Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp

GD&TĐ - Nằm về phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang, thế mạnh của huyện Tân Yên vốn là sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt trong thời gian qua, việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, phát huy triệt để thế mạnh của địa phương bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển, đã và đang giúp huyện Tân Yên chuyển dịch nhanh sản xuất nông nghiệp để tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Vải sớm Phúc Hòa là một trong những nông sản đang dần có chỗ đứng trên thị trường của ngành nông nghiệp Tân Yên
Vải sớm Phúc Hòa là một trong những nông sản đang dần có chỗ đứng trên thị trường của ngành nông nghiệp Tân Yên

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để hiện thực hóa xu thế đó, huyện Tân Yên đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp cũng được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây dược liệu, cây rau quả chế biến, rau quả thực phẩm... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện nêu rõ: Huyện Tân Yên đang hết sức quan tâm tới các doanh nghiệp thuê đất để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, những doanh nghiệp như vậy cũng mang lại công ăn việc làm cho người dân, chính nông dân sẽ trở thành những công nhân sản xuất cho doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang khuyến khích các cá nhân và các HTX xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, đầu năm, 2018, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu GOC chuyên về dưa bao tử, dưa chuột thương phẩm, ngô ngọt được sản xuất theo mô hình công nghệ cao đã phối hợp với UBND xã Ngọc Thiện vận động các hộ nông dân thuê 10ha đất sản xuất nông nghiệp với thời hạn 15 năm.

Công ty đã trả tiền thuê đất cho nhân dân 5 năm một lần với mức 800 nghìn đồng/sào/năm. Đồng thời, công ty cũng ưu tiên các hộ dân đó, được hỗ trợ việc làm và tham gia lao động sản xuất tại công ty với mức tiền công bình quân là 150 nghìn đồng/ngày.

Chăn nuôi và thủy sản cũng là một trong những thế mạnh của Tân Yên. Hiện tại, địa phương có tới 461 trang trại, tăng hơn 350 trang trại so với năm 2012. Các trang trại này chủ yếu ở các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trang trại tổng hợp. Một số trang trại được đầu tư hệ thống chuồng trại theo công nghệ khép kín, tiên tiến. 

Ngoài ra, ông Dương Ngô Mạnh cũng cho biết, Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên tiếp tục thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ giá giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo các chương trình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thuê đất sản xuất nông nghiệp; thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất nhằm đáp ứng nhu cầu về diện tích canh tác, áp dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và tạo các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Đồng thời, người dân được khuyến cáo và định hướng sản xuất thực phẩm an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn với môi trường, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng con giống.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã được huyện Tân Yên nghiêm túc thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Theo số liệu của địa phương, huyện Tân Yên đã thực hiện dồn điền, đổi thửa trên 640 ha, xây dựng 24 cánh đồng mẫu, 13 vùng lúa giống tập trung quy mô trên 5 ha, 19 vùng lúa chất lượng, 25 vùng rau quả thực phẩm và 13 vùng lạc giống tập trung với quy mô từ 5ha trở lên, hình thành 8 vùng rau quả chế biến tập trung quy mô từ 2 - 3 ha.

Huyện Tân Yên cũng khuyến khích nông dân phát triển cây ăn quả trên diện tích vườn đồi và chuyển dịch diện tích lúa màu sang trồng cây ăn quả. Đến nay, địa phương có gần 3.300 ha cây ăn quả, tăng 363 ha so với năm 2015.

Đẩy mạnh phát triển thị trường để hội nhập

Để có thể phát huy triệt để những thế mạnh về sản xuất nông nghiệp tại địa phương, ông Dương Ngô Mạnh cũng khẳng định, cần đẩy mạnh phát triển thị trường thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ tìm kiếm, xây dựng và mở rộng thị trường cho hàng hóa nông sản, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Một số thương hiệu đã được khẳng định và tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị như vải sớm Phúc Hòa, lợn sạch Tân Yên, vú sữa Hợp Đức...

Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực đẩy mạnh nhiệm vụ liên kết 3 nhà, 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất tập trung được các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ. Điều đó có tác dụng lớn trong việc góp phần ổn định giá cho nông phẩm.

Theo số liệu ước tính của địa phương, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm của Tân Yên đạt trên 3.500 tỷ đồng. Qua đó, số hộ giàu tăng nhanh và tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn trên 5,4%. Bình quân thu nhập đầu người đạt 54 triệu đồng/năm, tăng 23,5 triệu đồng so với năm 2012.

Để tiếp tục giữ vững và phát triển thế mạnh của địa phương, ông Dương Ngô Mạnh chỉ ra rằng, trong thời gian tới, huyện Tân Yên phải xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, dựa trên những vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, để từ đó phát triển vùng chế biến nông sản tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khu vực và trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.