Nóng trong tuần: Chuỗi sự kiện tri ân nhà giáo

GD&TĐ - Nhiều hoạt động tri ân nhà giáo; hướng dẫn vị trí việc làm trong trường mầm non... là những hoạt động giáo dục nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô giáo và các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô giáo và các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Loạt chương trình tri ân nhà giáo

Nhiều chương trình ý nghĩa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam từ trung ương đến địa phương và từng cơ sở giáo dục đã được tổ chức trong tuần vừa qua. Trong đó, nổi bật là chuỗi sự kiện do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Chiều 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ghi nhận những thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng của đội ngũ thầy, cô giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của các nhà giáo cho sự nghiệp “trồng người”, lớn hơn là cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng chia sẻ những vấn đề cần quan tâm như đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất; phụ huynh và học sinh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quà lưu niệm tới 10 thầy cô giáo đại diện cho các nhà giáo tiêu biểu, thầy cô giáo và cán bộ quản lý trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quà lưu niệm tới 10 thầy cô giáo đại diện cho các nhà giáo tiêu biểu, thầy cô giáo và cán bộ quản lý trên cả nước.

Theo Thủ tướng, chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học. Phương châm là “Lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh.

“Muốn vậy, chúng ta cần “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy, cô giáo làm động lực”. Trong quá trình đó, yêu cầu phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”, “thực tâm, thực tài, thực nghề” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Thủ tướng đồng thời kêu gọi và mong muốn xã hội chung tay, chung sức với ngành Giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Bên cạnh đó còn nhiều chương trình ý nghĩa dịp 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam như: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho 200 nhà giáo tiêu biểu; Chương trình Thay lời tri ân năm 2023 “Tôi chọn nghề giáo”...

Trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình “Thay lời tri ân” năm 2023 với chủ đề "Tôi chọn nghề giáo".

Giáo viên tham dự chương trình Thay lời tri ân năm 2023.

Giáo viên tham dự chương trình Thay lời tri ân năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn chia sẻ với học trò, gieo hoài bão, thắp lên những ước mơ cho các em. Với tình cảm cá nhân và qua sóng truyền hình, Phó Thủ tướng gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước lời chúc tốt đẹp, lòng biết ơn chân thành.

Cũng tại chương trình truyền hình, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới toàn thể các nhà giáo, cựu giáo chức, các cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học lời chúc mừng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bộ trưởng đồng thời gửi lời cảm ơn tới toàn thể những người đã và đang chọn nghề dạy học làm sự nghiệp của mình, dù với bất cứ nhân duyên hay lý do nào; đồng thời ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của tất cả các cô giáo, thầy giáo, cả những điều đã được xã hội biết tới và những điều thầm lặng không ai biết tới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (ngoài cùng bên phải) và Hiệu trưởng BUV Raymond Gordon trao giải Đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (ngoài cùng bên phải) và Hiệu trưởng BUV Raymond Gordon trao giải Đặc biệt.

Trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023

Ngày 18/11, Lễ trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.

Qua 6 năm tổ chức, Giải đã khẳng định được vị trí, uy tín trong các giải thưởng báo chí trên toàn quốc. Số lượng tác phẩm tham gia ngày càng nhiều và chất lượng luôn được nâng cao, có sức lan tỏa.

Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Kết quả chọn được 85 tác phẩm vào chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đã đề xuất 01 giải Đặc biệt; 04 giải Nhất; 08 giải Nhì; 12 giải Ba, 34 giải Khuyến khích và 02 nhân vật tiêu biểu trong 02 tác phẩm đoạt giải và 04 giải Phụ - giải Cống hiến.

Tại Lễ trao Giải, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn hoan nghênh, ghi nhận và gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các phóng viên nói riêng và cơ quan báo chí trên cả nước nói chung. “Các bạn đã cho chúng tôi thêm một góc nhìn mới về những gì đã, đang và sẽ diễn ra đối với Giáo dục” – Bộ trưởng bày tỏ.

Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, Bộ trưởng tuyên bố phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024. Ban tổ chức sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo, để Giải ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống bền lâu.

Nhân dịp này, Bộ trưởng chúc các nhà báo luôn giữ ngọn lửa yêu nghề, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc.

Cô - trò Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Hải Phòng). Ảnh: Website trường.

Cô - trò Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Hải Phòng). Ảnh: Website trường.

Hướng dẫn vị trí việc làm trong trường mầm non công lập

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số: 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (Thông tư số 19).

Theo hướng dẫn của Thông tư, định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý gồm: Hiệu trưởng: Mỗi cơ sở giáo dục mầm non công lập được bố trí 1 hiệu trưởng.

Phó hiệu trưởng: Số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành với giáo viên mầm non và vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.

Thông tư số 19 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2023. Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ