Dấu ấn của chính sách
Dẫn chúng tôi đi tham quan 2 dãy nhà mới xây lắp cho công nhân, ông Phạm Thanh – Phó Trưởng Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho biết, đến nay, đã có Công ty TNHH Rau hoa Phương Quỳnh và Công ty Cổ phần xây dựng 47 đầu tư xây dựng 8 phòng ở, đảm bảo chỗ ở ổn định cho khoảng 20 nhân công.
Xác định có “an cư” mới “giữ chân” được người lao động, những năm qua, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Kon Tum, Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã bố trí quỹ đất để các công ty, doanh nghiệp xây dựng khu dân cư tập trung cho lao động hợp pháp. “Đa số công nhân ở xa nhà nên giải quyết chỗ ở cho công nhân là việc cấp bách. Khi xây dựng được các phòng ở, nhân công làm việc ổn định hơn, qua đó, mới thu hút được các công ty tham gia liên kết sản xuất” – ông Thanh cho hay.
Đảm bảo chỗ ăn, ở cho công nhân, nhân viên cũng là một trong những vấn đề được Công ty TNHH Việt Sáng - Vifarm chú trọng hàng đầu. Mặc dù chưa xây dựng nhà ở, tuy nhiên, công ty đã chủ động thuê nhà cho các nhân viên, công nhân tham gia làm việc. “Ngay khi vào làm việc, em được công ty thuê phòng, đảm bảo chỗ ăn ở thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài ra, chế độ lương, thưởng, ngày nghỉ, bảo hiểm xã hội được giải quyết thỏa đáng, hợp lý nên chúng em rất an tâm” – em Trần Thị Phương Dâng, nhân viên Công ty TNHH Việt Sáng - Vifarm chia sẻ.
Bên cạnh các chế độ hỗ trợ, việc đào tạo nguồn nhân lực cao là chìa khóa thu hút các doanh nghiệp đến tham gia phát triển. Để giải quyết được vấn đề then chốt đó, ông Thanh cho biết, hiện nay Công ty 4Ways Pty Ltd (Úc) có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, công ty sẽ tuyển dụng lao động tại tỉnh (ưu tiên trên địa bàn huyện Kon Plông) và đưa qua Úc để vừa đào tạo vừa thực hành thực tế tại các cơ sở sản xuất. Kết thúc khóa đào tạo, nhân viên sẽ quay về Việt Nam làm việc cho các dự án của công ty tại tỉnh Kon Tum.
Ngoài ra, để có được nguồn nhân lực trí thức đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng liên kết, hỗ trợ các bạn sinh viên về thực tập. “Trong quá trình thực tập, chúng tôi sẽ hướng dẫn kĩ càng, giúp các em nắm bắt thêm kiến thức về nông nghiệp sạch. Đồng thời kêu gọi, thu hút các em về làm việc tại các công ty nếu có yêu cầu” – ông Thanh cho hay.
Nhân lực – chìa khóa nông nghiệp thông minh
Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trần Thị Phương Dâng rời quê hương Quảng Nam tìm vào làm việc tại Công ty TNHH Việt Sáng - Vifarm. Dâng cho biết, trước đây, em về thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tại đây, ngoài kiến thức học trên trường, Dâng được hướng dẫn thêm nhiều kỹ năng làm việc, ứng dụng trong thực tế, đồng thời được định hướng quay trở lại Kon Plông làm việc.
“Công việc này đúng với ngành học của em nên khi ra trường em bắt nhịp được chứ không phải đào tạo lại. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng và các chế độ đãi ngộ hợp lý em sẽ tập trung làm và tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân” – Dâng chia sẻ.
Không riêng Dâng, sau khi tốt nghiệp ngành Sinh môi trường, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, bạn Đoàn Thị Ánh Tuyết cũng vào làm nhân viên nuôi cấy mô cho Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Đức Long. Tuyết cho biết, đam mê cộng thêm kiến thức được đào tạo kỹ tại trường đại học, khi được nhận vào làm, Tuyết có thể đảm nhận tốt công việc của mình. “Mức lương khởi điểm ban đầu của em là 4,5 triệu nhưng nay đã tăng lên 5,5 triệu (bao ăn ở đảm bảo). Công việc đúng với chuyên ngành nên em làm tốt và luôn cố gắng phát huy tính sáng tạo của mình”.
Hay như A Cúi ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, ngay khi đang theo học ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Cúi đã mạnh dạn xin thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình thực tập, Cúi được hướng dẫn, bổ trợ thêm về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao; tiếp cận với nghiệp vụ quản lý, làm chủ công nghệ để ứng dụng và phát triển vào thực tế sản xuất.
Sau khi tốt nghiệp, được Trung tâm giới thiệu, Cúi liền đến làm việc cho các công ty nông nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông. Hiện nay, ngoài việc nuôi giun đất cho một số hộ kinh doanh tư nhân, Cúi còn được nhận vào làm tại Công ty 4Ways Pty Ltd (Úc). “Không như làm nông truyền thống, công việc này yêu cầu em phải tư duy, áp dụng kiến thức cũng như tuân theo quy trình. Bản thân em luôn cố gắng làm thật tốt, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thành công việc được giao” – A Cúi chia sẻ.
Ngoài sự giới thiệu nhân lực từ trung tâm, một số công ty đã chủ động liên kết với Trung tâm dạy nghề Măng Đen, thu hút nguồn nhân lực ngay từ trên ghế nhà trường. “Nhân lực là 1 trong 3 mấu chốt trong việc phát triển nông nghiệp thông minh. Chính vì vậy, ngay khi đặt chân đến mảnh đất Măng Đen, tôi đã liên kết với Trung tâm dạy nghề Măng Đen, đặt vấn đề với 30 bạn trẻ để sau khi ra nghề, các bạn sẽ hợp tác, cùng tôi hoàn thành ý tưởng, dự án” – giám đốc một công ty chuyên trồng hoa cúc tại Kon Plông cho biết.
Bên cạnh đó, hiện nay, để giải quyết được vấn đề nhân lực, một số doanh nghiệp, công ty còn có nhiều chính sách thu hút trí thức trẻ về làm việc. Như tại Công ty Cổ phần Xanh Măng Đen đã thu hút 25 bạn trẻ từ các nơi đến trải nghiệm, làm việc. “Với nhiều hình thức, chúng tôi sẽ hỗ trợ quỹ đất, quy trình sản xuất cũng như hỗ trợ bao tiêu sản phẩm để các bạn tự trồng, chăm sóc và ăn theo sản phẩm mình làm ra. Vừa học vừa làm, các bạn dễ dàng nắm được quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, vừa tạo ra thu nhập cho bản thân” – Võ Lâm Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Xanh Măng Đen chia sẻ.
Nông nghiệp công nghệ cao, muốn thành công, đòi hỏi phải giải quyết được bài toán nguồn nhân lực. Và hiện nay, với nhiều cách làm cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ, vùng cao Kon Plông đã từng bước tháo gỡ được những khó khăn, không phải chông chênh “đỏ mắt tìm người tài”.