Quy đổi điểm trúng tuyển trong tuyển sinh ĐH
Vấn đề quy đổi điểm giữa các phương thức tuyển sinh vào Đại học là nội dung được quan tâm trong tuần qua. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có trao đổi, làm rõ về quy định này.
Theo Thứ trưởng, thực tế có ngành dùng đồng thời 3 phương thức: Thi tốt nghiệp THPT, học bạ và đánh giá năng lực, nhưng điểm chuẩn mỗi phương thức lại khác biệt rất lớn. Ví dụ: 28 điểm thi THPT, 24 điểm học bạ, 70 điểm đánh giá tư duy...
Nếu 2 kỳ thi đo lường năng lực hoàn toàn khác nhau thì không nên cùng dùng cho một ngành. Nhưng nếu đã dùng thì phải đánh giá cùng năng lực cốt lõi của ngành. Khi đó điểm trúng tuyển phải quy đổi được.
Đây là nguyên tắc quan trọng nhằm bảo đảm độ tin cậy, công bằng trong tuyển sinh, yếu tố để duy trì niềm tin của xã hội vào chất lượng đào tạo đại học.
Chính sách quy đổi điểm không nhằm làm khó các trường hay thí sinh, mà là để bảo vệ sự công bằng, minh bạch và chất lượng của hệ thống tuyển sinh. Nếu để tồn tại tình trạng mỗi trường một kiểu tính điểm, mỗi ngành một kiểu phân bổ thì nguy cơ mất niềm tin vào giáo dục đại học là hiện hữu.

Một băn khoăn đặt ra là, nếu mỗi trường quy đổi một cách, liệu có gây ra sự thiếu công bằng mới? Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thừa nhận: Việc các trường quy đổi khác nhau là có thể xảy ra, vì mỗi trường, mỗi ngành có đặc thù riêng. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành khung quy đổi chung, không phân biệt theo ngành mà dựa trên dữ liệu rộng của tất cả thí sinh, có thể theo từng khối xét tuyển.
Từ đó, các trường có thể điều chỉnh phù hợp với điều kiện riêng nhưng vẫn đảm bảo nằm trong giới hạn hợp lý. Tin rằng khi có khung quy đổi chung, các trường sẽ không điều chỉnh quá lớn nếu không có căn cứ rõ ràng. Điều này vừa giữ được quyền tự chủ, vừa tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu quy đổi gây hỗn loạn trong hệ thống.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Có nhiều phương pháp quy đổi. Cách phổ biến là sử dụng dữ liệu hàng trăm nghìn thí sinh có tham gia đồng thời nhiều kỳ thi.
Ví dụ, phân vị (percentile): Lấy top 1%, 5%, 10% thí sinh trong kỳ thi A và kỳ thi B, từ đó xác định mức điểm tương đương. Nếu top 10% ở thi THPT là 27 điểm, và top 10% ở kỳ thi đánh giá năng lực là 110 điểm, thì 27 ≈ 110.
Hồi quy tuyến tính: Phân tích mối quan hệ tuyến tính giữa điểm các phương thức, thiết lập công thức quy đổi dạng y = ax + b. Càng chia nhỏ khoảng dữ liệu, kết quả càng chính xác.
Z-score (chuẩn hóa): Dùng điểm lệch chuẩn để đưa các điểm về cùng một thang đo, cho phép so sánh khách quan giữa các phương thức khác nhau.

Bộ GD&ĐT thông tin liên quan đến dạy học 2 buổi/ngày với trường trung học
Một trong những thông tin giáo dục được quan tâm tuần qua liên quan đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường THCS và THPT.
Trao đổi với các cơ quan truyền thông về thông tin này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài cho biết: Trong định hướng của Chương trình phổ thông tổng thể 2018, kế hoạch dạy học có nêu rõ: Đối với cấp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, còn THCS và THPT hướng đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Qua khảo sát thực tế của Bộ GD-ĐT, hiện, trên toàn quốc, trên 60% số trường THCS và trên 80% số trường THPT đủ điều kiện về cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày.
Nhằm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đúng với chủ trương của Chương trình phổ thông 2018 và Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT hướng đến việc hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với trường trung học đủ điều kiện.
Buổi thứ hai chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu của học sinh mà không phải nặng về kiến thức. Các tiết học ngoài số giờ chính khóa ở buổi thứ hai này tạo điều kiện để học sinh có cơ hội học tại trường chứ không hề bắt buộc học sinh phải tham gia.

Công bố kết quả thi chọn đội tuyển dự thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2025
Tuần qua, kết quả Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2025 được Bộ GD&ĐT công bố.
Kết quả có 6 thí sinh được lựa chọn tham dự Olympic Toán học Quốc tế (IMO); 8 thí sinh được lựa chọn tham dự Olympic Vật lí Châu Á (APhO).
4 thí sinh được lựa chọn tham gia Olympic Hóa học Quốc tế (ICHO); 4 thí sinh được lựa chọn tham dự Olympic Sinh học Quốc tế (IBIO); 15 thí sinh được lựa chọn tham dự Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương (APIO).
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức công tác ôn luyện, bồi dưỡng chuyên sâu, giúp các em học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực sắp tới.
Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2025 được tổ chức trong các ngày 25, 26, 27/3/2025.
Kỳ thi năm nay có sự tham gia của 187 thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, với 5 môn học: Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học.
Tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Ngày 3/4, tại Trường ĐH Văn Lang, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị - tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã thông tin về công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bao gồm hệ thống văn bản đã ban hành, các mốc thời gian chính, công tác tổ chức thi cho thí sinh đăng ký dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, công tác tổ chức thi cho thí sinh đăng ký dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác đăng ký thi, xếp phòng thi, in sao đề thi, coi thi...
Phương án thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường chia sẻ tại hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Kỳ thi từ rất sớm của Bộ GD&ĐT, việc hệ thống văn bản được ban hành sớm hơn những năm trước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Sở GD&ĐT trong công tác tham mưu và chuẩn bị cho Kỳ thi tại địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu chung của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và những năm trước là tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, đúng quy chế, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng.
Từ yêu cầu chung này, Thứ trưởng chỉ đạo cần tập trung làm tốt 8 nhóm vấn đề cả cho công tác chuẩn bị và trong chỉ đạo triển khai. Trong đó, trước hết là làm tốt việc tổ chức dạy học, ôn thi.
Cùng với quá trình dạy học, ôn tập, Thứ trưởng đề nghị các sở GD&ĐT quan tâm tới nhóm vấn đề thứ 2, đó là tổ chức thi thử đối với 100% học sinh, với tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại học sinh, trên cơ sở tiếp tục bổ sung kiến thức. Việc tập dượt cũng giúp cho giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.
Công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng là nhóm vấn đề thứ 3. Theo Thứ trưởng, qua thực tiễn, công tác chuẩn bị cần kỹ lưỡng, toàn diện từ cơ sở vật chất, con người, đến phương án dự phòng… trong đó chuẩn bị về nhân lực, con người là quan trọng nhất. Trong công tác chuẩn bị cần dự báo được tình huống và dự báo đúng tình hình.
Các nhóm vấn đề tiếp theo được Thứ trưởng yêu cầu cần tập trung thực hiện, gồm: khâu chỉ đạo sâu sát, toàn diện, trọng tâm trọng điểm; công tác phối hợp nhịp nhàng giữa các các ngành, địa phương, trong đó ngành Giáo dục phải chủ động đề nghị phối hợp; yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ tinh thông và đúng quy chế; làm tốt công tác truyền thông, truyền thông chủ động, kịp thời và hiệu quả; dự báo những vấn đề khó khăn, phức tạp, những vấn đề dễ xảy ra sai sót, rủi ro nhất để có phương án phù hợp.
4 nội dung về công tác ra đề, in sao đề thi, coi thi, chấm thi cũng được Thứ trưởng lưu ý cụ thể với nguyên tắc, làm thi không có vấn đề nhỏ hay lớn mà tất cả đều quan trọng và tuyệt đối không lơ là.
Tại hội nghị, Thứ trưởng cũng nhắc lại quan điểm “4 đúng”, “3 không”. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường.
“3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường. Đây vẫn là tinh thần của Kỳ thi năm 2025.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời đề cập thêm “2 phát huy” cần được làm tốt trong Kỳ thi năm nay. Đó là, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chỉ đạo, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi và phát huy ý thức tự giác, tuân thủ quy chế của thí sinh.

Ba đại học ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị
Ngày 3/4, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra lễ ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia giữa ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh và ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Chương trình hợp tác giữa ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh và ĐH Bách Khoa Hà Nội nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi cơ sở trong đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vì sự phát triển của mỗi bên, góp phần phát triển nền giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của đất nước.
Xây dựng 3 đại học trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo nhân lực tài năng, thu hút nhân tài, nghiên cứu khoa học phục phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và khu vực, với sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, khai thác và sử dụng nguồn lực của 3 đại học.
Các chương trình, nội dung hợp tác bao gồm: Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược gắn với thu hút nhân tài, thu hút đầu tư và hợp tác của doanh nghiệp; hợp tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tài nguyên dùng chung; tổ chức hội nghị, hội thảo, phát triển hợp và thu hút học giả quốc tế; hợp tác truyền thông.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian gần đây Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có kết luận chỉ đạo Bộ GD&ĐT lựa chọn ít nhất 3 cơ sở giáo dục đại học để xây dựng mô hình nghiên cứu phát triển phát triển khoa học công nghệ, gắn kết 3 nhà: nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Đồng thời, chọn 3 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu để nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, giải quyết bài toán đổi mới quản trị trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, ứng dụng trong các ngành lĩnh vực khác nhau.
Ghi nhận sự nỗ lực, sự chủ động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và của 3 đại học nói riêng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tin tưởng rằng đây là mô hình ban đầu, là hạt nhân để kết nạp thêm các cơ sở giáo dục đại học khác để liên kết hợp tác và phát triển, triển khai thành công các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ và có những hành động, hợp tác hết sức hiệu quả trong thời gian tới, một cách hết sức khẩn trương và quyết liệt.