Bài toán đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng

GD&TĐ - Những năm gần đây, người dân các thành phố lớn đã quen với việc mua sắm các nông sản sạch tổ chức tại các hội chợ triển lãm. Song, con đường tìm đầu ra tiêu thụ, để nông sản sạch đến được với người tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn.

Gian triển lãm Hương quế Trà Bồng
Gian triển lãm Hương quế Trà Bồng

Người dân hào hứng với hội chợ nông sản

Từ ngày 22 - 28/8, tại Triển lãm Nông nghiệp, trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra Hội chợ triển lãm nông sản. Sản vật khắp các vùng miền trên cả nước đã hội tụ về đây, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng sạch, hàng chất lượng cao cho người dân Thủ đô. Đây là cách quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông đặc sản chất lượng đến với người tiêu dùng cả nước. Đồng thời tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân.

Khoảng 9 giờ sáng, trên tay cô Hồng Vân, nhà ở Dịch Vọng, Cầu Giấy đã lỉnh kỉnh nào bó hương quế nổi tiếng của Trà Bồng, Quảng Ngãi; gói miến Bắc Kạn; lọ tinh dầu thực vật “Đại Phú An” của Yên Bái và một lít nước mắm cá cơm Sơn Thơm, Thanh Hóa.

Quanh khu Hội chợ, có thể thấy thu hút rất đông người dân đã tham gia mua sắm. Với hàng trăm gian hàng lớn nhỏ, bày bán các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, miến, bánh đa khô, nấm hương, mộc nhĩ, quế, hồi, các loại tinh dầu, các loại bánh, hoa quả các vùng miền. Hải sản Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Bình Định… được tổ chức ở nhiều gian hàng triển lãm.

Trong số các loại trái cây có mặt lần này tại Hội chợ phải kể đến tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn, với hơn chục gian hàng giới thiệu sản phẩm. Giá na loại ngon nhất bán ở đây là 70.000 đồng/kg. Hoạt động này góp phần quảng bá cho người dân biết đến và thưởng thức những quả na sạch trồng theo mô hình tiêu chuẩn Vietgap.

Tại triển lãm, người cao tuổi thường chú ý đến những gian trưng bày thuốc nam, thuốc đông y chữa bệnh của nhiều nhà thuốc.

Vẫn còn trăn trở

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng thì việc nhà nông sản xuất nông sản sạch, đảm bảo chất lượng luôn là yêu cầu cần thiết và vô cùng quan trọng. Chính vì thế, mô hình nuôi trồng theo tiêu chuấn đã được nông dân áp dụng nhiều nơi.

Tuy nhiên, đầu ra cho nông sản phẩm sạch, làm sao quảng bá cho người tiêu dùng biết đến để tin dùng vẫn là bài toán khó với nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Anh Nguyễn Thái Sơn, chủ gian hàng triển lãm Sơn Thơm bán các loại đồ biển đến từ Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, cho biết: Sản phẩm của gia đình anh nổi tiếng gia truyền 6 đời, nhiều loại nước mắm ngon nổi tiếng được người tiêu dùng bình chọn. Anh đã tham gia nhiều triển lãm nhưng kết nối đầu ra của sản phẩm với người tiêu dùng hiện còn nhiều khó khăn.

“Thực ra triển lãm ở Hoàng Quốc Việt và Nhà thi đấu Quần ngựa hay Công viên Nghĩa Đô hiệu quả bán hàng không bằng tổ chức tại Công viên Lê nin. Bởi ở công viên, người dân đi bộ đông, thậm chí 4 giờ sáng đã có người đến mua hàng. Do đó, sự kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng còn hạn chế” - anh Sơn cho biết thêm.

Loay hoay tìm đầu ra cho nông sản sạch Việt Nam vẫn còn tồn tại. Đến bao giờ không còn cảnh giải cứu dưa hấu, giải cứu su hào, dưa chuột, cà chua…vải thiều, kể cả quả na Lạng Sơn? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ