Nông dân người Mường thu tiền tỷ từ mô hình trồng cau

GD&TĐ - Sau 16 năm bén duyên với nghề trồng cau, hiện gia đình nông dân người Mường Hà Văn Dũng đã có tới 5ha cau, cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Ông Hà Văn Dũng bên vườn cau tiền tỷ của mình.
Ông Hà Văn Dũng bên vườn cau tiền tỷ của mình.

Mạnh dạn chuyển đổi

Sinh ra ở vùng quê nghèo xã Giao An, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hoá, ông Hà Văn Dũng (SN 1966) có 10ha đất trồng cây dược liệu kết hợp trồng cỏ nuôi thả dê, bò. Tuy nhiên, việc sản xuất theo mô hình này kém hiệu quả do không hợp thổ nhưỡng, giá bán bấp bênh, lợi nhuận thu được hàng năm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Năm 2006, trong một lần ra các tỉnh phía Bắc thu mua dược liệu, ông Dũng nhận thấy người dân ở đây sử dụng cau khá nhiều và giá khá cao, nhưng nguồn cung cấp cau lại thiếu.

Ông Dũng bén duyên với nghề trồng cau từ năm 2006.

Ông Dũng bén duyên với nghề trồng cau từ năm 2006.

Ông nảy ra ý tưởng trồng cau ngay tại quê nhà để cung cấp cho các tỉnh phía Bắc. Ban đầu, ông trồng thử 1.200 cây cau trên diện tích 10 sào vườn. Đến năm 2011, vườn cau nhà ông bắt đầu cho thu hoạch. Dần dần thấy cây cau phát triển và cho thu hoạch tốt, giá cau quả trên thị trường cũng ổn định nên ông đã quyết định bỏ mía, nhãn, chuyển hẳn sang mở rộng trồng cau.

Người nông dân này cho biết, cau từ khi ươm quả đến lúc thu hoạch mất 5 năm, mỗi cây trung bình sẽ cho 15-20kg quả/mùa. Tuy nhiên, đây là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc.

Năm 2022, vườn cau của ông cho thu hoạch hơn 700 cây. Với giá hiện tại khoảng 85.000 đồng/kg, ông thu về hàng tỷ đồng. Ông Dũng cũng dự định đến năm 2024, toàn bộ 5ha cho thu hoạch, ông có thể thu về gần chục tỷ đồng/năm.

Ngoài bán cau quả, ông Dũng còn ươm cây giống bán.

Ngoài bán cau quả, ông Dũng còn ươm cây giống bán.

Đặc biệt, mô hình trồng cau của ông Dũng không chỉ cho thu nhập từ quả mà mo cau cũng được ông bán ra với giá 3.000 đồng/chiếc.

Ngoài ra, mấy năm gần đây, nhận thấy nhu cầu trồng cau của người dân cao, ông Dũng lại mày mò học cách ươm giống rồi bán cho người dân

Theo ông Dũng, để ươm được cây giống phải trải qua nhiều công đoạn như để cau chín, phơi khô. Khi cau khô sẽ mang đi ngâm, ủ cho đến khi nảy mầm mới ươm từ 3-4 tháng, đến lúc cây ra 2 lá, một ngọn sẽ xuất bán.

Ông Dũng cho biết, mỗi cây cau non 4 tháng tuổi sẽ được người dân đến mua tại vườn, sản xuất không kịp trả đơn đặt hàng. Gia đình ông hiện đang cho ươm khoảng 4 vạn cây giống, mỗi cây giống cũng có giá bán 25.000 đồng.

“Thực tế vài năm nay, hiệu quả kinh tế mà cây cau đang mang lại rất cao so với trồng các cây khác như chanh, bưởi, mía... nếu trong nhà trồng vài trăm cây cau thì người nông dân có thể không phải lo lắng quá nhiều về thu nhập", ông Dũng nói.

Sau 4 tháng ươm sẽ xuất bán cây con.

Sau 4 tháng ươm sẽ xuất bán cây con.

Thành công nhờ 'bén duyên' với cây cau

Không chỉ mang lại thu nhập cao, mô hình trồng cau của ông Dũng còn tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập khoảng 200 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, rất nhiều lao động thời vụ của địa phương cũng được giải quyết việc làm.

Nông dân người Mường này còn lên kế hoạch tương lai sẽ mở khu du lịch sinh thái với những luống cau cao tít tắp trên thửa đất rộng giáp bờ suối.

Hiện tại, không chỉ mình ông Dũng trồng cau mà ông còn khuyến khích anh em, họ hàng trong gia đình và người dân địa phương cùng tham gia trồng cau, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nâng cao đời sống bà con, góp phần thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo.

“Cây cau sức sống mãnh liệt, chịu được khô hạn và không mất nhiều công chăm sóc nên phù hợp với đồi núi, khí hậu mưa nắng thất thường ở quê tôi", ông Dũng chia sẻ.

Loại cau của gia đình ông Dũng là giống bản địa, quả to, tròn và rất đều nên sau khi thu hái được xuất đi các thành phố lớn phục vụ đám cưới hỏi. Ngoài ra, ông Dũng cũng xuất khẩu đi Trung Quốc làm nguyên liệu chế biến kẹo cau.

“Từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng thấy nó đội giá lên, năm ngoái gia đình xuất bán hơn 4 tấn còn 3 tấn để làm cau giống. Khi bén duyên với cây cau, gia đình cũng chưa từng nghĩ có ngày lại thành công như vậy”, ông Dũng phấn khởi cho biết.

Cau chín được sử dụng làm giống.

Cau chín được sử dụng làm giống.

Được biết, hiện nay tổng diện tích trồng cau trên địa bàn xã Giao An là hơn 10ha, dự kiến giai đoạn 2022 - 2025 sẽ nhân rộng mô hình lên đến 50ha.

UBND huyện Lang Chánh cũng đã về khảo sát đánh giá mô hình trồng cau của ông Dũng và cho biết, nếu vài năm tới, cây cau cho giá trị kinh tế, thị trường ổn định, huyện sẽ nhân rộng nhằm khai thác quỹ đất dôi dư, sản xuất kém hiệu quả trong các thôn bản để ổn định kinh tế vùng nông thôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ