Nồng ấm tình yêu nghề giáo

GD&TĐ - Vào nghề năm 1983, thời điểm mà nhiều giáo viên không trụ lại được với nghề vì khó khăn, thầy giáo Lê Cư, giảng dạy môn Vật lý, vẫn không bỏ nghề, dù là nghề tay trái “nuôi” nghề dạy học. 

Nồng ấm tình yêu nghề giáo

Đến thời điểm năm 1988, trong đợt tinh giản biên chế, thầy Cư xin nghỉ để nhường cho đồng nghiệp. Nhưng rồi tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, thôi thúc người thầy giáo ấy quay trở lại với nghề và liên tiếp có những sáng tạo trong dạy học.

Duyên nghề khó dứt

Năm 1989, thầy Lê Cư, lúc ấy đang dạy học tại Trường THPT Hòa Vang (TP Đà Nẵng), dù không ở trong diện tinh giản biên chế, vẫn tình nguyện xin nghỉ chế độ: “Dù sao còn có nghề điện, điện tử trong tay, ra ngoài còn có thể xoay xở được”. Thôi dạy học, nhưng vẫn nhớ nghề, thầy Lê Cư vừa nhận thi công phần điện cho các công trình xây dựng nhà cửa, vừa nhận dạy nghề ở các trung tâm đào tạo nghề của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Được đứng lớp, nỗi nhớ nghề cũng nguôi ngoai đi phần nào, nhưng tận trong thẳm sâu, thầy Lê Cư vẫn nhớ không khí của một trường phổ thông: “Mình được đào tạo sư phạm bài bản mà không tiếp tục nghề dạy học thì tiếc quá. Ở giai đoạn khó khăn chung, mình đã hy sinh một phần của mình rồi nên khi ổn định, mình quyết định trở lại với nghề”.

Thi công chức để trở lại ngành vào năm 2000, khi đã gần 40 tuổi, thầy Lê Cư cho biết: “Cũng phải vượt qua nhiều thứ vì lúc đó công việc bên ngoài của mình đang ổn định, thậm chí là thu nhập cao, trong khi muốn đi dạy thì đồng nghĩa với việc bắt tay làm lại từ đầu”. Kể từ năm 2005 cho đến nay, thầy Lê Cư liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, vinh dự được nhận 4 bằng khen của Chủ tịch UBND TP, 3 bằng khen ở Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp TP.

Niềm vui từ những cải tiến, sáng tạo

Mới đây nhất, với đề tài Ứng dụng quang trở vào việc tiết kiệm điện trong lớp học, thầy Cư được giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp TP lần thứ 14. Ngoài tiết kiệm điện, với sáng tạo này, HS còn hình dung được hoạt động của quang trở. “Các thiết bị sử dụng chỉ gồm một quang trở, một biến trở. Khi ánh sáng rọi vào lớp học đủ sáng thì đèn chiếu sáng trong lớp học tắt dù HS có thể điều khiển công tắc lớp học. Với biến trở để điều chỉnh độ sáng, trong những lúc có mây che mặt trời, đèn chiếu sáng của lớp học có thể tự động tăng thêm độ sáng”.

Trước đó, thầy Lê Cư đã có sáng kiến cải tạo đồng hồ đo điện số 964 của bộ thí nghiệm. Bộ đồng hồ 964 dùng để kết nối với hộp công tắc để thực hành đo gia tốc rơi tự do, đo hệ số ma sát. Thầy Cư là một trong những báo cáo viên môn Vật lý, chỉ sau ngày đầu tiên khi GV thực hiện bài thí nghiệm thì thấy công tắc bị hư hỏng rất nhiều.

“Mình mở đồng hồ ra xem thì thấy tuy hai bộ đồng hồ có cùng model nhưng cấu tạo là khác nhau, nếu GV không để ý mà lẫn lộn giữa bộ này sang bộ khác thì sẽ bị hỏng công tắc ngay” - thầy Cư cho biết. Từ đó, thầy Cư xây dựng biện pháp khắc phục sự cố bằng cách tạo ra một bộ công tắc với 2 công tắc riêng, nếu dùng cho đồng hồ màu vàng thì công tắc tương ứng sẽ có tác dụng.

“Thói quen từ những ngày còn giảng dạy tại các lớp đào tạo nghề bắt buộc tôi phải luôn tiến hành thí nghiệm trong các giờ dạy. Những thực nghiệm này vừa giúp cho HS dễ hình dung và khắc sâu được kiến thức” – thầy Cư cho biết. Sáng tạo “thí nghiệm dòng điện trên chân không”, “sự phóng tia điện trong không khí ở điều kiện thường” ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Hay như việc thầy Lê Cư mày mò thực nghiệm để hướng dẫn cho đồng nghiệp sử dụng đồng hồ hiện sóng. Máy đo đồng hồ hiện sóng có thể phục vụ cho nhiều thí nghiệm của chương trình lớp 12 như kiểm tra sóng của dòng điện trong điều kiện dòng điện và điện áp của một động mạch chỉ có điện trở thuần thì đồ thị của nó có cùng một pha, nếu động mạch chỉ có một tụ điện thì đồ thị sẽ lệch pha 90 độ. Những kết luận này, nếu không có thí nghiệm thì HS bắt buộc phải chấp nhận nhưng các em sẽ rất khó nhớ – thầy Cư cho biết.

Những sáng kiến, sáng tạo của thầy Lê Cư đều được công bố rộng rãi cho đồng nghiệp, để “nếu ai có điều kiện phát triển thêm thì cứ phát triển”. Những cống hiến lặng thầm được thầy Lê Cư giải thích là để trả lại món nợ ân tình mà niềm vui nghề nghiệp mang lại cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ