Nông dân chủ động xây dựng thương hiệu thay vì phụ thuộc vào chính sách bảo hộ

GD&TĐ - Tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nông dân cần chủ động xây dựng thương hiệu nông sản thay vì phụ thuộc vào các chính sách bảo hộ.

Thủ tướng đối thoại với nông dân
Thủ tướng đối thoại với nông dân

Bình ổn giá vật tư

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) đặt vấn đề thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải "treo ao", "treo chuồng" và hỏi về biện pháp để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?

Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, về giá cả hàng hóa toàn cầu, trong đó có giá vật tư nông nghiệp đã tăng rất cao trong gần 2 năm qua là do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng cao.

Thứ hai, nguồn cung trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thứ ba, gián đoạn chuỗi cung ứng bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rất cố gắng để kiềm chế tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp trong nước. Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp để yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu; Phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ tại thị trường trong nước; Hạn chế xuất khẩu những mặt hàng là vật tư có tính chiến lược; Cùng với đó là nghiên cứu những chính sách có thể điều chỉnh thuế, phí.

Ông Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiểm soát vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là vật tư nông nghiệp. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại, bàn bạc việc chia sẻ khó khăn cho người nông dân.

Theo ông Diên, hiện nay, đối với sản xuất phân bón, giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 130 - 170%, giá đầu ra cũng tăng tương ứng. Thực tế là vật tư đầu vào chỉ chiếm khoảng 55-60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, mặc dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất để chia sẻ lợi ích với người nông dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các Bộ, Ngành cũng sẽ tiếp tục đề nghị xem xét lại thuế giá trị gia tăng đối với phân bón để giúp kiềm chế mức độ tăng giá.

Giải pháp cuối cùng, nếu tiếp tục có sự leo thang về giá, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ trợ giá một số vật tư thiết yếu.

Nhìn tổng quan hướng tháo gỡ về giá cả mà các Bộ, Ngành đưa ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích chính sách liên quan đến tiền tệ, giảm lãi suất... Theo Thủ tướng, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu. Người nông dân cần nâng cao nhận thức thương hiệu bởi điều này rất quan trọng.

Muốn có thương hiệu, cần tổ chức sản xuất dày công, sản phẩm đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Thủ tướng cho rằng: Xây dựng thương hiệu phải tự chủ, không thể phụ thuộc vào chính sách bảo hộ trong nước.

Chống "tín dụng đen"

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022.

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022.

Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nông dân Trần Thị Thanh Thoan (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho biết: Vẫn còn nhiều người khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Nạn “tín dụng đen” vẫn còn "đất" để tồn tại. Chị Thoan đặt câu hỏi, “Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?”.

Trả lời câu hỏi, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết: Năm 2017, NHNN đã khảo sát thực tế và thấy rõ điều này. Ngành ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong đó. Theo ông Đào Minh Tú, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen. Và từ 2017, NHNN có nhiều chính sách để hạn chế "tín dụng đen".

Đến nay, theo đánh giá sơ bộ giữa NHNN và Bộ Công an, hệ lụy gây ra từ hoạt động "tín dụng đen" đã giảm 1/2 so với thời điểm 2017. Những sự việc đau lòng từ hệ lụy của hoạt động tín dụng nói trên cũng hạn chế theo.

Ông Tú cho biết, tới đây, NHNN sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng chính thức. “Năm 2019, chúng tôi cùng Bộ Công an đi khảo sát ở Hòa Bình, những nơi vùng sâu vùng xa nhận ra hai vấn đề. Muốn hạn chế "tín dụng đen", tăng cường tín dụng chính thức thì phải để người dân hiểu: Vay vốn chính thức ngân hàng không khó khăn như nhiều người nói và ngại đến ngân hàng. Ngoài ra, cần kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý người dân, nắm được nhân thân cũng như mục đích vay vốn chính đáng chứ không phải vay vốn để lô đề cờ bạc”, ông Tú chỉ rõ.

Làm rõ thêm vấn đề chị Trần Thị Thanh Thoan nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngân hàng nghiên cứu thêm các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân. 

Thủ tướng cho rằng, việc chống "tín dụng đen" phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phải phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn. Trên cơ sở đó, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.