Xây dựng trường học hạnh phúc - giáo viên phải làm nòng cốt

GD&TĐ - Phương pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ quan trọng của Trường THCS Giao Phong (Giao Thủy, Nam Định) để nâng cao chất lượng dạy - học và hướng tới một trường học thân thiện, hạnh phúc.

Trường THCS Giao Phong (Giao Thủy, Nam Định)
Trường THCS Giao Phong (Giao Thủy, Nam Định)

Xây dựng niềm vui cho mỗi giờ lên lớp

Hướng tới một môi trường giáo dục chất lượng, có đội ngũ giáo viên tốt, Bam Giám hiệu nhà trường đã chú trọng phân công cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện nghiêm túc các buổi tập huấn chuyên môn do sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức.

Thầy Cao Văn Tiến – Hiệu trưởng Trường THCS Giao Phong - cho biết: “Để tăng cường và thực hiện có hiệu quả các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề, việc phân công chuyên môn theo đúng chuyên ngành và khả năng hoàn thành nhiệm vụ cũng rất quan trọng. Từ những phân công này, giáo viên trong cùng chuyên môn, cùng khối có thể giúp đỡ, trao đổi lẫn nhau có hiệu quả hơn”.

Theo đó, Ban Giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc theo kế hoạch hoặc theo tình hình thực tế thực hiện chuyên môn của giáo viên. Đồng thời, thực hiện quy chế thi đua dân chủ nghiêm túc, có quy định thưởng phạt rõ ràng và minh bạch, không thiên vị để xây dựng một tập thể vững mạnh, đem đến niềm vui trong mỗi giờ lên lớp.

Cùng với kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc, thầy Tiến cũng đặt ra mục tiêu cơ bản để mỗi giáo viên hoàn thành. Bởi, theo thầy Tiến, giáo viên chính là nòng cốt để khẳng định được trường học đó có hạnh phúc, các trò đến trường có thực sự vui vẻ hay không?

Như vậy, mỗi cán bộ quản lý và giáo viên phải tâm huyết với nghề nghiệp đã chọn, không ngừng trau dồi đạo đức, tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt và sử dụng kịp thời công nghệ thông tin.

Đồng thời, giáo viên cũng phải hiểu biết công việc được giao, biết chia sẻ với đồng nghiệp trong công việc, biết yêu thương lắng nghe và gần gũi học sinh.

Thầy Tiến chia sẻ: “Ai cũng có gia đình và công việc riêng, nhưng khi biết sắp xếp thời gian hợp lý sẽ bảo đảm tốt việc trên lớp cũng như ở nhà. Nếu một trong hai nhiệm vụ cứ chồng chéo nhau kéo dài sẽ gây ra những áp lực không tốt cho chính giáo viên và cả học sinh. Đây cũng chính là mục đích để có thể xây dựng một môi trường học tập thực sự hạnh phúc từ cô đến trò”.

Hiệu trưởng Trường THCS Giao Phong Cao Văn Tiến
  • Hiệu trưởng Trường THCS Giao Phong Cao Văn Tiến

Tự hào 50 năm vươn lên từ gian khó!

Trường THCS Giao Phong tiền thân là Trường Phổ thông Cơ sở xã Giao Phong được thành lập vào tháng 9/1969. Trải qua chặng đường 50 năm phát triển và trưởng thành giờ đã là một ngôi trường khang trang với khu lớp học 2 tầng, 16 phòng học và khu nhà Hiệu bộ với đầy đủ trang thiêt bị phục vụ cho công tác giảng dạy và điều hành. Với bề dày thành tích, trường đã có nhiều khóa học sinh thành đạt và có đóng góp lớn trong những hoạt động chung của nhà trường.

Thầy Tiến kể lại: Những ngày đầu thành lập, khi đó Trường THCS Giao Phong chỉ là dãy nhà làm bằng tranh, tre, vách được đắp bằng đất thịt trộn rơm với 4 phòng học. Xung quanh trường là các lũy cát trắng, cây dại mọc um tùm, mỗi khi có gió thổi qua, cát bay bụi mù vào tận trong các lớp. Hồi đó, văn phòng trường và nhà ở của giáo viên cũng chỉ là 3 gian nhà tranh liền nhau rất chật chội, một số thầy cô giáo phải ra ở nhờ nhà dân. Khi đến lớp, cả thầy và trò đều phải đội mũ rơm tránh bom, cuộc sống vô cùng khó khăn và vất vả, cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Trải qua bao khó khăn, tiếng giảng bài của thầy cô và tiếng học bài của các em học sinh vẫn ngày ngày vang lên, không có học sinh nào bỏ học.

Thiếu thốn là vậy, nhưng cũng từ ngôi trường ấy, hàng ngàn thế hệ học sinh đã trưởng thành và trở thành những con người có ích cho xã hội. Chính các học sinh đó giờ đã quay trở lại đóng góp tích cực vào hoạt động chung cho nhà trường.

“Từ mái Trường THCS Giao Phong thân yêu của quê hương Giao Phong anh hùng đã có hơn 6.500 học sinh tốt nghiệp. Nhiều em ở các thế hệ học sinh của nhà trường đã phấn đấu trở thành các giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, hàng trăm em đạt học hàm thạc sĩ, bác sĩ, kĩ sư, sĩ quan cao cấp, nhà giáo, các cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các nhà doanh nghiệp, người lao động giỏi, người công dân tốt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị trong và ngoài nước, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển của giáo dục quê hương” - Thầy Tiến tự hào chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.