Nông dân Ba Lan bức xúc chặn hàng trăm con đường

GD&TĐ - Người biểu tình Ba Lan phản đối những gì họ coi là yêu cầu quá cao về môi trường của EU và hàng nhập khẩu giá rẻ không công bằng từ Ukraine.

Nông dân Ba Lan phản đối các chính sách nông nghiệp.
Nông dân Ba Lan phản đối các chính sách nông nghiệp.

Ngày 20/3, nông dân Ba Lan tăng cường biểu tình trên toàn quốc, chỉ trích các chính sách nông nghiệp của EU và làn sóng nhập khẩu miễn thuế từ Ukraine.

Theo các phương tiện truyền thông, hàng chục nghìn nông dân đã chặn đường ở hàng trăm địa điểm trên khắp đất nước.

Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, những người biểu tình đã chặn các con đường chính dẫn ra thủ đô Warsaw bằng máy kéo và các thiết bị nông nghiệp khác.

“Chúng tôi đã hết lời lẽ tranh luận rồi. Chúng tôi cần làm việc trên cánh đồng, mùa xuân đã đến, nhưng việc này chẳng ích gì, vì chúng tôi sẽ không kiếm được gì cả, vì vậy chúng tôi ở đây”, một trong những người biểu tình, một nông dân tự xưng là Krzysztof, nói với RIA Novosti.

Các con đường dẫn đến biên giới Đức-Ba Lan cũng bị chặn. Video từ khu vực này cho thấy hàng chục phương tiện đỗ trên đường cao tốc, cản trở giao thông.

Cảnh sát đã được gọi đến các địa điểm nơi người biểu tình tụ tập, nhưng cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về vụ đụng độ.

Theo truyền thông, nông dân Ba Lan đã lên kế hoạch chặn hơn 500 con đường ngày 20/3, cam kết sẽ “làm tê liệt” đất nước. Cảnh sát Ba Lan cho biết họ đã biết về hơn 580 cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào 20/3 và dự kiến sẽ có khoảng 70.000 người tham gia.

Các cuộc biểu tình của nông dân đã diễn ra ở Ba Lan và khắp các nước EU khác trong nhiều tuần. Những người biểu tình kêu gọi thay đổi các hạn chế do chính sách môi trường của khối đặt ra và ngừng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ bên ngoài khối, chủ yếu là Ukraine.

Nông dân phàn nàn rằng họ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine đang tràn ngập thị trường EU.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt của nông dân, Brussels đã đạt được thỏa thuận tạm thời nhằm gia hạn quyền tiếp cận miễn thuế của Ukraine vào thị trường nước này cho đến tháng 6/2025.

Tuy nhiên, thỏa thuận trên đưa ra một “hệ thống phanh khẩn cấp” đối với nhập khẩu gia cầm, trứng, đường, yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong nếu số lượng của chúng vượt quá mức trung bình của năm 2022 và 2023.

Mặc dù vậy, những người biểu tình ở Ba Lan phản đối thỏa thuận này, nói rằng họ muốn điểm tham chiếu cho giới hạn nhập khẩu là những năm trước xung đột Ukraine, vì số lượng hàng khi đó thấp hơn nhiều.

Tuần trước, các nhà lập pháp EU cũng đề xuất nới lỏng một số quy định về môi trường, chẳng hạn như các biện pháp nhằm luân canh cây trồng, nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Đây sẽ là một trong những chủ đề thảo luận của các bộ trưởng nông nghiệp các quốc gia thành viên EU tại cuộc họp tiếp theo ngày 26/3.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ