hoạt động lớn nhất của cộng đồng Toán học Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần.
Đổi mới Toán học trong nhà trường
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới cộng đồng các nhà toán học, các thành viên của Hội Toán học Việt Nam lời cảm ơn, sự ghi nhận và đánh giá cao về những đóng góp đối với nền giáo dục và đào tạo của nước nhà trong suốt những tháng năm vừa qua.
Khẳng định toán học, giáo dục toán học là một hợp phần hết sức quan trọng của nền giáo dục, Bộ trưởng chia sẻ: Trong những năm tháng đất nước khó khăn, các điều kiện cho giáo dục còn rất hạn chế nhưng giáo dục Việt Nam, từ giáo dục phổ thông, đến khoa học cơ bản vẫn đạt tới chất lượng khá trên bản đồ giáo dục thế giới. Một phần quan trọng chính là sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực toán học.
Phiên khai mạc Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X. |
Theo Bộ trưởng, ngày nay khi các điều kiện của giáo dục tốt hơn, nền giáo dục hướng đến toàn diện; để cải thiện, tạo ra chất lượng giáo dục cần rất nhiều yếu tố, tuy nhiên vai trò của toán học vẫn là một trụ đỡ hết sức quan trọng và lâu dài.
Trao đổi với các nhà toán học về mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai thực hiện, Bộ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục Việt Nam đang chuyển mạnh từ nền giáo dục thiên về trang bị kiến thức sang hướng đến phát triển con người. Có rất nhiều việc phải làm, cần một sự đổi mới có tầm vĩ mô. Đổi mới ở triết lí và định hướng chương trình nhưng rất cần đổi mới từng phần, từng nội dung của giáo dục. Trong đó, toán học vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng toán học, giáo dục toán học “cần một phen đổi mới”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các môn học từ Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử đều cần đổi mới. Riêng Toán học cần tích cực đổi mới theo hướng phát triển tư duy cho người học, hướng học sinh đem tư duy toán học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, giải quyết những vấn đề phát sinh để phát triển tư duy. Phát triển con người cần hai trụ đỡ quan trọng là tư duy logic và thái độ, tình cảm trong phương diện con người xã hội, con người cá nhân.
"Cho đến nay, giáo dục toán học trong đời thường vẫn đang làm tốt nhưng phải làm tốt hơn. Làm sao để học sinh không thấy sợ toán, học sinh cảm thấy yêu thích môn toán, làm sao để học sinh cảm thấy môn toán là hữu ích cho mình và cần phải học”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Từ đề cập đến yêu cầu đổi mới của giáo dục toán học, Bộ trưởng mong muốn, trong các nội dung được các nhà Toán học thảo luận tại Hội nghị lần này sẽ có nội dung trao đổi làm thế nào để tiến lên một bước đổi mới giáo dục toán học trong nhà trường.
Lấy khoa học cơ bản làm bệ đỡ
Các đại biểu tham dự Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X. |
Trong phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng dành lời cảm ơn và sự đánh giá cao tới đội ngũ các nhà toán học trong các trường đại học. Theo Bộ trưởng, thời kỳ chuyển đổi của giáo dục đại học và giai đoạn thực hiện tự chủ, khoa học cơ bản đứng trước nhiều thách thức rất lớn; đặc biệt là các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khắc phục những khó khăn, vừa duy trì học thuật, vừa phát triển các công bố quốc tế. Qua đó ngày càng khẳng định vị thế của giáo dục đại học Việt Nam theo định hướng khoa học trên bản đồ thế giới. Đây là một cố gắng lớn.
"Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục có những kiến nghị chính sách nhằm phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản. Lấy khoa học cơ bản làm bệ đỡ cho các lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là cho khoa học giáo dục”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học giáo dục trong suốt thời gian vừa qua đã tham gia vào các hoạt động giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, tham gia vào biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị các hoạt động đổi mới giáo dục…
Hội nghị Toán học toàn quốc là hoạt động lớn nhất của cộng đồng Toán học Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần. Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, ứng dụng và giáo dục Toán học trên cả nước trình bày những thành tựu khoa học của mình trong 5 năm gần đây. Đây cũng là dịp để cộng đồng Toán học Việt Nam tham gia, trao đổi về những vấn đề thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển Toán học của đất nước.
Hội nghị Toán học Việt Nam lần thứ X diễn ra trong bối cảnh Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 đã kết thúc, và Chương trình giai đoạn tiếp theo (2021 - 2030), đã khởi động được gần 3 năm với những mục tiêu và nhiệm vụ mới.
Cùng với Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020, sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted), và sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học của các trường đại học và một số doanh nghiệp, Toán học Việt Nam trong những năm qua đã có những thay đổi cơ bản cả về số lượng lẫn chất lượng.
Thứ hạng Toán học Việt Nam từ vị trí 50 - 55 thế giới đã được nâng lên ở vị trí 35-40 (xét về số lượng công bố khoa học). Nhiều Khoa Toán ở các trường đại học của Việt Nam đang có những tiến bộ nhanh chóng và đã bắt đầu được xếp hạng ở các vị trí top 300-400 trong số các khoa Toán trên thế giới.
Số lượng và chất lượng nghiên cứu của các giảng viên đại học ở Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong 10 năm qua. Công bố trong lĩnh vực các khoa học toán của các trường đại học ngày càng nhiều cả về số lượng và chất lượng. Từ lần trao giải đầu tiên năm 2014 đến nay, đã có 7 nhà toán học được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc.
Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023 được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Hội nghị đã thu hút gần 1000 đại biểu đến từ các trường, viện nghiên cứu trên cả nước, đặc biệt có 2 đại biểu là nhà khoa học nước ngoài và gần 90 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó có các nhà khoa học hàng đầu như GS. Ngô Bảo Châu (Chicago, USA và VIASM), GS. Vũ Hà Văn (Yale, USA và VINBDI), GS. Phạm Hữu Tiệp (Rutgers, USA), GS. Đinh Tiến Cường (NUS, Singapore), GS. Phan Thành Nam (LMU Munich, Đức), GS. Nguyễn Trọng Toán (Penn State, USA), GS. Nguyễn Lê Lực (Oxford, UK), GS. Phan Dương Hiệu (Telecom Paris, Pháp), GS. Trần Vĩnh Hưng (Wisconsin, USA), GS. Trần Trọng Hiền (NC State, USA),…. Một số nhà toán học, giáo viên ở các trường phổ thông, đại học quốc tế tại Việt Nam cũng đăng ký tham dự và báo cáo.