Nơi tiền mặt sắp tuyệt chủng

GD&TĐ - Somaliland, nước cộng hòa nhỏ bé “tự xưng” tách khỏi Somalia ở Đông Phi được biết đến với tỉ lệ mù chữ cao nhất thế giới và có nền kinh tế tan nát vì nội chiến, nay sắp sửa trở thành nơi đầu tiên trên trái đất không sử dụng tiền mặt.

Nơi tiền mặt sắp tuyệt chủng

Câu chuyện của những người bán hàng

Khoảng nửa tá đàn ông ngồi quanh chiếc sạp nhỏ tại ngôi chợ trời lộ thiên đầy màu sắc tại con đường chính ở thủ phủ Hargeisa của “quốc gia tự xưng” Somaliland. Họ lớn tiếng tranh cãi về chất lượng lá khat, một loại ma túy thiên nhiên có chứa caffein và cocaine mà họ mới mua xong.

Khách đến nhanh đi nhanh sau khi mua được những bó lá trồng hợp pháp và “đủ tốt” sau khi… nhấn nhấn bàn phím điện thoại. “Cái gì ở đây cũng nhanh, chỉ có thanh toán bằng tiền mặt là chậm. Thanh toán chậm dễ dẫn đến nóng nảy và hậu quả khó lường” - Omar, một trong những người bán hàng vừa nhai lá khat vừa nói. Do rắc rối của tiền giấy nên hầu như không có khách mua nào trả bằng tiền mặt ở đây. Cũng không có thẻ tín dụng hay phương tiện thanh toán quen thuộc nào khác. Dĩ nhiên, không có chuyện miễn phí mà khách sẽ dùng điện thoại di động trả tiền. Giao dịch hoàn tất trong vài giây.

Somaliland nhỏ bé không có gì hay ho để thế giới học hỏi, nhưng ai muốn chứng kiến một xã hội không tiền mặt vận hành thế nào và tận dụng công nghệ thế nào thì xin đến đây. Theo tỉ giá hiện hành, một USD đổi được 9.000 shillings Somaliland. Do đồng tiền giảm giá không phanh nên nếu dùng tiền mặt mua sắm, bạn phải mang theo cả bao tải tiền.

Somaliland tách khỏi Somalia vào năm 1991 khi cuộc nội chiến mới bắt đầu. Dù vẫn chưa được nước nào công nhận, nó đang trở thành “tuyến đầu đáng ngạc nhiên nhất” của lộ trình tiến đến một xã hội không dùng tiền mặt đầu tiên của thế giới. Bất cứ ở đâu, tại quán nước ven đường hay siêu thị ở thủ phủ Hargeisa, việc thanh toán bằng điện thoại hòa mạng đã trở thành chuẩn mực giao dịch giữa bên bán và bên mua. “Hầu như tất cả mọi người đều dùng điện thoại để trả tiền - Omar nói khi ông dùng một tay thao tác trên màn hình – Làm vậy dễ hơn nhiều”.

Hai dịch vụ chuyển tiền thay cho hệ thống ngân hàng

Trong khi các nước đã phát triển và đang phát triển cũng có kế hoạch hướng đến một xã hội phi tiền mặt nhờ điện thoại nối mạng hay thẻ thì cách làm của Somaliland là “độc nhất”. Lãnh thổ này chẳng biết “hiện đại hóa giao dịch tài chính” là gì mà chỉ biết không dùng tiền mặt là vì đồng tiền riêng giảm giá quá nhanh, phá vỡ giá trị ban đầu. Giá trị mất thêm phân nửa so với cách nay một vài năm khi chỉ cần 4.500 shilling là đổi được 1 USD.

Cuộc nội chiến tại Somalia chưa bao giờ kết thúc, nếu có thay đổi thì đó là lớp áo và mục đích của các bên tham chiến. Ngay từ lúc mới “chào đời” vào năm 1994, đồng shilling đã gặp “hỗn loạn”. Nó được sử dụng rộng rãi để mua vũ khí và tài trợ cho cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang khác nhau trong khu vực trước khi được các chính trị gia cho in hàng loạt để phục vụ ý đồ riêng của họ. Hậu quả là đồng tiền bị mất giá nghiêm trọng từng năm do không có gì bảo đảm cho giá trị của nó. Dùng những đồng tiền mệnh giá lớn 500 và 1.000 để thanh toán đã phải mang theo ba lô tiền, dùng đồng tiền nhỏ hơn sẽ cần đến… bao tải. Những người kiếm sống bằng việc đổi đồng nội tệ lấy USD phải mang theo cả xe ba bánh để chở tiền đi từ con đường này sang con đường khác.

Khi đồng nội tệ không được sự thừa nhận của quốc tế, hệ thống ngân hàng chính thức không được thành lập, các máy rút tiền ATM như một khái niệm “ngoài hành tinh” thì hai công ty tư nhân - Zaad thành lập năm 2009 và e-Dahab thành lập sau - lấp đầy khoảng trống bằng cách tạo ra “nền kinh tế ngân hàng di động” (mobile banking economy). Tiền mặt gửi vào hai công ty này được hiển thị trên điện thoại cá nhân để người gửi có thể thanh toán bằng số điện thoại cá nhân và mã số nhận tiền của người bán. “Có khi dùng shilling mua một món đồ trang sức, bạn phải mang theo 1,2 triệu USD tiền mặt - Ibrahim Abdulrahman, trợ lý mua hàng 18 tuổi tại một cửa hàng nữ trang vừa nói vừa chỉ tay vào những chiếc lắc vàng khi nói chuyện với một người muốn mua bằng tiền mặt – Không ai mang theo số tiền lớn như thế. Quá nhiều! Chỉ đếm cũng đủ mệt. Vì vậy, chúng tôi không nhận shilling Somaliland, chỉ nhận USD và tiền trong điện thoại”. Khi tiền mặt bị chối từ, người dân buộc phải chấp nhận và thích nghi với phương thức thanh toán mới. Nông thôn hay thành thị cũng thế.

Giao dịch không cần internet

Tại một đất nước tỉ lệ thất nghiệp cao, cái gì càng đơn giản càng dễ được chấp nhận. Mỗi cửa hàng có một mã thanh toán riêng nên rất dễ giao dịch. Họ quảng cáo các mã này trên tường và nơi công cộng để người mua sắm dễ nhận biết. Giao dịch qua điện thoại không đòi hỏi internet mà chỉ cần hòa mạng nên điện thoại“cùi bắp” dùng vẫn tốt. Khách mua chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng di động (mobile banking account) của mình đến người bán bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại. “Đây là tổng số giao dịch của hôm nay - Eman Anis, một người bán hàng 50 tuổi tại chợ vàng Hargeisa nói và chỉ khoản doanh thu mới 2.000 USD mới chuyển vào tài khoản điện thoại của anh - Theo tôi biết, thanh toán bằng điện thoại đã tăng từ 5% lên 40% trong 2 năm. Thuận tiện là chính, đồng tiền mất giá là phụ. Nay chúng tôi có thể làm mọi thứ qua Zaad. Thậm chí kẻ ăn mày cũng dùng Zaad! Cách thanh toán mới có lợi cho cả người mua lẫn người bán”.

Năm ngoái, Somaliland bị khô hạn hoành hành ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người sống nhờ nông nghiệp. Công nghệ thanh toán bằng điện thoại đã cho phép người dân ở đô thị nhanh chóng gửi tiền cho người thân gặp nạn của họ. “Cách làm này đã giúp chúng tôi rất nhiều vì nó phổ biến tới tận vùng nông thôn” - Mahmoud Abdulsalam, một người chăn lạc đà nay thất nghiệp sống ở phía Tây Somaliland nói. Những người bán hàng cho biết số chi trả bằng điện thoại tăng từ 20% cách nay một năm lên 50% trong năm nay và đang trở thành cứu tinh cho nhiều người dân Somaliland, lãnh thổ có nền kinh tế nhỏ bé với xuất khẩu lạc đà là chính.

Số công ty trả lương công nhân viên bằng điện thoại cũng tăng nhanh. Thống kê năm 2016 cho thấy có đến 88% người dân trên 16 tuổi có ít nhất một SIM card. 81% cư dân đô thị và 62% cư dân nông thôn sử dụng dịch vụ thanh toán bằng điện thoại. Khi các loại điện thoại giá rẻ tràn vào châu Phi, nhiều quốc gia như Ghana, Tanzania, và Uganda cũng có cuộc cách mạng tương tự trong giao dịch mua sắm. Tại Kenya có dịch vụ M-Pesa giống như Zaad được hơn nửa dân số sử dụng. Dĩ nhiên, không phải ai cũng thích thú với xã hội không tiền mặt. Có tin đồn về tham nhũng của cơ quan quản lý và thiếu luật lệ chế tài đã giúp hoạt động của hai công ty chuyển tiền vượt ngoài tầm kiểm soát.

Theo The Economist

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.