Nồng ấm tình yêu nghề giáo

GD&TĐ - Dạy học với những thầy, cô giáo ấy không đơn thuần là nghề, mà còn là nghiệp. 

Học sinh điểm trường Tu Gia, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My) được tặng dép, áo ấm, áo mưa chuẩn bị cho những ngày đông rét mướt.
Học sinh điểm trường Tu Gia, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My) được tặng dép, áo ấm, áo mưa chuẩn bị cho những ngày đông rét mướt.

Thanh xuân của họ gắn bó với núi rừng, bản làng, họ trăn trở với từng trang giáo án, cùng đồng hành, tìm mọi cách hỗ trợ bà con thoát nghèo. Mỗi thầy cô đều góp phần không nhỏ vào thay đổi diện mạo vùng đất mình ở lại.

Những người kết nối đặc biệt

Ở điểm trường nóc Ông Tuấn (thôn 4, xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) có một tấm bảng rất đặc biệt. “Điểm trường này chính là một món quà xuất phát từ lời hứa và tấm lòng của một nhà hảo tâm tại thành phố Đà Nẵng đã góp công xây dựng và trao tặng khi Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đạt ngôi Á quân tại vòng chung kết U23 châu Á năm 2018.

Lấy ý chí phi thường vượt qua những khó khăn trong thi đấu thể thao và đạt thành tích cao của các cầu thủ trẻ U23 Việt Nam, chúng tôi hy vọng mái trường này sẽ luôn là nơi giúp các em nuôi dưỡng tâm hồn mình cùng nghị lực để học tập tốt, vươn lên trong cuộc sống”.

Điểm trường này đã truyền cảm hứng để một số nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ xây tiếp 4 điểm trường và 2 cây cầu treo giúp học sinh các thôn vùng sâu của Nam Trà My đến trường an toàn trong mùa mưa bão. Sắp tới đây, học sinh mầm non và tiểu học điểm trường nóc Long Cheng (thôn 1, xã Trà Cang) sẽ được học trong các phòng học được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, an toàn và đủ ấm về mùa đông.

Hai điểm trường này cùng với gần 60 điểm trường khác ở những bản làng heo hút của núi rừng Nam Trà My, chưa có cả đường giao thông được thầy Nguyễn Trần Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính kết nối các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng. Thầy Vỹ cũng đồng thời là Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My. Chủ trương của CLB là cứ điểm trường nào có đường đi xe máy tiếp cận được sẽ huy động các nguồn tài trợ để xây dựng lớp học kiên cố hóa, có tivi, có điện năng lượng mặt trời, có thêm cả đồ chơi, tủ sách, cả nhà công vụ cho giáo viên.

Bên cạnh đó, CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My còn cung cấp con giống và cây trồng cho những hộ dân đặc biệt khó khăn của vùng núi cao Nam Trà My 4 năm nay. Từ giống cây lâu năm như cây quế, thầy Vỹ cùng các CLB tình nguyện chuyển hướng sang tặng các giống cây ngắn ngày, sớm có thu hoạch hơn như cây ăn trái. Gần 20 nghìn cây giống các loại như quế, mít, xoài… đã được trao tặng cho các hộ dân cải thiện sinh kế.

Nhiều đổi thay của nóc Tắk Pổ, ngôi làng quanh năm sương lạnh trên đỉnh núi Ngọc Linh được ghi nhận từ vạn tấm lòng kể từ sau bộ ảnh của cô giáo Trà Thị Thu về khai giảng giản dị nhưng đầy ấm cúng năm 2019. Cô Trà Thị Thu, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) đã dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình với vùng đất này.

Điểm trường ở nóc Long Cheng (thôn 1, xã Trà Cang) sắp được khánh thành và đưa vào sử dụng từ nguồn xã hội hóa.

Điểm trường ở nóc Long Cheng (thôn 1, xã Trà Cang) sắp được khánh thành và đưa vào sử dụng từ nguồn xã hội hóa.

7 năm gắn bó với các bản làng ở Trà Tập, trong đó phần nhiều thời gian dạy học ở Tắk Pổ, cô Trà Thị Thu vẫn ấp ủ ước mơ thay đổi thói quen vệ sinh lâu nay của bà con. Mỗi lần đi vệ sinh, bà con thường đi vào rừng, ra ngoài núi. Trước Tết Nguyên đán 2022, ước mơ “phủ” công trình vệ sinh cho dân làng Tắk Pổ của cô giáo Thu dần trở thành hiện thực khi có nhà hảo tâm hỗ trợ 70 triệu đồng làm kinh phí xây dựng.

Quá trình xây dựng nhà vệ sinh, cô Thu trở thành “kỹ sư bất đắc dĩ”, phải tự tìm hiểu kỹ thuật xây nhà vệ sinh tự hủy, vừa hướng dẫn bà con cách đào hầm vừa giám sát chất lượng công trình. Tuy nhiên, niềm vui của cô Thu nhiều hơn thế: “Nếu gia đình học sinh có nhà vệ sinh khép kín, thì những kỹ năng tự chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho bản thân mà cô giáo hướng dẫn ở lớp, các em có thể thực hiện ở nhà và trở thành thói quen. Cô giáo không mất công lặp đi lặp lại nhiều lần. Bản làng cũng sẽ sạch đẹp, vệ sinh hơn…”.

Chi phí của mỗi công trình vệ sinh chỉ hơn 2 triệu đồng, nhưng với những hộ gia đình sống trên dãy núi Ngọc Linh, đây là món quà quý. Anh Hồ Văn Tiến, Phó Trưởng nóc Tắk Pổ, phấn khởi: “Bà con rất vui khi có chỗ đi vệ sinh kín đáo, sạch sẽ, không phải đi ra xa ngoài núi; hết sợ heo, sợ vắt. Chị em thì mùa đông cũng có chỗ tắm rửa, không phải ra suối nữa…”.

Đường lên Tắk Pổ giờ đây đã có thể đi được xe máy. Một ngôi trường mới, kiên cố, hiện đại từ nguồn xã hội hóa được đưa vào sử dụng. Mấy chục cây anh đào được nhà hảo tâm gửi tới tặng điểm trường, triền đồi đầy thơ mộng trong nay mai. Có điện mặt trời, có đường, cuộc sống của bà con Tắk Pổ đang đổi thay từng ngày từ những kết nối của các thầy, cô giáo. Có đường, bà con sẽ thuận tiện vận chuyển nông sản, dược liệu về trung tâm xã để bán. Dự án trồng thí điểm cây sâm Ngọc Linh cũng đang triển khai, hứa hẹn ngày mai no ấm.

Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) không nhớ bao nhiêu lần mình bị ngã xe, lấm lem bùn đất trong hơn 12 năm dạy học. Chừng đấy thời gian, cô đã phải thay 3 chiếc xe máy. Nhiều hôm xe hỏng, cô đành phải để lại dọc đường rồi đi bộ vào làng dạy học. Thế nhưng, dù theo lịch phân công, mỗi tuần chỉ phải trực hướng dẫn cho học sinh nội trú tự học, nhưng cô Trang luôn sắp xếp việc nhà để có thể ở lại với các em nhiều hơn. “Học sinh nắm chắc kiến thức thì sẽ không sợ học, không nghĩ đến chuyện nghỉ học, thầy, cô giáo vì vậy cũng đỡ vất vả hơn…”, cô Trang giải thích.

Thầy Nguyễn Văn Thông cười hiền khi được hỏi tại sao lại chọn tình nguyện từ vùng xuôi lên dạy học ở xã vùng biên giới Đông Giang khi Trường THPT Võ Chí Công (Quảng Nam) vừa mới thành lập, còn ngổn ngang khó khăn, thiếu thốn. Đang dạy môn Địa lý ở Trường THPT Thái Phiên (huyện Thăng Bình), thầy Thông đăng ký chuyển công tác lên vùng núi xa xôi, hiểm trở, sống giản dị trong khu nội trú, cùng ăn, cùng ở với học sinh. Học sinh của thầy cũng dần vững vàng, cứng cáp, tự tin hơn qua mỗi mùa thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Niềm vui đó, bù đắp lại cho những hy sinh hạnh phúc cá nhân của thầy, khi để lại quê nhà vợ và con nhỏ có khi vài tháng mới lại được đoàn tụ.

Niềm vui của học sinh điểm trường Tăk Râu (thôn 2, xã Trà Nam, Nam Trà My) trong ngày làm lễ bàn giao công trình cải tạo trường học từ nguồn xã hội hóa.

Niềm vui của học sinh điểm trường Tăk Râu (thôn 2, xã Trà Nam, Nam Trà My) trong ngày làm lễ bàn giao công trình cải tạo trường học từ nguồn xã hội hóa.

Ấm thêm từ những bàn tay

Trong vụ sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Sinh (xã Trà Vân, Nam Trà My) tháng 10/2020, chị em Đinh Hoàng Thái, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Ba mẹ và 2 em của Thái, một em đang học mẫu giáo, một em mới sinh bị vùi lấp sâu dưới đống đổ nát. Những ngày Thái được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để điều trị do bị gãy chân, nhà trường đã luân phiên cử thầy, cô giáo chăm sóc em. Sự ngơ ngác của Thái nhờ vậy cũng được xoa dịu đi rất nhiều nhờ có sự đùm bọc, chăm sóc, yêu thương của thầy cô cho chuỗi ngày dài sau đó.

Sau thảm họa sạt lở núi tháng 11/2017, thầy Lê Châu Khánh được trường tiểu học phân công về làng Khe Chữ để sớm ổn định dạy học. Trong cuộc đời dạy học của mình, thầy Châu có lẽ chưa bao giờ tưởng tượng được rằng, sẽ có những thời điểm dùng miếng ván nhỏ để thay thế bảng đen, phấn trắng là mẩu than củi nhặt lại trong đống đổ nát của mấy chục ngôi nhà dân sót lại. Trẻ con phải đến trường để người lớn còn dựng lại nhà cửa, lo toan nhiều nỗi sau những đau thương, mất mát.

Thầy Khánh kể, lúc đấy, dù có phân tâm đến mấy giữa những chộn rộn, bộn bề của bà con thì cũng phải tìm mọi cách vận động trẻ đến trường. Các em đi học trở lại, dẫu thiếu thốn thì đó cũng là dấu hiệu để người dân bắt nhịp lại với cuộc sống bình thường. Mấy chục học trò chung nhau hai quyển sách, không bút, không vở vì đã bị vùi lấp hết cả.

Thầy Khánh cùng với cô Hồ Thị Ngọ, giáo viên đứng điểm lớp mẫu giáo đã nhận luôn phần lo bữa cơm trưa cho học trò ở lại trường. Có như thế thì phụ huynh mới có thời gian sớm dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống ở nơi ở mới. Rồi nhịp sống ở Khe Chữ dần trở lại, trong ngậm ngùi vẫn có những ấm áp, cưu mang của thầy, cô giáo giữa những ngày lòng người còn tao tác. Hết năm học đó, khi Khe Chữ có trường mới kiên cố, thầy Khánh trở về trường chính dạy học. Nhưng những kỷ niệm ở Khe Chữ vẫn thật khó quên trong tâm trí của người thầy giáo trẻ.

Khó để đong đếm hết những chăm chút, yêu thương của đội ngũ thầy, cô giáo đang ngày ngày gắn bó với những bản làng vùng khó. Từ lo bữa ăn, cái mặc, đôi ủng đi mưa, áo ấm trong những ngày đông giá rét đến những dự án dài hơi nhằm trao sinh kế bền vững cho phụ huynh để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Thầy, cô giáo nào cũng tự nhận thêm một sứ mệnh đặc biệt – làm người kết nối để học sinh được nhận thêm nhiều hỗ trợ từ các câu lạc bộ thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Những nguồn lực này đã và đang tăng cường các điều kiện cần thiết cho sinh hoạt, học tập của học trò tốt và đầy đủ hơn.

“Đối với người khác, “thành công” là một cái gì đó to lớn hay cao sang nhưng với bản thân thì đơn giản. Chỉ cần thấy tụi nhỏ hợp tác, biết bản thân phải thực hiện nhiệm vụ. Có cái màu chữ tim tím, xanh xanh trong trang vở nộp cho cô là “thành công” và vui rồi. Còn chuyện trong những nét chữ ấy thể hiện đúng hay sai nội dung cô giao thì tính sau…”. - Cô giáo Nguyễn Thị Trang, Trường Tiểu học – THCS Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.