Theo thông lệ, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu Mao Điền. Người Hải Dương cũng như người dân cả nước ở khắp nơi lại tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.
Năm nay, theo UBND tỉnh Hải Dương, Lễ hội Văn Miếu Mao Điền được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 22/3 đến hết ngày 24/3năm 2019 (tức từ ngày 17/2 đến ngày 19/2 năm Kỷ Hợi) với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc.
Trong các ngày diễn ra Lễ hội có các hoạt động trưng bày chuyên đề như: “Văn Miếu Mao Điền xưa và nay"; "Giới thiệu thân thế sự nghiệp Đức Thánh Khổng Tử và các vị đại khoa phối thờ tại di tích"; trưng bày hoa lan năm thứ 2 với chủ đề“Sắc xuân Văn miếu Mao Điền”.
Thầy và trò các trường học trong tỉnh Hải Dương dâng hương tại Văn miếu Mao Điền |
Năm nay là năm đầu đầu tiên tổ chức trưng bày những hiện vật lều chõng, gánh sách, bút nghiên của các sĩ tử nho sinh ngày xưa và các hình ảnh thi cử nho học, các thể lệ thi được trưng bày tại khu vực phía Tây nhà bia tiến sĩ nho học với chủ đề “Trường thi Hương Trấn Hải Dương tại Mao Điền”; Triển lãm ảnh "Đất và người Hải Dương" do CLB nhiếp ảnh Thành Đông (TP Hải Dương) thực hiện trưng bày tại khu vực hồ Văn Miếu gồm 50 tác phẩm ảnh chụp đã được lựa chọn và trưng bày tại Triển lãm Hà Nội.
Bên cạnh đó còn tổ chức Lễ Tế Thánh; Lễ tạ; tổ chức nghi lễ dâng hương các trường trong và ngoài tỉnh về thăm quan di tích; giao lưu biểu diễn dưỡng sinh, giao lưu văn hóa văn nghệ...
Cùng với Lễ khai hội Văn Miếu Mao Điền, ngày hội sách Xuân Kỷ Hợi hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21/4) cũng được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương tổ chức vào dịp này dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân và các em học sinh, sinh viên đến tham quan cũng như tham gia vào các hoạt động phong phú của Ngày hội sách Xuân.
Ngày hội sách Xuân Kỷ Hợi của tỉnh Hải Dương góp phần tôn vinh đạo học, tôn vinh giá trị sách, giá trị tri thức, qua đó khẳng định giá trị truyền thống hiếu học và ham đọc của người xứ Đông Văn hiến, góp phần bồi đắp nguyên khí quốc gia.
Văn Miếu Mao Điền thuộc địa phận xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.Được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV), Văn miếu Mao Điền là di tích lịch sử thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa Nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến, đồng thời với Văn Miếu là trường thi Hương của xứ Đông - Trấn Hải Dương.
Nhiều trường học, dòng họ trao học bổng cho HS hiếu học tại Văn miếu Mai Điền |
Đầu thế kỷ XVI, do Thăng Long bất ổn về chính trị nên nhà Mạc đã tổ chức 4 khoa thi Hội tại trường thi Mao Điền. Trong đó có khoa thi Ất Mùi năm Đại Chính thứ 6 (1535), trấn Hải Dương có Nguyễn Bỉnh Khiêm, người nổi tiếng Thủ khoa cả ba kỳ thi: Hương, Hội, Đình, được triều đình phong tặng Trạng nguyên.
Hàng năm vào ngày “Đinh” đầu tháng “Trọng xuân” (18/2) và “Trọng thu” (20/8), trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sĩ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống “Hiếu học và tôn sư, trọng đạo” của người tỉnh Đông. Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ Nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075 - 1919), cả nước có 2.898 tiến sĩ thì trấn Hải Dương có 637 vị, trong số 46 Trạng nguyên, Hải Dương có 12 người. Đặc biệt là Hải Dương còn có “Lò tiến sỹ xứ Đông” thuộc thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Tại đây có 39 vị tiến sỹ Nho học qua các thời kỳ lịch sử.Sau khi đỗ đạt, hầu hết các vị Đại khoa đều mang hết tài năng của mình để xây dựng đất nước.
Với ý nghĩa đó, năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 97/QĐ-VH xếp hạng Văn Miếu Mao Điền là di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 25/12/2017 di tích đã được Thủ Tướng Chính phủ ký Quyết định số 2082/QĐ -TTg xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt xứng tầmlà biểu tượng Văn hiến của đất và người Xứ Đông.