Kiểm định chất lượng giáo dục: Sức hút của nhà trường với xã hội

GD&TĐ - Giáo dục đại học ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là dịp để các trường tự khẳng định mình bằng uy tín và thương hiệu với người học và xã hội. 

Kiểm định chất lượng giáo dục:  Sức hút của nhà trường với xã hội

Việc liên tiếp các trường đại học của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đã cho thấy, nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Hơn thế nữa đây là bước thay đổi mạnh mẽ khi chính những trường này tự nhận thấy cần phải đạt được các tiêu chí kiểm định để nâng tầm vị thế cho chính mình.

Nỗ lực từ chính các nhà trường

Bộ GD&ĐT đang chủ trương đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường đại học. Hiện nay, trên cả nước đang có 4 trung tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm định các trường đại học trong nước, chưa tham gia kiểm định quốc tế.

Trong đó có gần 100 chương trình đào tạo của Việt Nam đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế như ABET, CTI, AUN-QA… HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học châu Âu (EHEA). HCERES được biết đến là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo.

Theo nhận định của nhiều nhà giáo dục, việc trong nửa đầu năm 2017 này cùng lúc chúng ta có 4 trường đại học đầu tiên là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Bách khoa TPHCM được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm.

Đây không chỉ là cùng lúc nhiều trường đại học Việt Nam được HCERES ghi nhận đạt chuẩn mà còn nỗ lực khẳng định vị thế của các trường. Được biết, cả bốn trường đều là những đơn vị đã triển khai chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) do chính phủ Pháp tài trợ (đến nay đã có 18 khóa tuyển sinh, 13 khóa tốt nghiệp). Điều này sẽ tạo sức lan tỏa lớn vì khẳng định vị thế của mỗi trường cũng là nâng cao uy tín với người học và xã hội.

Nhận định về việc này, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, trường tốp đầu trong khối các trường kinh tế - cho biết: “Chất lượng và uy tín của mỗi trường chính là thương hiệu. Nếu một thời gian dài, uy tín, chất lượng đào tạo là thước đo giá trị của mỗi nhà trường với xã hội, chúng ta thường thấy những trường có uy tín, chất lượng đào tạo, sản phẩm có đầu ra tốt đáp ứng nhu cầu xã hội thì luôn có được sức hút cao với người học.

Tuy rằng chỉ là cảm tính nhưng đánh giá của xã hội với những trường này là khá chính xác. Tháng 4/2017, trường chúng tôi đã được Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Kết quả kiểm định không chỉ là khẳng định chất lượng đào tạo của trường mà còn là căn cứ quan trọng để trường giải trình với xã hội và nhà tuyển dụng lao động”.

Tạo sức lan tỏa rộng

Có một thực tế là số lượng trường đại học nhiều lên nhưng số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục thì chưa nhiều. Trong khi đó một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng mà người học dễ dàng nhận biết nhất là chuẩn đầu ra của sinh viên, nói một cách cụ thể là năng lực chuyên môn, khả năng thích ứng với công việc sau tốt nghiệp của những sinh viên này.

Đến thời điểm này nhiều trường đại học trên cả nước đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định như Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM…. Nhiều trường khác đang trong giai đoạn hoàn thiện các công tác đánh giá trong và đánh giá ngoài. Việc các trường tích cực thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đã và đang có sức lan tỏa lớn.

Khi nhu cầu học tập đã được bão hòa thì chất lượng đào tạo chính là thước đo uy tín và tạo nên sức hút của mỗi nhà trường. Có một thực tế đang diễn ra mà các nhà quản lý ở nhiều trường đều nhận thấy là ở những trường có uy tín, có chất lượng cả công lập và ngoài công lập, tuyển sinh tốt trước đây thì dù cơ chế nào cũng tiếp tục tuyển sinh tốt, do họ đã nỗ lực tự khẳng định mình và tạo dựng được thương hiệu với người học và xã hội.

Còn với những trường bị người học đánh giá kém về chất lượng, hoặc chưa tạo dựng được lòng tin với xã hội thì việc tuyển sinh luôn khó khăn. Thế nên giờ đây, kiểm định chất lượng chính là điều không thể không làm, cũng là cách mà các trường minh bạch, công khai với người học và xã hội về chất lượng và uy tín của mình, từ đó mà tạo sức hút.

Không còn là cảnh báo mà là thực tế, việc các trường đại học nếu không quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, thì người học sẽ quay lưng và điều này sẽ tác động trực tiếp đến chính các trường này khi xã hội đã quay lưng thì khó có thể tồn tại lâu dài.

Thực tế đang minh chứng một điều, giáo dục đại học đang cạnh tranh ngày càng gay gắt, khi thí sinh đã có nhiều hơn một sự lựa chọn so với trước kia: Giờ đây có quá nhiều trường đại học để họ sàng lọc, chọn lựa tìm trường nào có uy tín, chất lượng đảm bảo sau khi tốt nghiệp cơ hội việc làm thuận lợi nhất cho mình.

Chính vì vậy, không có cách nào khác là các trường đại học phải cải thiện chất lượng và nâng cao uy tín với người học và xã hội, vì dù có được tự chủ lớn đến đâu, xây dựng chỉ tiêu nhiều thế nào mà không có người học cũng là thất bại. Người học, xã hội sẽ nhìn vào thông tin kiểm định của những trường này để đưa ra quyết định có theo học hay không.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Việc 4 trường đại học đạt chuẩn kiểm định quốc tế đánh dấu sự phấn đấu liên tục của 4 trường trong nỗ lực xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước. Kết quả này không chỉ khẳng định uy tín của 4 trường ở phạm vi trong nước mà trên cả bình diện quốc tế, làm tăng cơ hội hợp tác với giáo dục đại học nước ngoài, thu hút sinh viên các nước đến học, tiến tới quốc tế hóa chương trình đào tạo. Thêm nữa, kết quả trên cũng giúp giáo dục đại học Việt Nam có cái nhìn cụ thể hơn khi so sánh điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của 4 trường với chuẩn mực quốc tế mà lâu nay chúng ta chưa có điều kiện thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ