Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

GD&TĐ - Ngày 22/9, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với bà Lee Satterfield - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và bà Lee Satterfield - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và bà Lee Satterfield - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm kích trước những hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ với Việt Nam. Đặc biệt là hỗ trợ về vaccine giúp học sinh Việt Nam được quay trở lại trường học sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó là hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam cùng nhiều hỗ trợ về giáo dục khác thông qua tổ chức USAID…

Hai bên chụp ảnh lưu niệm.

Hai bên chụp ảnh lưu niệm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Hoa Kỳ là quốc gia Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi trọng mối quan hệ hợp tác về giáo dục-đào tạo. Việt Nam là một trong sáu nước có học sinh, sinh viên sang học tại Hoa Kỳ nhiều nhất, khoảng trên 30.000. Hai nước có khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo. Hoa Kỳ cũng là nước có nhiều nhất các cơ sở giáo dục đại học đào tạo liên kết với đối tác Việt Nam.

Có 6 cơ sở giáo dục vốn đầu tư của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, Trường Đại học Fulbright Việt Nam được xem là một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, bà Lee Satterfield cũng nhận định giáo dục là một trong những lĩnh vực then chốt thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Bà khẳng định sẵn sàng tìm mọi cách thúc đẩy hơn nữa số học sinh, sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập. Theo khảo sát, Việt Nam là một trong những địa điểm học sinh, sinh viên Hoa Kỳ mong được đến học tập nhất.

Về các chương trình hỗ trợ, bên cạnh chương trình học bổng Fulbright , Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc đến các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh, chương trình học tập cho giới trẻ. Theo đó, việc giáo viên trẻ, thanh niên Hoa Kỳ đến Việt Nam tham gia chương trình giảng dạy Tiếng Anh. Ngược lại giáo viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập kỹ năng tiếng Anh, cũng như giảng dạy tiếng Việt trong các trường đại học - là sự giao lưu, trao đổi, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên.

Bày tỏ vui mừng trước con số 50 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam - Hoa Kỳ, khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy hợp tác song phương này, bà Lee Satterfield đồng thời chia sẻ thông tin về chương trình đối tác đại học Hoa Kỳ - Asean được Tổng thống Joe Biden thông báo trong Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ tháng 5 vừa qua.

Theo đó, Hoa Kỳ sẽ lựa chọn các trường trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam tham gia vào hoạt động đối tác này. Dự kiến vào tháng 12, các trường sẽ có một chương trình họp trực tuyến. Tháng 1/2023 sẽ có đoàn đại diện các trường đại học Asean đến Hoa Kỳ.

“Mong Bộ trưởng thúc đẩy việc tham gia của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vào chương trình” - bà Lee Satterfield đề nghị.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Cảm ơn thông tin được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Việt Nam hiện đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Việc này có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ giáo viên. Do đó, trong các dự án đề xuất với USAID và một số tổ chức khác, chúng tôi đều rất chú ý đến phát triển năng lực cho đội ngũ này".

Cùng với đó, giáo dục Việt Nam cũng đang nỗ lực để nâng dần chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học, làm sao để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, cũng như yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cho rằng đây là thách thức rất lớn, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Một trong những hỗ trợ cụ thể được Bộ trưởng chia sẻ liên quan đến việc tăng cường điều kiện các phòng thực hành, phòng lab giúp sinh viên có điều kiện thực hành tốt nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và bà Lee Satterfield, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao quà lưu niệm nhân buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và bà Lee Satterfield, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao quà lưu niệm nhân buổi làm việc.

Bộ trưởng cho biết: Chính phủ Hoa Kỳ có chương trình hỗ trợ trong 5 năm cho các doanh nghiệp để tìm kiếm đối tác nước ngoài phát triển về công nghệ bán dẫn. Việc sản xuất các chip bán dẫn của Intel có đến 70% đang thực hiện tại Việt Nam. Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã tổ chức nghiên cứu về phát triển công nghệ bán dẫn. Sẽ rất tốt nếu có một nguồn đầu tư để nhà trường tiếp tục phát triển các nghiên cứu này dưới sự hỗ trợ của Intel.

Về đề xuất này, bà Lee Satterfield cho biết sẽ quan tâm tìm hiểu cụ thể, xem Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể làm được gì để hỗ trợ. Nhân đây, bà Lee Satterfield thông tin về một chương trình mới của Hoa Kỳ hỗ trợ các học giả. Chương trình này tăng gấp đôi thời gian cho các học giả đến Hoa Kỳ nghiên cứu, học tập (từ 18 tháng lên 36 tháng). Khuyến khích doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đón tiếp học giả đến nghiên cứu, học tập ngay tại doanh nghiệp.

Bà Lee Satterfield gợi ý phía Việt Nam có thể trao đổi để Intel có thể trở thành doanh nghiệp tài trợ, đón tiếp các học giả sang nghiên cứu, học tập ngay tại Intel, sau đó trở về đóng góp sâu hơn trong công cuộc giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam.

Cảm ơn các chia sẻ của bà Lee Satterfield, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có động thái khuyến khích thêm các nhà đầu tư của Hoa Kỳ đầu tư vào thị trường giáo dục Việt Nam. Tiếp tục quan tâm đến sự phát triển của Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho các học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ...

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.