Tạo ra giờ học vui vẻ
Cô Phạm Thị Thu Hà - giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), được biết đến với sáng kiến tạo ra hàng nghìn giờ “Văn vui vẻ”. Cô tâm sự, trước đây, lớp học vẫn quen kiểu giáo viên nói, học sinh nghe hoặc đọc chép; nhưng dạy học trong thời đại có nhiều nguồn thông tin tiếp cận học trò như hiện nay là khá khó khăn.
Nếu không có phương pháp, học sinh dễ thờ ơ với các môn xã hội. Do đó, trong mỗi giờ học cô luôn tạo không khí vui vẻ. Cô đưa ra các chủ đề, sau đó chia nhóm học sinh thảo luận, phản biện lẫn nhau. Qua đó rèn luyện cho học sinh kỹ năng nói, thuyết trình cũng như phản xạ tư duy trước các vấn đề trong cuộc sống.
Cô Hà còn khích lệ các em học tập bằng nhiều cách. Những em có bài viết hay sẽ đánh máy in ra tặng cho các bạn trong CLB; trao đổi với nhau tư liệu tham khảo, những bài văn hay, đề văn hay, những vấn đề văn học mới. Nhờ thế, các em HS tuy ở nhiều trường khác nhau, nhiều lớp khác nhau nhưng vẫn cảm thấy gần nhau. Tình cảm bạn bè và tình yêu văn học nhờ thế nhân lên không ngừng.
Trong những tiết học chính khóa ở trên lớp, cô Hà luôn có ý thức khơi dậy niềm đam mê văn học ở các em qua việc kết hợp giữa tác phẩm văn học với âm nhạc và hội họa. Một khúc ca vang lên đúng lúc có thể đánh thức tình yêu văn học, tình yêu cuộc sống; một bức tranh do các em tưởng tượng và vẽ lại sau khi học xong tác phẩm sẽ khiến giờ Văn được thăng hoa hơn rất nhiều.
|
Đổi mới để học sinh hứng thú học
Cô Nguyễn Thị Hường - giáo viên Trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) quan niệm để có một lớp học hạnh phúc, cần có sự tâm huyết, nhiệt tình, say mê với nghề nghiệp, không ngừng đổi mới về chuyên môn, phương pháp giảng dạy.
Trong những năm gần đây, hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thực hiện phong trào “Thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cô luôn nỗ lực phấn đấu rèn luyện đạo đức, trau dồi chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Là một giáo viên dạy Văn, cô được phân công kiêm nhiệm môn Giáo dục công dân. Khi dạy học, cô nhận thấy học sinh không hứng thú với môn học. Mỗi giờ học trôi qua, cô đều thấy không hài lòng và quyết tâm thay đổi phương pháp, cách thức dạy học để học sinh thấy hứng thú, hình thành tình cảm tích cực với môn học, từ đó các em mới hoạt động tích cực, tìm tòi sáng tạo trong học tập.
Chương trình sách giáo khoa có những bài tư liệu quá cũ hoặc không phù hợp với thực tế ở địa phương, cô chủ động tìm tư liệu khác thay thế. Việc làm đó khiến học sinh thấy bài học gần gũi, thực tế hơn. Trong quá trình dạy học, cô luôn gắn nội dung bài học với việc giải quyết các vấn đề thực tế ở địa phương, thực tế trong cuộc sống của học sinh.
Vì vậy, nội dung bài học được vận dụng thực hành luôn vào cuộc sống chứ không khô khan, giáo điều. Cô đã tổ chức cho các em tham gia một số hoạt động như thăm viếng, dọn cỏ mộ liệt sĩ, thăm đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành, lao động vệ sinh xung quanh trường...